Nam Hàn: 15 người trong đường dây ăn cắp điện thoại bị bắt, có một người Việt

Tiền mặt, điện thoại di động và các đồ vật khác mà cảnh sát tàu điện ngầm Seoul đã tịch thu được từ kẻ cầm đầu một đường dây ăn cắp điện thoại – Ảnh: Yonhap

Một người Việt bị bắt cùng với 14 người khác trong đường dây ăn cắp điện thoại trên tàu điện ngầm ở Nam Hàn.

Hãng tin Yonhap của Nam Hàn ngày 2 Tháng Tư 2023 dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát tàu điện ngầm TP.Seoul cho biết họ vừa bắt 15 người trong đường dây ăn cắp điện thoại trên tàu điện ngầm để gửi về Việt Nam tiêu thụ. Trong số 15 người bị bắt, có một người Việt đang cư trú bất hợp pháp, bị cảnh sát nghi ngờ là người đã mua điện thoại bị mất cắp với giá chỉ từ $156 và thu lợi khoảng $13,700, khi gửi số hàng này về Việt Nam từ Tháng Bảy 2021 đến Tháng Ba 2023.

Cảnh sát Nam Hàn cũng đã bắt giam 8 nghi phạm khác với cáo buộc ăn cắp và bán điện thoại ăn cắp được cho đối tượng người Việt. Các nghi phạm này đã được chuyển đến cơ quan công tố và danh tính chưa được tiết lộ. Hầu hết các điện thoại bị mất cắp này có chủ nhân là hành khách say rượu trên tàu điện ngầm.

Cảnh sát cho biết các nghi phạm sau khi ăn cắp điện thoại đã gửi tin nhắn tới chủ sở hữu, nói rằng họ tìm được chiếc điện thoại và cung cấp vị trí để người bị mất tới lấy. Nhóm này yêu cầu người bị mất phải đăng nhập tài khoản điện thoại để xem bản đồ, từ đó lấy được thông tin để cài đặt lại máy và xóa dữ liệu bảo mật. Cảnh sát Nam Hàn cho hay những chiếc điện thoại này sau đó được đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Theo số liệu năm 2022 của Bộ Lao động Việt Nam, hiện có gần 50,000 lao động Việt đang làm việc tại Nam Hàn trong ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Lô dược phẩm, thực phẩm chức năng… bị nhóm ba người Việt ăn cắp ở Hokkaido, Nhật Bản, ngày 21 Tháng Sáu 2022 – Ảnh Vnexpress chụp màn hình HTB News.

Hồi đầu Tháng Tám 2019, một người đàn ông Việt cũng cảnh sát Seoul, Nam Hàn, bắt vì ăn trộm quần áo trong các cửa hàng. Korea Times dẫn nguồn tin từ Sở cảnh sát Jongno cho biết, người đàn ông Việt 32 tuổi đã đến Nam Hàn bằng visa du lịch từ ngày 15 Tháng Sáu 2019. Trong thời gian từ ngày 20 – 24 Tháng Sáu, ông này đã dùng một chiếc túi đặc biệt có thể “qua mặt” hệ thống báo động chống trộm và lấy trộm 958 món quần áo, với tổng trị giá lên đến 36 triệu Won ($27,358) từ bảy cửa hàng khác nhau.

Nghi phạm khai với cảnh sát là ông ta dự định gửi số quần áo trên cho một đồng phạm ở Việt Nam.

Tình trạng người Việt trộm cắp ở xứ người xảy ra nhiều nhất ở Nhật Bản, đất nước tiếp nhận rất nhiều lao động Việt. Vnexpress ngày 8 Tháng Chín 2022 đã ghi nhận tâm tư của Tuyên Lê, một du học sinh năm thứ 2 tại Nhật, đang ngồi ăn trong quán sau giờ làm thêm buổi tối thì bị một người Nhật quát vào mặt: “Hãy cút về nước đi, lũ người ngoại quốc chuyên phạm pháp, không xứng đáng ở đây!”.

Tuyên cảm thấy buồn khi biết không phải tự nhiên mà truyền thông Nhật đưa tin về các vụ trộm gia cầm, trái cây chưa rõ thủ phạm thì mạng xã hội ở đây lại đồng loạt nêu ra những cái tên có họ Nguyen (ám chỉ Việt Nam).

Nói về tình trạng người Việt trộm cắp ở ngoại quốc, trang Du Học Nhật Bản có bài viết (không rõ ngày tháng) của một du học sinh tại Nhật, trong đó có câu cảm thán: “Cơ quan chức năng nước bạn tạm tính cứ năm kẻ ăn cắp tại Nhật thì có một người Việt Nam. Ê chề quá! Một website chuyên tư vấn lao động sang Nhật Bản có bài cảnh báo về nạn này, trong đó viết rằng người Việt Nam xếp thứ hai trong cộng đồng người ngoại quốc tại Nhật “nhưng không phải với thành tích công việc mà với hành vi ăn cắp”. Nếu đúng như thế thì quá mất mặt! Đâu chỉ ở Nhật, tại Nam Hàn, Thái Lan và Đài Loan cũng có những nơi treo/dán/dựng biển cảnh báo bằng tiếng Việt về thói xấu của người Việt như xả rác, tham ăn, trộm cắp…”.

Những người Việt tử tế nghĩ gì khi nhìn thấy biển cảnh báo bằng tiếng Việt trong một shop thời trang ở Nhật? – Ảnh: Tuổi Trẻ

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết tỷ lệ phạm pháp của du học sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước này tăng rất mạnh những năm gần đây. Năm 2020, NPA ghi nhận gần 600 vụ thực tập sinh Việt vi phạm pháp luật, tăng 60% so với năm trước đó, tức trung bình ít nhất có 1-2 vụ phạm pháp/ngày; ngoài ra người Việt liên quan đến 60% số vụ trộm, 35% vụ ẩu đả có thủ phạm là người ngoại quốc ở Nhật.

Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản (ISA), thời gian Tháng Chín 2022 có gần 433,000 người Việt đang sinh sống ở nước này, chiếm 15.7% số người ngoại quốc ở Nhật. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có công dân vi phạm pháp luật nước sở tại, theo báo cáo của Bộ công an (Việt Nam) trong hội nghị cuối Tháng Sáu.

Vnexpress ngày 30 Tháng Sáu 2022 khi đưa tin về hội nghị của Bộ công an tổ chức ở Hà Nội đã cho biết: Kể từ năm 2018 đến Tháng Sáu 2022, Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 25,000 người Việt vi phạm pháp luật ở ngoại quốc bị trục xuất, đồng thời phối hợp xác minh và giải quyết gần 800 vụ công dân Việt phạm pháp ở ngoại quốc.

Theo thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, tình trạng cư trú, lao động bất hợp pháp của người Việt xảy ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, châu Âu (Anh, Pháp, Đức), Hoa Kỳ và đang có xu hướng gia tăng ở Úc, Trung Đông và châu Phi.

Đọc những kiểu tin này lại chợt nhớ lời cụ Tổng (bí) Nguyễn Phú Trọng từng nói tại phiên khai mạc đại hội XIII của đảng sáng 26 Tháng Giêng 2021: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (!!!)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: