Nghệ An: Môi trường sản xuất ô nhiễm, 13 công nhân bị bệnh phổi, 3 tử vong

Bản tin bằng video của Vnews trên YouTube nói về những công nhân bị mắc bệnh bụi phổi silic của công ty Châu Tiến – Ảnh cắt từ video của Vnews

Một công ty ở Nghệ An có chưa đến 50 nhân sự làm việc nhưng đã có 13 công nhân bị mắc bệnh phổi.

Nơi làm việc có môi trường độc hại là công ty Châu Tiến, sản xuất bột đá, địa chỉ trong khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Trong số công nhân bị nhiễm bụi độc, có ba người chết, năm người đang điều trị bệnh bụi phổi silic và năm người khác đang điều trị các bệnh liên quan đến phổi…

Sau khi nhận được báo cáo, một đoàn kiểm tra của tỉnh đã đến công ty này khảo sát và phát giác có thêm năm người mắc bệnh liên quan đến phổi vẫn đang làm việc.

Thời điểm kiểm tra, công ty Châu Tiến có 34 nhân sự, trong đó có 28 người lao động trực tiếp.

Châu Tiến được cấp phép thành lập năm 2005, chuyên sản xuất bột đá với quy mô 40,000 tấn/năm và sản xuất bột bả tường 30,000 tấn/năm. Sau đó, công ty mở rộng đầu tư thêm dòng sản phẩm chế biến bột đá vôi trắng siêu mịn với quy mô 180,000 tấn/năm và chế biến bột đá thạch anh – quartz với quy mô 150,000 tấn/năm.

Khu vực tập trung vật liệu và xưởng sản xuất của công ty Châu Tiến – Ảnh: Dân Trí

Từ nguyên liệu đá cuội silic,  công ty sản xuất ra bột đá silic trắng để cung cấp cho các nhà máy ép đá, đá lót sàn nồi nấu thép của nhà máy luyện thép.

Tiến trình sản xuất bột đá silic tại nhà máy này có ba công đoạn, gồm công đoạn xử lý ngâm sấy, đọc màu tách hạt; công đoạn nghiền thô và công đoạn nghiền tinh.

Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy có ba phân xưởng nghiền tinh, nghiền thô và đóng bao đều đang làm việc, các phân xưởng này đều có bụi lắng đọng nhiều trên sàn và các bề mặt máy…

Phân xưởng nghiền có tiếng ồn, người lao động có sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động như quần áo, mũ và khẩu trang, nhưng chỉ đeo nhiều lớp khẩu trang vải không đúng quy định với ngành nghề sản xuất.

Mặc dù có sử dụng phun sương ở phân xưởng đóng bao và nghiền tinh, có quạt hút trên tường sát mái phân xưởng, nhưng cả hai thiết bị phun sương và quạt hút đều đặt ở chỗ quá cao so với vị trí làm việc của người lao động.

Kết quả phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm ở nhà máy Châu Tiến cao trên 99%.

Tại công ty này, việc thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại chưa đúng quy định, còn để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; chất thải nguy hại thu gom chưa hết; kho lưu giữ chất thải nguy hại không đạt chuẩn.

Việc quản lý, bảo quản hóa chất, nguyên liệu phục vụ sản xuất; vận chuyển, thu gom và xử lý chất thải công nghiệp cũng như thu gom acid, bụi trong quá trình sản xuất đều có  sai sót, gây nguy hại cho sức khỏe người lao động.

Công nhân Châu Tiến làm việc trong xưởng sản xuất đầy bụi và tiếng ồn – Ảnh: Dân Trí

Kết quả kiểm tra còn cho thấy, từ năm 2017 đến 2022, công ty thực hiện không đầy đủ theo quy định về quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác nhân gây hại với sức khỏe người lao động.

Ngoài ra, Châu Tiến không tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn đối với người lao động; không đóng bảo hiểm cho người lao động đúng với thời gian giao kết hợp đồng lao động; đóng bảo hiểm xã hội thiếu thời gian quy định đối với 10 lao động.

Sau khi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban tỉnh Nghệ An xử phạt theo thẩm quyền.

Ông Thái Đình Lâm, Phó giám đốc bệnh viện Phổi Nghệ An, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tám bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi của công ty Châu Tiến.

Các trường hợp đều rất nặng, do phát giác muộn nên cơ hội chữa khỏi khó. Các bệnh nhân đều được chuyển ra bệnh viện Phổi Trung ương để tiến hành rửa phổi nhưng không hiệu quả. Các hạt bụi bột đá nhỏ mịn bám vào thành phổi không thể sạch sau khi rửa.

Ngoài ba trường hợp đã tử vong, các bệnh nhân còn lại đã xin về nhà thở oxy vì đã hết cơ hội cứu sống.

Một bệnh nhân bị bụi phổi silic đang điều trị ở bệnh viện Phổi Nghệ An – Ảnh: VietnamNet

Theo VietnamPlus ngày 25 Tháng Sáu 2015, trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế Việt Nam thì bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca. Tiếp theo là bệnh đường hô hấp chiếm 32%; bệnh điếc do tiếng ồn chiếm 17%.

Nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2020, được tạp chí Y Học Dự Phòng công bố cuối năm 2021 cho biết: Ghi nhận tại cơ sở y tế của 63 tỉnh/thành phố cho thấy có 2,120 trường hợp bệnh nghề nghiệp, gặp chủ yếu ở nam giới (91.7%).

Bệnh thường xuất hiện ở nhóm tuổi trên 40 (78%) và ở nhóm tuổi nghề trên 10 năm (65.7%). Trong giai đoạn này, bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam là bệnh điếc do tiếng ồn (59.5%), bệnh bụi phổi khác (17.1%),  bệnh bụi phổi silic (11.9%).

Tuy nhiên, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh bụi phổi và bệnh bụi phổi silic cao hơn nhiều so với bệnh điếc nghề nghiệp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: