Lần đầu tiên, toàn bộ tiểu thương chợ Chồm Hổm mặc áo bà ba

Khi toàn bộ tiểu thương đều mặc áo bà ba thì ngôi chợ miền sông nước họp giữa trời càng có nhiều màu sắc thu hút du khách – Ảnh: Dân Việt

Một hình ảnh đẹp lan truyền trong hai ngày qua là ngôi chợ Chồm Hổm ở TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) có gần 500 tiểu thương đồng loạt mặc áo bà ba để bán hàng.

Đây là ngày hội mặc áo bà ba của chương trình Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023 lần thứ nhất.

Có lẽ đây là một trong những festival hiếm hoi ở Việt Nam không mang tính hình thức, giúp người tham gia phấn khởi và du khách dạo chợ có thể chụp được nhiều góc ảnh đẹp của người dân quê miền sông nước.

Cách kẻ ô cho tiểu thương ngồi buôn bán giữa trời phù hợp với xu thế người mua giờ không thích vào nhà lồng chợ mua đồ – Ảnh: Lao Động

Lễ hội Festival Áo Bà Ba Hậu Giang lần thứ nhất diễn ra trong ba ngày, từ 29 Tháng Chín – 1 Tháng Mười 2023 có mục đích quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.

Ban tổ chức lễ hội đã tặng áo bà ba cho tiểu thương (nữ có đủ màu, nam màu nâu và xanh), với thiết kế đồng bộ cổ tròn, phom dáng rộng, dễ cử động… nên hầu hết tiểu thương đều mặc chồng bên ngoài bộ đồ của họ, giống như áo khoác đồng phục.

Bên cạnh đó cũng có những nữ tiểu thương tự mặc áo của mình may, vừa người và có thêu hoa rực rỡ.

Tiểu thương bán hàng trong tà áo bà ba, nón lá, hàng hóa là sản vật địa phương, niềm nở không nói thách, thế là đủ thu hút du khách – Ảnh: Dân Việt

Đa số người bán ở chợ độ tuổi trung niên, có nữ có nam, số ít là các cô gái trẻ duyên dáng.

Khác với ngày thường, không khí ở chợ nông sản vào ngày hội áo bà ba nhộn nhịp hẳn lên với rất đông người tham quan mua sắm. Cư dân địa phương khi đi chợ mua sắm cũng mặc áo bà ba, tạo nên nét đồng bộ cho khung cảnh.

Người bán mặc áo bà ba, người đi chợ cũng diện áo bà ba, trông thiệt đẹp – Ảnh: Dân Việt

Bà Huỳnh Thị Niềm (50 tuổi), bán cá đồng, nói với VTV, áo bà ba là trang phục truyền thống của phụ nữ miệt vườn sông nước Nam Kỳ nên khi mặc chiếc áo này bán hàng bà thấy rất vui, người mua sắm cũng đông hơn.

Bà Nguyễn Thị Tơ (39 tuổi), tiểu thương, chia sẻ với Lao Động: chợ nông thôn Vị Thanh là nét đặc trưng của tỉnh Hậu Giang, nơi được nhiều du khách đến tham quan mua sắm.

Cô tiểu thương bán tôm cá này trông thiệt duyên dáng trong tà áo bà ba – Ảnh: Dân Việt

Trong dịp Festival lần này, chợ được chọn là địa điểm du lịch, vì vậy khi mọi người cùng mặc áo bà ba thì càng tô thêm nét duyên, đặc sắc của chợ.

Chợ nông sản Vị Thanh nằm ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, TP. Vị Thanh, hình thành khoảng 10 năm nay, trên diện tích khoảng 700m2, họp kiểu “chợ trời”, không có nhà lồng, không có sạp mà kẻ ô, mỗi ô từ 2-4m2.

Người bán ngồi đâu lưng với nhau, các loại nông sản và trái cây xếp gọn ghẽ và trông thật tươi ngon – Ảnh: Lao Động

Tiểu thương kê ghế đẩu hoặc ngồi bệt, ngồi xổm để bán hàng, còn người mua cũng buộc lòng ngồi xổm để chọn lựa hàng nên lâu dần thành tên là chợ Chồm Hổm.

Các tiểu thương bày bán đủ thức đặc sản miền Tây ở chợ trông rất bắt mắt, họp từ 2 giờ sáng mỗi ngày, kéo dài đến khoảng 10 giờ là tan chợ.

Nụ cười mộc mạc của tiểu thương chợ Chồm Hổm ở TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang – Ảnh: Lao Động

Ngoài việc may đồng phục áo bà ba cho tiểu thương chợ Chồm Hổm, Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023 còn có triển lãm ảnh áo bà ba từ xưa đến nay, trình diễn các bộ sưu tập áo bà ba được may từ tơ khóm, tổ chức gian hàng ăn uống với các món ăn truyền thống Nam Kỳ và có các buổi trình diễn đờn ca tài tử.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: