Mua bán hóa đơn trái phép, doanh nghiệp chân chính… chết hết!

(Hình minh họa: vneconomy.vn)

Trong những ngày đầu Tháng Giêng, 2025, Công An Việt Nam liên tiếp khởi tố các vụ án liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, trị giá lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ những ngày qua gây khổ sở cho người dân, dồn cuộc sống của người dân vào đường cùng, ở mặt trận kinh tế, tội phạm mua bán hóa đơn trái phép trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết, khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh-sản xuất chân chính điêu đứng, kiệt sức, chết dần chết mòn.

Báo chí trong nước đưa tin hôm 13 Tháng Giêng, Công An Đà Nẵng triệt phá một đường mua bán trái phép hóa đơn số lượng lớn, trị giá hơn 25,000 tỉ đồng, liên quan nhiều doanh nghiệp và quy mô tổ chức, hoạt động ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam từ mấy năm qua.

Vào năm 2022 đến Tháng Giêng 2025, Nguyễn Thanh Thúy, Nguyễn Thị Vi, Nguyễn Thị Thanh Tâm cư trú tại Đà Nẵng và Nguyễn Hoàng Tuấn cư trú tại Hà Nội thành lập 280 doanh nghiệp “ma” tại TP.Đà Nẵng và các địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP.Sài Gòn… để thực hiện hành vi mua bán trái phép 187,610 hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổng doanh số là hơn 25,300 tỉ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng là 2,100 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng 500 tỉ đồng.

Hiện nay các đối tượng đang bị khởi tố, tạm giam, trong đó Tuấn là giám đốc Phân Viên Khoa Học Công Nghệ Xây Dựng Miền Trung tại Huế (thuộc bộ Xây Dựng), đang chủ trì hàng loạt dự án trùng tu di tích ở Thừa Thiên Huế.

Cũng trong Tháng Giêng, Công An TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khỏi tố bị can đối 4 đối tượng gồm: Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn và Tô Diễm Xuân với cáo buộc hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Từ năm 2022 đến khi bị khởi tố, những người này thành lập 80 doanh nghiệp để thực hiện hành vi mua bán hơn 20,000 trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, chủ yếu là các hóa đơn mua vật liệu xây dựng, tổng số tiền giao dịch là hơn 10,000 tỉ đồng, tổng số tiền sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2,150 tỷ đồng, qua đó các đối tượng đã thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Liên quan đến loại hình tội phạm này, dư luận Việt Nam hẳn chưa quên vụ án cựu giám đốc Công An đầy tai tiếng ở TP.Hải Phòng: Thiếu Tướng Đỗ Hữu Ca cấu kết với “trùm hóa đơn” Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn bị triệt phá vào năm 2023.

Theo cáo trạng, từ Tháng Ba 2013 đến Tháng Năm 2022, Đước và Ánh thành lập 26 công ty tại các tỉnh/thành Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương và Quảng Ninh để mua bán 15,674 hóa đơn trái phép, thu lợi bất chính hơn 41 tỉ đồng. Khi vụ án bị phanh phui, ông Ca nhận 35 tỉ đồng từ Đước và Anh để “chạy án” nhưng không thành.

Nhắc đến Thiếu tướng Ca, là nhắc đến “dấu ấn” vụ án huy động một lực lượng hùng hậu gồm: Công An, Cảnh Sát, súng ống, các thành phần chức năng, chó nghiệp vụ…. để thực hiện “trận đánh đẹp” đáng ghi vào sách sử nhằm cưỡng chế trái luật 19.3 ha đất đầm tôm của anh em Đoàn Văn Vương ở huyện Tiên Lãng.

Điểm sơ qua một vài vụ án để thấy rằng, cùng với tội phạm tham nhũng, ma túy, lừa đảo chiến đoạt tài sản… tội phạm mua bán hóa đơn trái phép để thu lợi bất chính cũng nguy hiểm, và phức tạp không kém, đang hoạt động tràn lan tại Việt Nam, được xem là nguồn của nhiều loại tội phạm. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm thường lợi dụng khe hở pháp luật như luật doanh nghiệp, bằng việc sử dụng thẻ căn cước của bản thân; mượn của người thân quen; hoặc thuê của người khác để thành lập các doanh nghiệp “ma” (không kinh doanh-sản xuất), chi phí khoảng vài triệu đồng, không cần chứng minh vốn kinh doanh. Hoặc là các đối tượng tìm kiếm các doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhưng còn tồn tại mã số thuế từ 3 năm trở lên, đăng ký hoạt động trở lại.

Sau đó họ đứng tên hoặc che giấu tung tích, lý lịch bản thân bằng cách thuê giám đốc, kế toán để đăng ký hoặc khai báo chữ ký, con dấu với cơ quan chức năng. Tiếp đến, họ tham gia các hội nhóm chủ doanh nghiệp hoặc kế toán doanh nghiệp nhằm móc nối, tìm kiếm khách hàng (chủ yếu là những doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa hàng hóa trôi nổi, nhập lậu hoặc hợp thức hóa hàng hóa đầu vào…), rồi mua bán trái phép hóa đơn, cụ thể ở đây là hóa đơn giá trị gia tăng.

Cách thức khai báo thuế là khai khống chứng từ, làm hóa đơn điện tử giả, khai khống giá trị hàng hóa mua vào gần bằng giá trị hàng hóa bán ra, không phản ánh đúng giá trị thực tế để qua mặt sự nghi ngờ, phát hiện của cơ quan chức năng, nhằm thực hiện hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.

Những thủ đoạn này hết sức tinh vi, tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ chuyên nghiệp, hoạt động rộng khắp, không dừng lại ở một địa phương. Mỗi phi vụ thành công, các nhóm tội phạm thường thu về từ 0.8 % cho đến 4% số tiền trên tổng giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên hóa đơn, giá trị hàng hóa càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Nhóm tội phạm này hoạt động công khai, với nhiều hình thức như trực tiếp hoặc trực tuyến trên môi trường mạng internet, sử dụng nhiều cách đối phó với cơ quan chức năng và tái diễn nhiều lần.

Nguy hiểm hơn, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia thực hiện hành vi này và tội phạm còn cả cán bộ công chức công tác trong ngành thuế, tài chính…

Ngày 6 Tháng Giêng, Tòa Án tỉnh Phú Thọ xét xử 171 bị cáo trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép, trị giá 63,763 tỉ đồng do Nguyễn Minh Tú cầm đầu. 161/171 bị cáo trong vụ án là những giám đốc, kế toán doanh nghiệp.

Vào khoảng cuối Tháng Mười Hai 2024, bốn cán bộ-công chức công tác trong ngành thuế ở Sài Gòn và Bình Dương bị tuyên phạt từ 2-15 năm tù vì tội bao che, bảo kê cho đường dây mua bán hóa đơn trái trị giá 14,000 tỉ đồng.

Hành vi mua bán hóa đơn trái phép gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế và kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Việt Nam vốn đã nhỏ lẻ, dễ bị biến động. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam lỏng lẻo, mà mức xử phạt cũng nhẹ hều (từ phạt hành chính đến phạt tù từ 1 năm đến 5 năm), nên mới có tình trạng một nhóm người thành lập cả hàng trăm doanh nghiệp “ma,” hoạt động tràn lan mà cơ quan chức năng không hề hay biết.

Các doanh nghiệp “ma” này thường chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Còn doanh nghiệp chân chính, kinh doanh-sản xuất thật, giao dịch thật và thanh toán, đóng thuế đầy đủ lại bị vạ lây. Nhiều doanh nghiệp chân chính không thể lường trước được có ngày doanh nghiệp đối tác giải thể, cũng không dễ phân biệt được đâu là hóa đơn hợp pháp và bất hợp pháp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi loại hình thanh-quyết toán trong kinh doanh đều phải có hóa đơn, nhưng thực tế cho thấy không phải cơ sở kinh doanh–sản xuất nào cũng phát hành hóa đơn. Để thực hiện thanh-quyết toán, các cơ sở kinh doanh-sản xuất này buộc phải tham gia hoạt động mua bán hóa đơn.

Cũng có trường hợp, một số doanh nghiệp do áp lực doanh thu, đã lựa chọn mua hóa đơn trái phép để hợp thức hóa các chi phí, từ đó giảm thiểu thuế phải nộp.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải giải thể, không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoàn thuế của những doanh nghiệp đang còn hoạt động. Một hoặc hai doanh nghiệp làm sai, kéo theo hàng loạt danh nghiệp khác bị ảnh hưởng khi phải chờ cơ quan thuế xác minh thủ tục, hóa đơn thuế.

Vào Tháng Chín 2024, tại buổi đối thoại giữa Tổng Cục Thuế với người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như: gỗ, cao su, sắn… nói họ bị “giam” hàng ngàn tỉ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, trong khoảng thời gian dài, họ mòn mỏi, kiệt sức, chờ… “chết”. Ông Mai Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế thừa nhận thực tế, cho biết có khoảng 80% doanh nghiệp đang đề nghị hoàn thuế trước. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam, mà theo số liệu của Chính Phủ CSVN, năm 2024 có hơn 197,900 doanh nghiệp “đội nón ra đi,” tăng 14.7% so với năm 2023.

Việc hoàn thuế cho doanh nghiệp là nghĩa vụ của nhà nước, bởi đó là tiền của doanh nghiệp chứ không phải họ đi xin. Nhưng cơ quan thuế ở Việt Nam hầu như chỉ lo thu thuế, tập trung vạch tìm “tội” doanh nghiệp hơn là xem xét trách nhiệm chậm hoàn thuế. Bị đối xử không công bằng, những doanh nghiệp chân chính trước sau gì cũng… chết hết mà thôi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: