Năm trường cắt bữa ăn bán trú vì thực phẩm quá ghê!

Thịt gà hư hỏng, ôi thiu được phụ huynh phát giác trong tủ đông của đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú, sáng 25 Tháng Mười – Ảnh: Phụ huynh trường Phú Hữu

Bốn trường tiểu học và một trường trung học cơ sở (THCS) ở TP.Thủ Đức đã tạm ngưng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

Lý do là đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đợt kiểm tra nhà bếp và kho thực phẩm của một công ty cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh trường tiểu học Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức, Sài Gòn) ngày 25 Tháng Mười 2023, đại diện phụ huynh đi trong đoàn đã phát giác nơi này trữ đông xương gà đã ôi thiu, lên màu đen trong tủ đông.

Ngoài ra, ở khu vực gia vị, đồ khô, cũng có một số can tương ớt không đậy nắp, mùi hôi, không rõ hạn sử dụng.

Mặc dù phía công ty đã giải thích phần thịt, xương gà ôi thiu là đồ bỏ sau quá trình chế biến, không dùng nấu ăn cho học sinh, tuy nhiên, phụ huynh cho rằng việc để thịt, xương gà đã hư hỏng chung với các thực phẩm khác trong tủ đông là không chấp nhận được, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thịt gà trong tủ đông thực phẩm của công ty P. – đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú, nếu là đồ bỏ thì tại sao cất trong tủ đông? – Ảnh: Phụ huynh trường Phú Hữu

Ngày 26 Tháng Mười 2023, trường Phú Hữu đã cắt hợp đồng cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh với công ty này (công ty TNHH P. –  văn phòng ở phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức) theo yêu cầu của phụ huynh để tìm đơn vị cung cấp khác.

Theo vị hiệu trưởng trường này, đơn vị này đã cung cấp bữa trưa bán trú cho học sinh của trường được 10 năm nay, do nhà trường không có nhà bếp.

Trong thời gian tạm ngưng, các em sẽ phải về nhà ăn trưa hoặc phụ huynh mang cơm đến trường cho con. Trường tiểu học Phú Hữu có tổng cộng 1,002 học sinh, trong đó có 700 em đăng ký bữa trưa tại trường. Giá một bữa trưa tại trường của các em là 28,000 đồng ($1.14), tăng 2,000 đồng so với năm ngoái.

Ngày 28 Tháng Mười, đồng loạt bốn trường khác là tiểu học Trường Thạnh, tiểu học Phước Thạnh, tiểu học Long Thạnh Mỹ và THCS Trường Thạnh… của TP. Thủ Đức cũng tuyên bố tạm ngưng bữa ăn bán trú cho học sinh từ ngày 30 Tháng Mười, vì cả bốn trường này đều mua bữa trưa cho học sinh từ công ty P. – đơn vị cung cấp bữa trưa cho trường tiểu học Phú Hữu.

Kể ra cũng gay go cho công ty P., cùng một lúc mất đến năm khách hàng, với tổng cộng gần 5,000 phần cơm trưa mỗi ngày, nhưng đây là bài học chung cho các công ty cung cấp bữa ăn công nghiệp khác.

Bữa ăn bán trú giá 32,000 đồng tại trường THCS Yên Nghĩa ngày 11 Tháng Mười – Ảnh: Phụ huynh trường Yên Nghĩa

Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hiền, phó phòng Giáo dục TP.Thủ Đức, công bố cho báo mạng trong nước. Theo bà Hiền, trước khi quyết định tạm ngừng bữa ăn bán trú, các trường đều lấy ý kiến phụ huynh. Trong thời gian tìm nhà cung cấp mới, phụ huynh có thể đón con về buổi trưa hoặc cho học sinh mang theo cơm đến trường.

Trước đó, ở Hà Nội, phụ huynh trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông) tố bữa ăn trưa 32,000 đồng ($1.3) của con lèo tèo thức ăn; còn học sinh trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) có 24 em bị nhiễm khuẩn đường ruột sau bữa ăn bán trú, khiến Phòng Giáo dục của quận Ba Đình phải ra lệnh khử khuẩn nhà bếp của 60 trường trong quận!

Theo VnExpress ngày 17 Tháng Mười, khi phụ huynh trường THCS Yên Nghĩa kiểm tra đột xuất bữa trưa của con tại trường hôm 11 Tháng Mười thì thấy mỗi phần ăn do công ty Hoa Sữa cung cấp cho nhà trường chỉ có canh giá đậu, 3-4 miếng cá rô phi rán, khoai tây xào và một miếng giò bì nhỏ.

Theo bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa, năm ngoái giá phần ăn là 30,000 đồng nhưng năm nay tăng lên 32,000/phần, đã được thông qua Hội phụ huynh và thông báo từ Tháng Bảy khi tuyển sinh.

Trường THCS Yên Nghĩa ký kết hợp đồng cung cấp khoảng 500 phần ăn/ngày với công ty Hoa Sữa từ năm học 2020-2021, sau khi đi tham khảo bếp ăn của các trường trong quận.

Sau khi phụ huynh khiếu nại bữa ăn không đủ phẩm chất cho học sinh tuổi đang lớn, bà hiệu trưởng đã nhận thiếu sót trong công tác giám sát bữa ăn bán trú và cho biết nếu công ty Hoa Sữa không cải thiện thì sẽ tìm công ty cung cấp bữa trưa khác.

Còn công ty Hoa Sữa cũng nhận thiếu sót trong việc nấu và phân chia thực phẩm nên đã thay đầu bếp. Bữa trưa những ngày sau đó theo phụ huynh đã có nhiều rau và thức ăn hơn.

Bữa trưa ngày 24 Tháng Mười của học sinh trường THCS Yên Nghĩa có cải thiện – Ảnh: Phụ huynh trường Yên Nghĩa

Một bài báo khác của VnExpress ngày 17 Tháng Mười cũng cho biết quận Ba Đình yêu cầu khử khuẩn hơn 60 trường sau vụ 24 học sinh trường tiểu học Thành Công B bị nhiễm khuẩn đường ruột vì bữa trưa bán trú ngày 13 Tháng Mười tại trường.

Hôm đó, hơn 1,100 học sinh ăn bán trú tại trường với thực đơn gồm mì Ý, xúc xích vào bữa trưa và bánh mì tươi vào bữa xế. Đến 22 giờ ngày 15 Tháng Mười, một số phụ huynh thông báo đến nhà trường tối hôm đó có 24 học sinh (thuộc nhiều lớp) bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, trong đó 10 em được gia đình đưa đi khám, hai trong số đó phải nằm viện. Đến ngày 16 Tháng Mười, hai học sinh đã xuất viện.

Quận Ba Đình có tổng cộng 64 trường mầm non, tiểu học và THCS cùng 72 lớp mầm non độc lập với tổng số hơn 53,000 học sinh.

Bà Phạm Minh Thảo, hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B, biện minh hiện chưa xác định được học sinh đau bụng có liên quan đến thực phẩm tại bữa ăn bán trú trưa 13 Tháng Mười hay không bởi hai hôm sau là Thứ Bảy và Chủ Nhật, học sinh không ăn tại trường.

Trường Mầm non Sao Mai, quận Ba Đình, vệ sinh toàn trường chiều 17 Tháng Mười – Ảnh: Trường Sao Mai

Theo quy định của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, các Sở, ngành địa phương thì các trường học tùy điều kiện có thể tổ chức bếp nấu bữa trưa cho học sinh hoặc thuê đơn vị cung cấp bữa ăn bên ngoài.

Nếu nấu ăn tại trường thì khu vực bếp ăn bán trú phải sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, trong đó ba khu vực: Tiếp nhận, sơ chế thực phẩm, chế biến thực phẩm, đồ ăn đã được nấu chín phải tách biệt.

Thực phẩm, nguyên liệu phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra chất lượng, độ tươi, nhiệt độ. Đồ ăn đã nấu chín phải lưu mẫu 24 giờ tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nếu thuê đơn vị cung cấp bữa trưa bên ngoài thì những nơi đó phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh. Việc vận chuyển thức ăn, lưu mẫu ở các đơn vị này phải làm tương tự như nhà bếp tại trường.

Có một thực tế là hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm đông lạnh nhập từ nước ngoài không rõ nguồn gốc với giá rất rẻ, lâu lâu bị bắt một vụ mới lòi ra toàn hàng ôi thiu thúi hoắc. Khách hàng của những nơi này thường là các quán nhậu và công ty nấu bữa ăn công nghiệp (loại không có tên tuổi).

Với giá thầu mỗi bữa trưa trong trường của học sinh chỉ trên dưới 30,000 đồng thì cũng trung bình, không gọi là ngon (bữa trưa văn phòng hiện tại phải trên dưới 50,000 đồng, tương đương $2.03) nhưng cũng không rẻ vì mỗi trường đều rất đông học sinh, trên 500 phần/trường thì bù qua sớt lại nếu khéo mua thực phẩm tươi thì bữa trưa không thể tệ.

Vấn đề là nhà trường có biết lựa chọn công ty có uy tín và chuyên nghiệp trên thị trường, hay chỉ lựa những công ty có “lại quả” cho người ký?

Tại thị trường Việt Nam hiện đang có khoảng 10 công ty cung cấp bữa ăn công nghiệp chuyên nghiệp, được các công ty nước ngoài và các trường học quốc tế tín nhiệm đặt hàng bữa trưa. Tuy nhiên, các trường học công của Việt Nam thường chỉ hợp đồng với những công ty nhỏ, không tên tuổi.

Hy vọng là sau khi phụ huynh và dư luận chú ý soi những bữa trưa ở trường của học sinh thì nhà trường trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bữa ăn cho học sinh phải cân nhắc thiệt kỹ, không vì khoản “lại quả” cho người ký mà… nhắm mắt làm lơ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: