Tin bà Nhàn hiện đang ở Đức, được trang taz (Đức) đưa tin ngày 6 Tháng Tám, 2023, làm xôn xao dư luận.
Chưa biết nguồn tin của taz chính xác tới mức nào, nhưng bản tin này hé lộ nhiều điều thú vị về bà Nhàn, nhóm người có liên quan đến bà Nhàn đào thoát, ông Chính và… “triều đình đỏ”. Thêm vào đó là vài chuyện thâm… đen của chế độ. Đọc thú vị lắm.
Hiện nay Hà Nội đã chặn trang web này rồi, ai ở trong nước muốn vào xem thì phải biết “vượt tường lửa”.
Theo taz thì vào Tháng Năm năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy nhân viên cốt cán của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã “cao chạy xa bay” trước khi Viện kiểm sát công bố lệnh bắt giữ để điều tra về vụ án gian lận và tham nhũng trong đấu thầu xây dựng bệnh viện.
Rõ ràng họ đã được thông báo trước, và có đủ thời gian “dọn dẹp” sổ sách, tẩu tán tiền bạc trước khi lên đường “lưu vong”.
Ông Tô Lâm cho người đi lùng sục khắp nơi, gởi lệnh truy nã đến cơ quan Interpol nhờ trợ giúp, quyết tâm bắt cho bằng được bà Nhàn và đám nhân viên AIC này.
Tự nguyện ra đầu thú hay bị dẫn độ?
Hơn một năm sau, vẫn không bắt được bà Nhàn. Ngày 4 Tháng Bảy năm 2023, báo chí trong nước đồng loạt loan tin kế toán trưởng công ty AIC Đỗ Văn Sơn (một trong bảy người trốn lệnh truy nã) ra đầu thú.
Nếu là trước đây thì chắc người dân cũng tin đó là sự thật, nhưng sau vụ an ninh Việt Nam qua Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017, rồi cũng loan tin “Trịnh Xuân Thanh về đầu thú”; sau đó là vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất (2019), và YouTuber Thái Văn Đường (2023) cùng ở Thái Lan, thì người ta không còn tin những gì Công an Việt Nam tuyên bố nữa.
Về chuyện Đỗ Văn Sơn, taz cho biết, Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xác nhận với taz rằng, vào Tháng Sáu vừa qua, họ đã bàn giao ông Sơn cho mật vụ Việt Nam theo yêu cầu, để dẫn độ ông ta về nước.
Như thế, rõ ràng ông Tô Lâm nói láo, khi dựng chuyện kế toán trưởng AIC ra đầu thú.
UAE là nước duy nhất đồng ý dẫn độ nghi phạm bị kết tội tham nhũng. Hoa Kỳ cũng đã được Việt Nam nhờ giúp bắt một người đàn ông trong nhóm AIC đào thoát qua đó, nhưng bị từ chối. Nước Đức lại càng nói “Không” vì họ đã quá chán ngán bộ mặt của đám an ninh Việt Nam bắt cóc ông Thanh ngay trên đất nước họ vào năm 2017.
Lý do Hoa Kỳ và Đức không đồng ý giúp Việt Nam bắt nghi phạm và dẫn độ họ về nước vì họ có những bằng chứng cho thấy vụ án tham nhũng chỉ là một vở kịch giả, che đậy cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong thượng tầng lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thế thì tại sao họ lại phải giúp?
Điều này cũng được taz giải mã một phần trong bài viết như sau:
“Những lời buộc tội này có thực sự là lý do của cuộc đàn áp – hay chúng chỉ là một cái cớ? Sáu tháng trước, taz nhận được từ Hà Nội một bài viết của người ẩn danh, chỉ trích chính quyền, và giải thích lý do tại sao người phụ nữ (bà Nhàn) và nhóm người của bà lại bị truy nã. Bài báo dài 12 trang mô tả cuộc tranh giành quyền lực để kế nhiệm chức vụ cao nhất, quyền lực nhất của đảng Cộng sản, hiện nay do ông Nguyễn Phú Trọng (79 tuổi) nắm giữ”.
Vẫn theo taz, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng đương nhiệm, là một trong những người đang nhắm đến “ngôi bá chủ” ông Trọng đang nắm giữ. Nếu ông Chính lên nắm quyền sinh sát, người đầu tiên ông ta sẽ triệt hạ là Tô Lâm. Bởi thế, Tô Lâm mới quyết tâm tìm và bắt bằng được bà Nhàn, để ông Chính hết đường “lên ngôi chí tôn”.
Bà Nhàn là người môi giới giúp ông Chính và Bộ Quốc phòng Việt Nam mua vũ khí quan trọng từ Israel. Bà nắm toàn bộ bí mật của các hợp đồng mua bán này. Do đó, khi bà Nhàn bị khởi tố và có lệnh truy nã, bà và đám nhân viên đã được cho biết trước để “chuồn” ra khỏi Việt Nam trước khi lệnh truy nã tới các cửa khẩu. Bà lại là người tình (lâu năm) của ông Chính, được tin là có với nhau một đứa con gái, thế nên đối với ông Chính, tính mạng của bà Nhàn rất quan trọng, phải bảo vệ tới cùng.
Liệu bà Nhàn có bị bắt cóc như Trịnh Xuân Thanh không?
Theo thông tin của taz, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức đã được vài tháng và sống tại một thành phố lớn. Trước đó, bà được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang sống. Mật vụ Việt Nam cũng được cho là biết về việc bà Nhàn đã đến Đức.
Taz cho biết rằng, cơ quan an ninh Việt Nam đã yêu cầu Đức bắt bà Nhàn và cho phép họ dẫn độ bà về nước, nhưng yêu cầu này đã bị Văn phòng Tư pháp Liên bang từ chối.
Theo giới chức Đức, kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, các yêu cầu dẫn độ về Việt Nam nói chung đều bị từ chối. Không những thế, Bộ Ngoại giao Đức còn cảnh báo Việt Nam rằng: “Chính phủ liên bang không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”.
Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn không loại trừ khả năng ông Tô Lâm sẽ chơi lại trò bắt cóc thêm một lần nữa, bất chấp hậu quả. Cơ quan an ninh Đức được cho là đã liên lạc với bà Nhàn để đưa ra lời cảnh báo, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ bà kỹ hơn. Họ không muốn để xảy ra vụ “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” trên đất nước của họ.
Có một cơ quan khác tại Việt Nam cũng lo lắng về việc bà Nhàn sẽ bị bắt cóc. Đó là cơ quan tình báo quân đội.
Bộ Quốc phòng, và đương nhiên, cả ông Chính lo nếu bà Nhàn bị đưa về nước, không sớm thì muộn, những bí mật về các hợp đồng nhập khẩu vũ khí từ Israel về Việt Nam sẽ bị phe ông Trọng biết hết. Lúc đó, tính mạng của ông Chính, và lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ “nằm trên thớt” nhà ông Tô Lâm.
Thế nên họ phải bảo vệ người đàn bà này bằng mọi cách. Có thể giờ này, bên cạnh bà Nhàn đã có ít nhất hai người cận vệ bảo vệ bà 24/24, chưa kể lực lượng bảo vệ vòng trong, vòng ngoài.
Như thế, bà Nhàn được hai cơ quan bảo vệ: Cơ quan an ninh Đức, và Tình báo quân đội Việt Nam. Bà cũng bị mật vụ (thuộc Bộ Công an) Việt Nam tìm cách bắt cóc đưa về nước. Theo đánh giá của taz, lần này mật vụ Việt Nam nếu muốn ra tay sẽ gặp khó khăn hơn trước rất nhiều mà chưa chắc đã thành công, vì sau vụ Trịnh Xuân Thanh, họ đã hết người “nằm vùng” tại Đức và nước láng giềng Slovakia.
Cuộc đấu trí giữa hai thế lực trong đảng ngày càng trở nên kịch tính. Với Tô Lâm và Phạm Minh Chính, đây là trận “quyết chiến” cuối cùng để giành ngôi vị “độc tôn” trong đảng, thế nên dù ngoài miệng gọi với nhau là “đồng chí” họ sẵn sàng làm mọi chuyện để sống còn.