Lương không đủ sống, hơn 40 ngàn giáo viên bỏ việc trong 3 năm qua

Giáo viên nghỉ việc nhiều, Bộ GD-ĐT nêu nhiều đề xuất về chính sách cho giáo viên, đặc biệt là ở bậc mầm non – Ảnh: Thanh Niên

Con số này sẽ tiếp tục tăng, nếu Bộ GDĐT không có chính sách thỏa đáng.

Theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm học, tính từ tháng 8.2020 – tháng 8.2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu biên chế được giao gần 26.000. Như thế, số giáo viên thiếu hụt vẫn là một con số rất lớn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế “làn sóng” nghỉ việc này.

Về nguyên nhân, ông Sơn cho rằng do thu nhập ngành giáo dục không tăng, thậm chí còn giảm vì giờ dạy (không lương) lại tăng lên, khiến giáo viên chịu nhiều áp lực. Thêm nữa, các ngành nghề khác lại mở ra nhiều cơ hội tốt, vừa phát huy được năng lực, lại nhận được đồng lương xứng đáng, nên đã thu hút nhiều giáo viên bỏ nghề chuyển qua.

Một số ngành nghề như đi xuất khẩu lao động, làm công nhân ở các khu công nghiệp, thậm chí tìm một nghề tự do không ràng buộc giờ giấc, v.v… đang được giáo viên tìm hiểu, và sẵn sàng “thử thời vận” khi thấy tương lai nghề giáo quá bấp bênh.

Giáo viên trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, Sài Gòn) trong buổi dạy ngày 20/10/2021 – Ảnh: Thanh Niên

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, những biện pháp ông Sơn đưa ra nhằm vực dậy ngành giáo dục đã rệu rã nhiều năm không có gì mới. Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng cũ, cũng đã “phùng mang trợn mắt” hứa hẹn sẽ đổi mới ngành, nhưng rồi chẳng có gì thay đổi, thậm chí tình hình còn tệ hơn, vì sau này ông Nhạ chỉ lo in sách bán buôn thôi.

Thế nên, với kế hoạch chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực,… nhiều chuyên gia cho rằng làm được điều đó vẫn chưa đủ. Điều quan trọng, thậm chí sống còn của ngành giáo dục là phải tăng lương, tăng phụ cấp ngay cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Ông Sơn cũng đặt ra vấn đề này, nhưng giống như các bộ trưởng tiền nhiệm, ông Sơn phải phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác, rồi trình Chính phủ đề xuất tăng lương này, để nâng ngân sách giáo dục lên. Ông Sơn nói:

“Bước đầu, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non”.

Bảng lương giáo viên mầm non sau 1/7/2023: Thấp nhất (mới vào nghề) 3.618.000 đồng (khoảng $150/tháng), cao nhất (hơn 10 năm trong nghề) 11.484.000 đồng (hơn $477/tháng)

Nhìn vào bảng lương giáo viên mầm non mới nhất, người ta khó có thể hình dung sự “vui mừng” của giáo viên nếu được tăng thêm 10%! Do đó, cũng khó nói điều này có “động viên” được họ như mong muốn của ông bộ trưởng hay không.

Bảng lương giáo viên tiểu học, THCS, THPT sau 1/7/2023

Do đó, dù ông Sơn có hứa “thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non”, nhiều người vẫn cho đó là lời “đãi bôi”, và họ cứ lẳng lặng “một đi, không trở lại”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: