Nghệ An, Hà Tĩnh: giáo viên sinh con thứ ba bị ‘đì’ đủ thứ

Giáo viên sanh con thứ ba ở một số địa phương thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh đang bị xử lý kỷ luật – Ảnh minh họa của Lao Động

Từ lâu, Việt Nam đã thôi hô hào: “Mỗi gia đình chỉ có hai con”, thậm chí nhiều địa phương đang có chính sách khuyến khích phụ nữ lập gia đình, sinh con.

Thế mà, những giáo viên sanh con thứ ba ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang bị yêu cầu viết đơn xin thôi chức vụ lãnh đạo; điều chuyển về nơi xa xôi dạy học; đưa ra khỏi quy hoạch; chậm nâng lương; kỷ luật ở mức độ khiển trách.

Một nhà giáo thâm niên trong ngành tại Nghệ An chia sẻ: “Có trường hợp giáo viên sinh con thứ ba đã khóc trước hội đồng kỷ luật nhà trường, tôi thấy thật xót xa”.

Thời mông muội nào vậy?

Lao Động từ ngày 10 Tháng Bảy đến ngày 6 Tháng Tám 2023 đã liên tiếp đặt câu hỏi về việc này, thậm chí cho biết vì lo lắng bị xử lý kỷ luật vì sinh con thứ ba, nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục đã có những hành vi đối phó, để lại nhiều hệ lụy.

Chẳng hạn như phát sinh một số hành vi né tránh hoặc giảm nhẹ hình thức kỷ luật như xin giấy bác sĩ sản khoa xác nhận không thể áp dụng các biện pháp tránh thai, do ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.

Một số trường hợp sinh con nhưng lại chuyển thành con nuôi, để lại những tổn thương và hệ lụy về sau đối với trẻ em và gia đình.

Từ quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba, một số đồng nghiệp cùng trường, cùng cơ quan đã lợi dụng để khiếu kiện, nhằm trục lợi cho bản thân.

Dẫn lời nhiều giáo viên, Lao Động cho biết việc kỷ luật giáo viên sinh con thứ ba  dù ở hình thức nào cũng gây tổn thương, thiệt thòi và ảnh hưởng đến trẻ em.

Như một giáo viên tại Nghệ An chia sẻ: “Họ quy định giáo viên sinh con thứ ba là “vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”, đưa vào danh sách thuyên chuyển hàng năm đến địa phận xa hơn.

Người sinh con thứ ba đã vất vả, nay bị chuyển đi xa nên càng áp lực, khó khăn, ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con”.

Thay vì có chính sách ưu đãi để giáo viên không phải bỏ nghề thì lại tìm cách đẩy họ ra khỏi ngành, đó là cách làm của Nghệ An và Hà Tĩnh – Ảnh minh họa của Lao Động

Kỳ quặc nhất việc cắt toàn bộ một năm tiền thưởng của hiệu trưởng, nếu trong trường có giáo viên sinh con thứ ba, kiểu “phải liên đới trách nhiệm”, mặc dù vị hiệu trưởng đó mới nhậm chức.

Ngày 23 Tháng Bảy, hiệu trưởng một trường phổ thông tại Nghệ An, phàn nàn: “Tôi mới chuyển công tác đến một trường khác theo quyết định điều động của cấp trên. Khi tôi đến trường mới thì có một cô giáo sinh con thứ ba gần một năm trước đó.

Theo quy định, giáo viên sinh con thứ ba sau một năm mới tiến hành kỷ luật. Lúc tôi về trường thì quy trình kỷ luật đã thực hiện gần xong, tôi chỉ ký vào quyết định kỷ luật.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn bị cấp trên xử lý trách nhiệm liên đới bằng cách cắt toàn bộ kết quả thi đua trong năm học đó, mặc dù, tôi hoàn toàn không có lỗi”.

Điều quái lạ là cùng một tỉnh, có nơi bãi bỏ, có nơi vẫn áp dụng kỷ luật đối với giáo viên sinh con thứ ba.

Tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ sau năm 2021, giáo viên sinh con thứ ba bị kỷ luật khiển trách, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, đồng nghĩa với việc bị chậm nâng lương, không được chuyển hạng viên chức trong thời gian bị kỷ luật, toàn trường bị cắt thi đua.

Hệ lụy là mới đây đã có hàng chục giáo viên tại Hà Tĩnh bị xử lý vì sinh con thứ ba.

Tại thành phố Vinh (Nghệ An), giáo viên sinh con thứ ba bị kỷ luật khiển trách, cả trường chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, tại huyện Nghi Lộc và Anh Sơn (Nghệ An) lại ý thức rằng việc viên chức sinh con thứ ba không vi phạm điều cấm của pháp luật, nên cho qua.

Sau khi Lao Động có ý kiến, một số địa phương đã cung cấp văn bản 6166 ngày 24 Tháng Mười Hai 2021 của Bộ Nội vụ “trao đổi nghiệp vụ” với Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, có nội dung cho rằng cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên cần xử lý kỷ luật.

Một văn bản nội bộ với câu chữ rối rắm, thế mà ngành giáo dục ở Nghệ An và Hà Tĩnh căn cứ vào đây để xử lý giáo viên sinh con thứ ba – Ảnh: Lao Động

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, văn bản nói trên chỉ là trao đổi nghiệp vụ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên không có giá trị áp dụng, thi hành.

Trao đổi với Lao Động, nhà giáo Trần Văn Hà (tỉnh Hà Tĩnh) thẳng thắn: “Tôi cho rằng quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba là không hợp lý và không công bằng do đây chỉ là một nhóm chiếm tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng.

Việc xử lý bất hợp lý như trên cũng đã gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và chất lượng dân số”.

Lao Động cũng dẫn ý kiến của luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc làm nói trên của các đơn vị là trái pháp luật.

Theo luật sư Tô Bá Thanh, Luật Viên chức 2010 và sửa đổi, bổ sung năm 2019 cùng các văn bản hướng dẫn không có nội dung “thuyên chuyển”, chỉ có “biệt phái” và “bổ nhiệm”, “miễn nhiệm”.

Do đó việc cơ quan, đơn vị ra quyết định thuyên chuyển đối với giáo viên sinh con thứ ba (mà một số đơn vị cho là “vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”) trái với ý muốn của giáo viên là sai quy định.

Theo luật sư, người mẹ và trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Khoản 3, điều 5 Luật Trẻ em 2015 quy định nguyên tắc: “Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em”.

“Việc đơn vị tiến hành kỷ luật, chậm nâng lương làm giảm thu nhập, điều động đi xa gây khó khăn về vật chất và tinh thần người mẹ, sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em là không phù hợp với nội dung Luật Trẻ em và tinh thần nhân văn của cộng đồng”.

Ông Thanh khẳng định pháp luật hiện hành không có quy định cấm công dân sinh con thứ ba trở lên và kết luận: “Một hành vi không vi phạm điều cấm của pháp luật, nếu đưa ra xử lý kỷ luật về mặt chính quyền là không bảo đảm căn cứ pháp lý”.

Rõ là Nghệ An và Hà Tĩnh đã tự hiểu theo cách của mình và xử sự cứ như thời mông muội.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: