Nguyễn Tú Anh, 37 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, trong một gia đình nghèo có bố làm bảo vệ, mẹ bán hàng ở chợ, cơm ăn không đủ bữa, thu nhập bấp bênh nhưng kiếm được đồng nào nhưng bố mẹ Tú Anh đều dành hết nuôi ba đứa con ăn học.
Năm 2007, Tú Anh trúng tuyển Đại học Kinh tế TPHCM. Sau bốn năm đèn sách, Tú Anh tốt nghiệp. Khi về lại Yên Bái, đi lên các bản vùng cao, chứng kiến nhiều em nhỏ phải bỏ học giữa chừng vì nghèo, em thì đi học chỉ mang theo được vài cái bút, em thì không có sách vở; ghé các điểm trường hầu như chưa có trường nào mở thư viện. Mọi thứ khiến anh Tú Anh nhớ về tuổi thơ mình từng trải qua.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến sách, muốn thoát nghèo trước tiên phải giàu có về tri thức”, Tú Anh nói. Khi quay lại Sài Gòn, anh bắt đầu chiến dịch quyên góp sách cũ, sách mới, tự phân loại và gửi lên cho trẻ em vùng cao.
Từ năm 2011, căn nhà trọ 90m2 của Nguyễn Tú Anh là nơi tổ chức những “Chủ nhật yêu thương”, tiếp nhận sách của mọi người quyên tặng với mục tiêu lập 1,001 thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Hơn một năm đầu, cứ mỗi cuối tuần, một mình anh cột đống sách sau xe máy, chạy lên các bản của người dân tộc S’tiêng ở huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) để tặng sách. Nhiều ngày đi xe đến hơn 10 giờ đêm mới tới nơi, trời tối sầm, sương mù dày đặc, đường trơn trượt vì mưa, vài lần bị ngã xe trầy xước nhưng tay anh Tú Anh vẫn giữ chặt mấy chồng sách không để bị ướt. Tú Anh cho biết, tuy vất vả nhưng đổi lại, thời gian bên các em là những giây phút anh vui vẻ nhất, cùng các em lội suối đến trường, cùng các em đọc truyện tranh, đơn giản chỉ để hiểu thêm về cuộc sống của các em.
Từ năm 2012, Tú Anh có thêm nhiều người đồng hành trên hành trình hiện thực giấc mơ xây “1001 thư viện sách” khắp bản làng xa. Hiện nhóm đã có hàng nghìn thành viên trên khắp cả nước.
Mỗi tháng sẽ có vài đợt gửi sách tới các trường qua đường bưu điện. Mỗi năm “Chủ nhật yêu thương” gửi đi gần một triệu cuốn sách và đều đặn từ hai đến ba lần, nhóm trực tiếp đến các bản vùng sâu vùng xa tổ chức lễ hội sách. Đến nay, hành trình của họ đã đi được hơn một nửa chặng đường với hơn 600 thư viện.
Khi chưa lập gia đình, Tú Anh từng nghĩ sẽ sống độc thân hết đời để dành thời gian cho các em nhỏ. Sau đó, anh lập gia đình, và “thật may mắn khi vợ cũng ủng hộ tôi, cả hai vợ chồng bàn nhau sẽ đóng sách xây thư viện đến khi nào không còn sức”, Tú Anh chia sẻ.