Tin lọt ra từ phía Văn phòng chính phủ của CSVN, cho biết một chuyến bay vừa mở lại của Vietnam Airlines đi từ Nhật về Hà Nội đã nhận được một cú điện thoại đe dọa phải ngừng hành trình này, nếu không sẽ bị bắn.
Tuy không nói rõ là máy bay hành khách này sẽ bị bắn bằng cách nào, nhưng theo cách giọng nói đe dọa, việc tấn công có thể diễn ra với phi tiễn.
Cụ thể, ngày 5 Tháng Một, chuyến bay VN5311 sử dụng máy bay số hiệu B787-868 từ Narita – Nhật Bản về Hà Nội (NRT-HAN), khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương) gồm 15 thành viên phi hành đoàn (12 tiếp viên và 3 phi công), trong đó có hai cơ trưởng cùng 47 hành khách.
Khoảng 11h10 (giờ địa phương), Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được một cuộc điện thoại từ đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật. Đối tượng này đe doạ: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.
Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không” thì người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.
Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, Chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về Vietnam Airlines.
Sự việc này lập tức được báo cho Nhà chức trách Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên đới của Bộ Công an; đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Vietnam Airlines.
Sau khi bàn thảo và quyết định khẩn cấp được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không VN đã cho lệnh Vietnam Airlines xin phép Nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.
Khoảng 13h02 (giờ địa phương), chuyến bay VN5311 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản. Nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka sau đó lên tàu bay kiểm tra sơ bộ tình hình, nhưng không áp dụng các biện pháp an ninh khẩn cấp và cho phép tàu bay được đỗ tại sân bay Fukuoka trong khoảng 2 giờ để xem xét, đánh giá thông tin, cũng như sự an toàn của chuyến bay.
Khoảng 14h30 (giờ địa phương), sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, Nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội.
Vietnam Airlines cũng xin lệnh Cục Hàng không Việt Nam và quyết định cho chuyến bay VN5311 khởi hành lúc 15h48 (giờ địa phương) từ sân bay Fukuoka tiếp tục hành trình về Hà Nội.
Cuối cùng, vào hồi 18h12 phút (giờ Việt Nam) ngày 5 Tháng Một 2022, chuyến bay VN5311 đã hạ cánh an toàn xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đây là sự kiện nghiêm trọng tầm quốc gia, thế nhưng đến nay, rất ít tờ báo hay truyền hình nào của chính quyền CSVN đưa tin hay tìm hiểu sâu.
Hiện Bộ Công an CSVN, Cục Hàng không cũng báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp với các Nhà chức trách liên quan của phía Nhật Bản để điều tra, làm rõ vụ việc.
Việc đe dọa mang tính đường bay quốc tế này được tiết lộ, vào lúc Trung Quốc đang ra sức nhấn mạnh quyền kiểm soát trên Biển Đông. Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã úp mở về chuyện này, và đợi thời cơ để tuyên bố chính thức về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Cho tới nay, theo các chuyên gia về thời sự quốc tế, việc Bắc Kinh chưa công bố chính thức vì có đủ thiết bị phát hiện cần thiết, khả năng chiến đấu và cơ sở hạ tầng khác để thực thi. Việc nhắm vào đường bay của Nhật và Việt Nam, đang được nhiều người dự đoán là có thể liên quan đến Bắc Kinh.
Được biết, ADIZ được đề xuất bao phủ các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa, theo nguồn tin giấu tên. Các kế hoạch cho khu vực này tương tự kế hoạch cho Biển Đông. Nguồn tin nói rằng, chính quyền Trung Quốc đang chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố kế hoạch về ADIZ mà họ cân nhắc từ năm 2010. Dĩ nhiên, kế hoạch này đã bị nhiều quốc gia phản ứng dữ dội và coi là quyết định bất hợp pháp, không thua gì vùng 9 đoạn vạch ra trên biển.