Vấn đề biên soạn sách giáo khoa tại Việt Nam là câu chuyện kinh niên của một nền giáo dục bê bối và mục nát. Với hàng triệu “khách hàng” học sinh cả nước, sách giáo khoa chẳng khác gì con gà đẻ trứng vàng cho bọn quan giáo dục tham nhũng.
Vấn đề sách giáo khoa một lần nữa gây chú ý khi Bộ Giáo dục Đào Tạo cho biết, có trên 1,600 tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa mới, với khoảng 1,000 người có trình độ tiến sĩ. Vấn đề là nhung nhúc tiến sĩ bu vào soạn sách giáo khoa thì liệu bộ mặt nền giáo dục Việt Nam có thay đổi được gì không và ngân sách cho dự án khổng lồ này được chi như thế nào rồi ai kiểm soát việc chi xài này…
Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện bốn đợt thay sách giáo khoa (1957, 1981, 2002, 2020). Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, chương trình sách giáo khoa lần thứ tư (2013 đến nay) được tiến hành theo “định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học”. Tháng Mười Hai 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, còn được gọi là chương trình phổ thông 2018. Từ năm học 2020 – 2021, sách giáo khoa mới bắt đầu được đưa vào sử dụng cho lớp 1.
Toàn quốc có năm bộ sách lớp 1, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cánh Diều. Trong thực tế, cho đến nay, chưa ai thấy kết quả của những khái niệm “Kết nối tri thức với cuộc sống”; hay “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” như thế nào. Tất cả vẫn là sự bát nháo trong giảng dạy và sự tụt dốc của “phát triển năng lực” học sinh; chưa kể tình trạng không hề có chuyện “dân chủ” trong con đường giáo dục.
Điều tồi tệ nhất là sự ăn chia bất lương của bọn thầu sách giáo khoa mà đám chóp bu luôn nằm trong Bộ Giáo dục Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục. Mới đây nhất, Tháng Bảy 2022, Nguyễn Đức Thái, chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam, đã bị kỷ luật vì “có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới”. Thông tin về việc này, báo chí trong nước không hề nói cụ thể Nguyễn Đức Thái “vi phạm chính sách pháp luật” như thế nào, hay nói rõ hơn Thái “ăn” bao nhiêu, ai “ăn” chung với Thái, và đặc biệt ai “chỉ đạo” Thái trong những “dự án” liên quan “kinh doanh, biên soạn, in ấn” sách giáo khoa.
Chẳng phải tự nhiên mà Tháng Năm 2022, Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đặt câu hỏi rằng “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?” (Việt Á là vụ tham nhũng tồi tệ trong ngành y tế). Đề cập đến tham nhũng trong hệ thống giáo dục đốn mạt Việt Nam từ sau 1975 đến nay phải nói là không biết bao giờ mới hết chuyện; từ chuyện tham nhũng trong xây dựng trường học, lớp học, cung cấp thiết bị giảng dạy và in ấn sách giáo khoa; đưa hối lộ nhà trường và giáo viên để đổi lấy bằng cấp, thành tích và danh hiệu dỏm; Giáo viên đưa hối lộ cho cán bộ quản lý nhà trường để được phân dạy lớp tốt; Phụ huynh và học sinh đưa hối lộ để được điểm tốt và được nhận vào trường tốt, lớp tốt; Đến việc thu tiền của phụ huynh và học sinh trái quy định…
Mà nguyên nhân của hiện tượng này ai cũng thấy. Đó là trách nhiệm của thể chế yếu gắn với văn hóa “xin cho” và quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng; Hệ thống pháp lý không đầy đủ; Thiếu văn hóa tố cáo tham nhũng trong ngành giáo dục; Thu nhập của giáo viên thấp bên cạnh những cơ hội làm giàu; Thiếu sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát, theo dõi và quản lý trường học; Thiếu minh bạch trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực…
Trở lại với câu chuyện sách giáo khoa. Với dự án sắp tới, có sự tham gia vào mâm cỗ to của 1,000 tiến sĩ, vấn đề được quan tâm thật ra không phải là họ tung ra sản phẩm sách giáo khoa như thế nào. Hệ thống giáo dục đốn mạt và thối nát Việt Nam chẳng thể nào có thể “thơm” hơn và giá trị hơn dù có sự hiện diện của lô lốc “tiến sĩ”. Ai biết trong 1,000 tiến sĩ này có bao nhiêu kẻ xài bằng dỏm? Một đám dỏm ngu dốt lại soạn sách giáo khoa thì đủ thấy tương lai giáo dục Việt Nam chẳng có gì khác hơn tình trạng hỗn loạn hiện tại.
Ngửi thấy có mùi thịt của bàn tiệc sách giáo khoa thì sắp xếp bàn ghế cho nhau để cùng ăn thôi. Xương xẩu sau những buổi đại tiệc như vậy là cái mà xã hội sẽ nhận lãnh.