Mưu đồ sáp nhập Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa thành đặc khu

Toàn cảnh Phú Quốc nhìn từ trên cao. (Hình: Vũ Phương/VietnamNet

Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính lần này lại là cái cớ để CSVN tiếp tục thực hiện mưu đồ giao đất cho Trung Quốc thuê 99 năm.

Mạng xã hội vừa lộ ra một văn bản có chữ ký của thường trực Ban Bí Thư Trần Cẩm Tú về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương của Bộ Chính Trị. Theo đó, các đảo sẽ được sắp xếp thành đặc khu để bảo đảm không còn khái niệm cấp huyện như hiện nay.

Cùng thời điểm, Bộ Nội Vụ cũng vừa trình Quốc Hội dự thảo Luật Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương (sửa đổi). Trong đó có đề xuất tổ chức lại các đơn vị hành chính địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện), hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo, bỏ thị trấn.

Như vậy, các huyện đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở thành xã đảo, hoặc đặc khu sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Điều này khiến dư luận lo ngại về việc mất chủ quyền quốc gia vào tay Trung Quốc sau khi sắp xếp lại bộ máy. Hoàng Sa không được nhắc tới. Trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa đang do Trung Cộng kiểm soát, CSVN không có thực quyền tại quần đảo này.

Sở dĩ nêu thẳng tên Trung Quốc trong việc cho thuê đặc khu là vì cũng ngay thời điểm nhạy cảm này, ngày 19 Tháng Ba, Phó Thủ Tướng Nguyễn Chí Dũng bay sang Thâm Quyến để làm việc với đối tác Trung Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển đặc khu kinh tế. Không thể có sự trùng hợp như vậy, khi mà CSVN đang chuẩn bị biến các đảo thành đặc khu, rồi phó thủ tướng CSVN lại bay sang Trung Quốc kêu gọi hợp tác phát triển đặc khu.

Rõ ràng rằng CSVN đang có ý đồ biến các đảo của Việt Nam như Phú Quốc, Côn Đảo, thậm chí là Trường Sa, thành đặc khu và cho Trung Cộng thuê lại, với danh nghĩa đầu tư, hợp tác.

Vấn đề lập đặc khu đã được CSVN “ủ mưu” từ 7 năm trước, khi đưa ra dự thảo về Luật Đặc Khu Kinh Tế hồi năm 2018, với quy định cho phép nước ngoài thuê đất trong 99 năm. Thời điểm đó, hàng chục ngàn người Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật này, khiến cho quốc hội CSVN không thể thông qua.

Ngoài lý do cho thuê đất 99 năm, người dân còn cho rằng tình hình thế giới hiện nay không cần phải lập đặc khu. Đặc biệt là không cần học theo Trung Cộng, vì hồi thế kỷ trước Trung Cộng bị cấm vận, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh lạnh thì mới phải lập ra các khu kinh tế mang đặc thù riêng để giao dịch với thế giới. Còn bây giờ Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với cả thế giới, kinh doanh mua bán tự do, mở cửa thoải mái đoán các doanh nghiệp quốc tế tới đầu tư, thì cần gì lập đặc khu. Mà các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu cũng đâu có cần có đặc khu mới đầu tư!

Hơn nữa, nhìn sang các đặc khu kinh tế ở nước láng giềng Campuchia, hầu như đều đang sa vào bẫy nợ của Trung Cộng, như các đặc khu Sihanoukville, Phnom Penh, Poipet O’Neang…  Không biết sản xuất kinh doanh cái gì, mà tệ nạn trong các đặc khu này thì không thiếu thứ gì, từ mại dâm, cờ bạc, ma tuý, tới lừa đảo công nghệ cao, buôn bán nội tạng… Không chỉ người Campuchia, người Trung Quốc, mà hàng trăm ngàn người Việt Nam đã và đang là nạn nhân của các đặc khu này.

Với những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân, tưởng đâu dự luật Đặc khu Kinh tế 2018 sẽ mãi đi vào dĩ vãng. Nhưng hoá ra, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính lần này lại là cái cớ để CSVN tiếp tục mưu đồ giao đất cho Trung Quốc thuê 99 năm.

Thật ra Việt Nam muốn hoà nhập với thế giới thì chỉ cần đi theo những gì thế giới đang hướng tới, chứ không cần phải tạo ra những cái “đặc biệt” như “đặc khu.” Học theo các nước dân chủ phát triển thì mới có cơ hội “vươn mình” theo họ, còn họ theo độc tài Trung Cộng thì chỉ có “hạ mình” chịu nhục thôi. Mà đâu phải chỉ là hạ mình, nếu các đảo chiến lược như Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo trở thành đặc khu thì nguy cơ mất chủ quyền đang hiển hiện ngay trước mắt!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo