Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào…

Một chế độ nổi tiếng toàn cầu về bịt miệng dân lại kêu gọi “cần tiếng nói trung thực, quả cảm” (ảnh: MXH)

Sáng 30 Tháng Chín 2023, tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam và TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu: “Cần tiếng nói trung thực, quả cảm của các nhà văn”.

Theo tường thuật báo chí, Chủ tịch nước cho rằng: Về sứ mệnh của văn chương hôm nay đặt lên vai các nhà văn đương thời, Chủ tịch nước nói những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… đang đặt ra trách nhiệm lớn lao với các nhà văn. Ông khẳng định nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” trên.

Mới nghe, người dân không tránh khỏi phải nhảy cẩng lên vì thấy đúng ý của mình quá cỡ! Nào hay, Chủ tịch nước đang lẩy Kiều “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Thật vậy, Việt Nam chúng ta hiện ở thế kỷ 21 nhưng đời sống không khác gì thế kỷ 19, nơi đang xảy ra biết bao oan trái trong xã hội, những thứ mà Chủ tịch nước đưa ra một danh sách dài những thói hư tật xấu, những oan khiên mà người dân khốn khổ phải chịu đựng trong bóng tối của đêm dài nô lệ. Những khuôn mặt xanh mướt của người dân vì bị bọn tà gian bóc lột tận xương tủy. Những mảnh đời uất nghẹn vì bị cầm quyền áp bức, tận thu. Bức tranh xã hội đen tối ấy đáng ra đã chấm dứt từ lâu, ít ra là từ khi cộng sản nắm chính quyền, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc chứ đâu cần phải có sự lên tiếng của nhà văn, báo chí đòi thay đổi.

Có lẽ Chủ tịch nước đã quên do ông còn quá trẻ. Hồi Võ Chủ tịch còn chưa ra đời đã xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm gồm một số nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ đồng loạt lên tiếng đòi thay đổi cách nhìn nhận văn học, văn chương qua cặp mắt nhà nước, nói ngắn gọn là văn nghệ sĩ cần phải được tự do sáng tác và chủ đề sáng tác của họ không bị chính phủ chi phối. Kết quả là sao?

Hàng chục nhân tài đất Việt như Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Ngô Tất Tố, Phùng Quán… ngậm đắng nuốt cay trong lao tù lẫn ngoài xã hội. Vậy mà hôm nay Chủ tịch nước bảo nhà văn cần trung thực quả cảm thì thật là trêu ngươi, hay nói theo kiểu dân gian: Suỵt chó vô gai, xúi trẻ ăn cứt gà…

Đó là chuyện của Nhân Văn Giai Phẩm của những năm 1950, còn bây giờ thì sao? Xin thưa có hàng chục người cầm bút hay thậm chí không cầm bút cũng hoàn toàn trung thực và quả cảm trong việc “những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại” như Chủ tịch nước ao ước.

Họ là ai? Xin thưa: Mới nhất là Phạm Đoan Trang, là Nguyễn Lân Thắng… Trước đó vài năm là Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, Nguyễn Đình Cống, Trần Mạnh Hảo, Trần Huy Quang, Trần Đức Anh Sơn, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh, và mới đây nhất: Nhà báo Ngô Nhật Đăng.

Họ viết gì? Tất cả bài viết của họ gói gọn trong câu nói của Chủ tịch nước: “Những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại”

__________

Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam gần như “đội sổ” về tự do báo chí, khi được xếp thứ 178 trong 180 quốc gia.

___________

Không lẽ Chủ tịch nước đang giỡn? Ông ấy nói thực, nhưng hàm ý của ông hiển thị một tiêu chuẩn kép, đối với bọn tư bản bóc lột và đối với xã hội dưới “ánh sáng” chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là đương kim Chủ tịch nước và cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng phân biệt rất rạch ròi đâu là ta và đâu là địch. Ngài Chủ tịch nước đang vận động dân chúng đồng tình với nhận thức rằng những chuyện tồi tệ bất công đều xảy ra trong xã hội chứ không phải trong chính quyền; và vì vậy, có phải ông muốn nói rằng, khi viết về chúng, phải tránh né đừng làm cho người dân hiểu lầm sự công chính trong bốn triệu đảng viên?

Trong sự kiện Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, người ta đã vinh danh và trao giải cho nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – những người đã có công với những gì mà ông Chủ tịch nước đặt ra cho văn nghệ sĩ noi theo. Nhân dân không thể vỗ tay bởi họ biết rõ hai nhân vật này: Cả hai đều mang trọng trách mà Đảng giao phó, một ông là Chủ tịch Hội Nhà Văn không biết bao nhiêu nhiệm kỳ; còn một ông từng là Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương. Cả hai chưa có một tiếng nói nào vì nhân dân cả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: