Từng trải qua những ngày tháng khó khăn tận cùng, không một xu dính túi, không có gì trong dạ suốt ba ngày liền, nên khi nhận được phần cơm của người tốt bụng, chị Đỗ Thị Ngọc Phượng đã tự hứa sẽ “ơn đền nghĩa trả” với cuộc đời nếu một ngày “qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai.”
Chị Ngọc Phượng đã giữ đúng lời hứa của mình. Năm 2017, Mãn Tự Vegan – nhà hàng chay kiểu buffet, ra đời. Đây là nhà hàng hoạt động theo mô hình “mọi người đóng góp tuỳ tâm theo khả năng có được.” Nói cách khác, khách đến ăn và ra về sau khi “trả tiền tuỳ tâm” – theo cách nói của chị Phượng, là “người có điều kiện trả cho người không có điều kiện.”
Khởi thuỷ chỉ là một không gian nhỏ xinh, trong một con hẻm ở đường Tôn Thất Đạm, Quận 1. Theo thời gian, quán được nhiều người biết đến, chị Phượng mở thêm hai quán nữa ở Bình Chánh và đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự Vegan và chợ rau 0 đồng ra đời.
Vạn sự khởi đầu nan. Nhớ lại thời gian mới mở quán, chị phải “đi vay mượn tiền cả chục triệu, có lúc phải bán đất ở quê để có tiền duy trì hoạt động của quán” (trích Tuổi Trẻ). Đến năm 2019 Mãn Tự có năm chi nhánh, nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm, giờ đây chị chỉ có thể duy trì một Mãn Tự Vegan ở trung tâm Quận 1 (201 – Nguyễn Thị Minh Khai.)
Mỗi ngày, quán mở hai buổi, trưa từ 11h – 14h và chiều từ 17h – 21h với 30 món chay đủ loại. Mãn Tự Vegan không ấn định giá tiền phải trả, tuy nhiên, trong những ngày rằm hoặc đầu tháng, thỉnh thoảng Mãn Tự sẽ đưa ra giá tiền cụ thể cho vài món ăn. Số lượng và chất lượng theo đó sẽ thay đổi so với ngày thường, nhằm xứng với mức giá mà khách bỏ ra. Chị Ngọc Phượng mong muốn, cho dù khách trả theo tuỳ tâm, nhưng với những người khá giả, họ cũng cảm thấy xứng đáng với số tiền họ đã bỏ ra. Bởi theo quan điểm của chị, “Tôi cũng làm từ thiện nhưng tôi muốn làm từ thiện theo cách thông minh.”
Một khác hàng của Mãn Tự Vegan là Nguyễn Thị Hà An, sinh viên Đại Học Y dược chia sẻ: “Mình cảm thấy việc trả tiền tùy tâm rất có ý nghĩa. Là sinh viên, khi đến đây mình có thể bỏ ra đúng số tiền mình có, khi nào đầu tháng dư giả một xíu, hay là mọi người có điều kiện hơn thì có thể bỏ tiền nhiều hơn, để lấy phần đó bù lại cho những người khác không đủ kinh tế.” (Trích Tuổi Trẻ).
Khi cuộc đời vẫn những tấm lòng bao dung, thấu hiểu hạnh phúc của sự chia sẻ, tin vào đạo lý “trồng cây hái quả” như chị Ngọc Phượng, thì xã hội vẫn còn hy vọng.