Sự kiện tuyến tàu điện Metro số 1 chính thức được đưa vào hoạt động sau 17 năm xây dựng đang trở thành điểm sáng trong giao thông đô thị Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khi nhìn lại hành trình kéo dài từ năm 2007 đến nay, không thể không đặt ra những câu hỏi về tốc độ phát triển, hiệu quả của việc quản lý dự án và tâm lý xã hội.
Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hay còn gọi là Metro Thành phố Hồ Chí Minh là hệ thống đường sắt đô thị đang xây dựng tại Sài Gòn. Dự án này là sự kết hợp giữa tàu điện ngầm (metro), xe điện mặt đất (tramway) và tàu một ray (monorail). Thời điểm quy hoạch mới nhất cho Tuyến dự án được đề xuất trước đó vào năm 2007, được phê duyệt vào ngày 8 Tháng Tư năm 2013.
Hệ thống bao gồm 8 tuyến với tổng chiều dài là 169 km, 1 tuyến xe điện 12.8 km và 2 tuyến đường ray đơn dài 43.7 km. Có 175 nhà ga tổng chiều dài hệ thống là 225.5 km.
Tuyến đầu tiên của hệ thống là tuyến số 1 chính thức vận hành từ ngày 22 Tháng Mười Hai 2024. Tuyến tiếp theo là tuyến số 2 “dự kiến” vận hành năm 2030.
Hệ thống tàu điện Metro tại Việt Nam được kỳ vọng là giải pháp cho vấn đề giao thông đô thị đang ngày càng căng thẳng. Với kế hoạch ban đầu bao gồm 8 tuyến, dự án Metro là biểu tượng cho sự hiện đại hóa và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sau gần hai thập niên, chỉ một tuyến được hoàn thành. Điều này phơi bày những hạn chế về quy hoạch, năng lực quản lý và sự chậm trễ trong tiến độ. Những yếu tố như chi phí đội vốn, phong bạc, thủ tục hành chính phức tạp và thiếu kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn đã khiến dự án này trở thành tâm điểm nóng của dư luận.
Trong suốt quá trình xây dựng, dự án Metro đã đối mặt với không ít chỉ trích từ người dân và truyền thông. Những cụm từ như “dự án nghìn tỷ trì trệ” hay “lãng phí ngân sách” xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo. Để làm dịu dư luận, chính phủ đã gấp rút đưa tuyến số 1 vào hoạt động như một lời khẳng định về cam kết phát triển.
Điều đáng chú ý là sau khi tuyến số 1 hoàn thành, tâm lý xã hội dường như thay đổi. Người dân từ chỗ chỉ trích chuyển sang ca ngợi thành quả. Họ tự hào về sự hiện đại của tàu điện Metro và xem đây là một bước tiến quan trọng cho đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi: liệu sự tung hô ấy có che mờ đi những bất cập trong quá trình thực hiện dự án hay không? Người dân Việt như những đứa trẻ được cho ăn kẹo đúng lúc, họ nhanh chóng quên đi những bực tức trước đó về dự án hàng nghìn tỷ này.
Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn trên thế giới, việc các hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện đã trở thành một phần không thể thiếu của hạ tầng đô thị từ lâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hành trình gia nhập vào thế giới của tàu điện ngầm lại diễn ra muộn màng, khi mà nhiều quốc gia đã có hệ thống này từ hàng chục năm trước.
Sự ra đời của tàu điện ngầm ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong tư duy và chiến lược phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Một cuộc hội nhập muộn màng dù những quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, hay các thành phố châu Âu đã sở hữu các tuyến tàu điện ngầm từ giữa thế kỷ 20, Việt Nam mãi đến những năm gần đây mới bắt đầu triển khai các dự án lớn về tàu điện ngầm.
Tàu điện vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với dân Việt. Cảm giác lần đầu tiên bước vào các toa tàu hiện đại, chạy trên những tuyến đường trên cao và dưới lòng đất, không khí mát mẻ, sạch sẽ và di chuyển nhanh chóng khiến không ít người ngỡ ngàng. Đối với những thành phố đông đúc và thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông như Sài Gòn, tàu điện mang đến một niềm hy vọng mới, nó trở thành niềm tự hào về sự phát triển của đất nước, khi Việt Nam đã có thể sở hữu một công nghệ giao thông hiện đại, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, khi nhìn lại, việc này cũng phản ánh một thực tế đáng tiếc rằng: Việt Nam đã bỏ lỡ một giai đoạn quan trọng trong cuộc đua phát triển các hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Dù tàu điện mới, hiện đại nhưng đường ray và hệ thống hạ tầng xung quanh lại bộc lộ sự lạc hậu và nhếch nhác. Các khu vực gần tuyến Metro vẫn chưa được đồng bộ hóa về mặt cảnh quan và cơ sở hạ tầng. Điều này làm giảm đi phần nào giá trị tổng thể của dự án, khi sự tương phản giữa phương tiện hiện đại và môi trường cũ kỹ dễ khiến người ta có cảm giác về một sự phát triển chưa toàn diện.
Nhìn vào câu chuyện của dự án Metro, tôi cảm thấy thương dân mình – những con người luôn khao khát sự phát triển nhưng thường bị kéo lùi bởi những trì trệ. Sự hân hoan khi tuyến Metro số 1 hoàn thành là dễ hiểu, nhưng liệu người dân có còn phải nghe những lời hứa suông và mòn mỏi chờ đợi cho tuyến metro số 2 và nhiều công trình phúc lợi công cộng khác?