Nghĩa trang Quân đội và Đền Tử Sĩ, bây giờ ra sao?

Cổng Đền Tử Sĩ, cỏ dại mọc kín hai bên

Tan hoang, đìu hiu, khô quạnh và rờn rợn là cảm giác khi chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa và Đền Tử Sĩ vào một buổi chiều mưa cuối Tháng Năm, 2022.

____________

Những bát hương vất vưởng khắp nơi

Dấu tích lịch sử

Không phải dịp Tết Thanh Minh, cũng đã qua ngày quốc hận 30 Tháng Tư, nên nghĩa trang vắng lặng, lạnh lẽo, cùng với tiếng mưa rơi rả rích. Không khí ảm đạm, thê lương bao trùm hàng ngàn ngôi mộ, tên tuổi có, vô danh có.

Một gia đình đi thăm mộ. Ngoài dĩa trái cây và hai chậu hoa thiên lý, họ đốt một hộp nhang lớn, cắm trên phần mộ người thân, rồi chia nhau mỗi người một bó nhỏ, lần lượt đi cắm từng cây nhang cho “những người hàng xóm”. Xung quanh, có những ngôi mộ được xây cất lại chỉnh trang, cẩn đá cẩm thạch, nhưng có nhiều ngôi mộ vẫn chỉ là những tấm bia bằng xi măng được quét vôi qua loa, mà chỉ sau vài cơn mưa, nước vôi màu xanh hay trắng gì cũng nhanh chóng bay đi, trơ trụi màu xi măng xỉn của gần 50 năm vốn có sẵn. Có những phần mộ chỉ còn là ụ đất trơ huơ vì mộ đã được bốc, nhưng cũng có những ngôi mộ mà hình như lâu lắm không có người đến thăm, vì một cái lỗ cắm nhang cũng chẳng thấy đâu.

Cánh cửa tan nát dẫn vào căn phòng dùng để làm lễ cho tử sĩ trước khi đem chôn, được “khóa” bằng sợi dây thừng mục

Trong hàng ngàn ngôi mộ còn tồn tại đến hôm nay, sau 47 năm, có những ngôi mộ bị đập mất nắp xi măng. Có những tấm hình của các binh sĩ bị bắn nát mặt, khiến thân nhân đau lòng, đem thay hình khác, nhưng cũng có người giấu nỗi đau vào lòng, mà quyết để nguyên hình như thế. Chúng tôi từng gặp một trong những người con gia nhập quân đội Hoa Kỳ, có cha đang nằm tại đây, khẳng định: “Đối với hậu duệ như chúng tôi, những phần mộ của cha ông là dấu tích lịch sử, và những điều liên quan đến lịch sử thì không gì có thể bôi xóa được, phải để nguyên hiện trạng.” Anh nói, gia đình anh nhất quyết không thay hình người cha, không xây lại đẹp đẽ, mà cứ để nguyên mộ bằng xi măng.

Nghĩa trang quân đội là tên gọi trước năm 1975 (nay có tên Nghĩa trang Nhân dân Bình An, hay còn gọi tắt là Nghĩa trang Bình An) tọa lạc tại phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn 30km về hướng Xa lộ Biên Hoà. Trước năm 1975, nghĩa trang này thuộc sự quản lý của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nơi đây từng chôn cất khoảng 16,000 tử sĩ, chủ yếu là những binh sĩ hy sinh ở hai chiến trường đẫm máu, khốc liệt nhất: Tết Mậu Thân và Chiến dịch Xuân-Hè 1972, cũng như các quan chức, sĩ quan cao cấp của chính phủ VNCH.

Mọi nơi trong nghĩa trang đều hoang phế

Công trình không có ngày khánh thành

Nghĩa trang Biên Hòa là một công trình có nhiều ý nghĩa của Tổng cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH phối hợp giữa Cục Quân Nhu, binh chủng Công Binh và trong vùng trách nhiệm của Bộ chỉ huy 3 Tiếp vận. Theo quy hoạch, nghĩa trang rộng 125 mẫu này có sức chứa 30,000 mộ. Bên cạnh việc tiếp nhận các quân nhân tử trận, nghĩa trang còn là nơi an táng các thành viên của ba nhánh quyền lực nhà nước VNCH (lập pháp, hành pháp và tư pháp) nhưng đến năm 1975, các phần mộ chỉ chiếm một phần ba diện tích nghĩa trang.

Trước khi nghĩa trang này hình thành, ở Sài Gòn cũng đã có nghĩa trang Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Tuy nhiên sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, số binh sĩ tử nạn tăng vọt, đến nỗi nghĩa trang Hạnh Thông Tây không đủ chỗ chôn. Lúc đó, chính phủ VNCH quyết định xây thêm nghĩa trang Quân đội này.

Toàn thể khu nghĩa trang được thiết kế thành hình con ong khổng lồ, đầu quay ra xa lộ. Đền thờ lính (hay còn gọi là đền Tử Sĩ hay đền Liệt Sĩ) được đặt trước đầu con ong. Cổng Tam Quan được nối từ dưới chân đền kéo dài ra xa lộ. Phía trên lưng ong, từ chân Nghĩa Dũng Đài được chia ra bốn phía như hình lưới nhện. Năm 1974, Nghĩa Dũng Đài với ngọn tháp cao đã làm xong, Vành Khăn Tang vĩ đại chung quanh gần đến giai đoạn cuối. Vào Tháng Mười Một, 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm công trình và tuyên bố, đây là công trình ông để lại cho quân đội. Công trình dự trù được hoàn tất để khánh thành đợt đầu vào ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm 1975. Nhưng điều này không thể thực hiện được. Suốt từ ấy đến nay, nghĩa trang vẫn tồn tại, nhưng thay vì “được khánh thành” thì lại bị phá hoại và ngày càng hoang phế.

Thắp hương tưởng nhớ các tử sĩ bên trong căn phòng dùng để làm lễ mai táng

Từ năm 1980, thân nhân tử sĩ, nhất là những người chuẩn bị “vượt biên,” bắt đầu thăm và tảo mộ trước khi lên đường. Sang thập niên 1990, các chiến binh bị “cải tạo” khi được thả tự do, trở lại thăm viếng và từ giã đồng đội để đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Hơn 20 năm qua, nhiều người Việt bắt đầu trở về thăm viếng các mộ phần.

Có một giai đoạn, nghĩa trang này được Quân khu 7, Quốc phòng Việt Nam quản lý, và cấm không một ai được vào thăm mộ. Trong nhiều năm ròng, nghĩa trang không được trùng tu các phần mộ. Thay vào đó, một số gia đình cư dân sống quanh khu vực nhận chăm sóc, dọn dẹp, quét vôi cho nhiều phần mộ.

Cách đây mấy năm, bà Hai – một người làm công việc này, cho biết chỉ có những người như bà mới biết ai nằm ở đâu. Bà gần như thuộc lòng các ngôi mộ như trên lòng bàn tay, nên thấy xe vào thăm mộ đi vòng vòng, trở đi trở lại, là bà biết ngay người đi tìm mộ. Bà hỏi tên người mất, rồi hướng dẫn đến tận nơi phần mộ, rất chính xác. Bà Hai mất cách đây gần sáu tháng, thọ 84 tuổi. Thay bà là người con gái, nay cũng ngoài 50, cho biết nghĩa trang chỉ chộn rộn vào hai mùa trong năm, là Tết Nguyên Đán và Tết Thanh Minh (ngày tảo mộ). Bình thường chẳng ai lui tới nghĩa trang, nhất là vào mùa mưa như mấy ngày qua thì càng không một bóng người.

Một người viếng mộ thân nhân

Đền Tử Sĩ hiu hắt tử khí

Nghĩa trang vắng lặng đã đành, và dù sao vẫn còn có chút hương khói của ai đó, thỉnh thoảng ghé tới thăm người nhà, còn Đài Tử Sĩ – nơi làm lễ cho các binh sĩ tử nạn trước khi đem chôn, thì giờ đây hoang vu đến rợn người.

Ông Vĩnh Phúc, cư dân Westminster, California về thăm phần mộ của cha, vẫn nhớ như in chiếc quan tài có thi thể cha ông trong đó, từng được đặt tại đây trước khi đem đi chôn. “Đền được các binh sĩ và chính quyền lo tu sửa trang hoàng rất nghiêm trang để đưa binh sĩ về với đất mẹ, ông Phúc nói. “Hôm nay tôi trở lại thấy khung cảnh hoang vu, từ bậc thang đến nội thất bên trong đều bị xuống cấp trầm trọng, hình như không ai chăm sóc, và thời gian đã làm tan rã tất cả những gì gọi là kỷ niệm xưa.”

Trong nghĩa trang có những ngôi mộ được xây mới, nhưng có nhiều mộ phần còn giữ nguyên vẹn như xưa

Ông Phúc kể vào đầu năm 1971, cha của ông cùng Tướng Đỗ Cao Trí trên chiếc phi cơ ở Lộc Ninh, bị nổ tại phi trường Lộc Ninh, Tây Ninh. Tướng Trí cũng từng được làm lễ ở đền này và chôn cùng binh sĩ theo ước nguyện của ông. Sau 1975, gia đình tướng Trí bốc mộ của ông đi, nhưng hầu hết các binh sĩ vẫn đều nằm ở đây.

Ông Rô Nguyễn, người cư ngụ ngay sát Đài Tử Sĩ cho biết ông ở đây ngót nghét gần 20 năm, không thấy ai quét dọn gì. Đền Tử Sĩ như một ngôi nhà hoang cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi không khỏi đau lòng, khi một nơi lẽ ra phải được gìn giữ nét trang nghiêm, thì nay đang bị bỏ phế. Những chiếc bình cắm nhang để vất vưởng trên bệ, lăn lóc dưới sàn, xác lá và rác rưởi đầy sân bên ngoài. Cánh cửa bằng gỗ tan nát, “chiếc khóa” chỉ là sợi dây thừng bị mục. Bước vào bên trong, cảnh tượng còn tang thương hơn. Nền gạch và tường hầu như bị nứt hết, trơ trụi từng mảng gạch. Chiếc bàn đặt giữa nhà có bình nhang lớn, và cũng may là còn bình bông cúc của ai đó mới đem tới, cho căn phòng bớt đi tử khí.

Ông Rô Nguyễn, người sống ở gần nghĩa trang gần 20 năm chưa bao giờ thấy ai đến dọn dẹp Đền Tử Sĩ

Khi chúng tôi trở ra, đứng trước cổng Đài Tử Sĩ, gặp chị Huyền Tôn Nữ Kiều Trang đến thăm mộ ba chị. Chỉ hướng các bậc thang dẫn lên căn phòng trong Đài Tử Sĩ, chị kể: “Trước khi chôn cất ba tôi, quân đội đưa ba tôi vô đền này làm lễ. Giờ quay lại thấy ở đây hoang vắng, sợ quá, tôi không dám vô trong. Còn trong nghĩa trang cũng vậy, lạnh lẽo, um tùm, buồn và cũng… sợ lắm.”

Hơn nửa thế kỷ qua, nghĩa trang vẫn còn đó, hoang tàn, xơ xác, nhưng mong những người lính VNCH còn nằm dưới lòng đặt mẹ, được “bến an vui” nơi bên kia thế giới, và luôn nhớ lại những gì trải qua trong cuộc đời binh biến, như lời thơ của thi sĩ Thanh Nam viết dâng tặng hương hồn tử sĩ VNCH sau ngày 30 Tháng Tư 1975.

… Ta như người lính vừa thua trận.

Nằm giữa sa trường nát gió mưa.

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ.

Làm thân cây cỏ gục ven bờ.

Chợt nghe từ đáy hồn thương tích.

Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa…

________

Bài và ảnh: Đoan Trang

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: