Ngôi chùa có pho tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam

Lối vào chùa Tây Tạng, một danh lam thắng cảnh ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – Ảnh: VietnamNet

Kiến trúc giống các ngôi chùa theo phái Mật tông Tây Tạng, lại có bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm từ tóc của hàng ngàn Phật tử, đó là chùa Tây Tạng (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Theo VietnamNet ngày 11 Tháng Ba 2023, chùa được thiền sư Minh Tịnh sáng lập hồi năm 1928 với tên gọi Bửu Hương Tự, lúc đầu chỉ là cái am nhỏ trên gò đất cao, chung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Năm 1937, sau hai năm tu tập tại Tây Tạng trở về, thiền sư Minh Tịnh đổi tên Bửu Hương Tự thành Tây Tạng Tự. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Tây Tạng vẫn giữ được kiến trúc đặc thù của phái Mật tông, hiếm có ở Việt Nam. 

Chánh điện của chùa có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp tứ giác có chiều cao trên 15m (49.21 feet), có tượng Phật Thích Ca cao hơn 2m (6.5 feet) đang ngồi thiền, cùng với các tượng Địa Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Âm, Thế Chí… sắp xếp chung quanh. 

Bức tượng nổi tiếng nhất ở chùa Tây Tạng là tượng Đạt Ma Sư Tổ đang bước đi, trên vai vác chiếc đòn gánh, phía trước treo túi Càn Khôn, phía sau treo hòm kinh Lăng Già, đằng sau có chiếc nón lá Việt Nam. Điều đặc biệt là bức tượng được tạo tác từ tóc của hàng ngàn  Phật tử, cao 2.83m (9.2 feet), chiều ngang được tính từ túi Càn Khôn đến kinh Lăng Già dài 1.74 m (68 inches).

Tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc Phật tử lớn nhất Việt Nam do ba nghệ nhân địa phương tạo thành trong hai năm 1982-1983 -Ảnh: Lữ Hành Việt Nam

Lõi bức tượng là khung sắt, chia làm ba phần gắn với nhau bằng keo dán, bên ngoài phủ tóc của các Phật tử được kết dính bằng mật rỉ đường, vôi vữa. Sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận đây là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc lớn nhất.

Điều đặc biệt thứ hai ở ngôi chùa này là vị sư sáng lập và trụ trì đầu tiên Minh Tịnh từng một mình sang đất Phật học đạo và ghi chép trong cuốn sổ nhật ký dày 300 trang, được nhà chùa lưu giữ như bảo vật. Cuốn sổ nhật ký được thiền sư viết tay bằng chữ Việt xen lẫn ghi chú bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Tạng, Phạn….

Hành trình sang đất Phật được thiền sư kể lại: Ông lên tàu tại bến Nhà Rồng sang Ấn Độ ngày 17 Tháng Tư 1935 và 8 ngày thì cập bến cảng của Ấn. Ngày 31 Tháng Tư, thiền sư đến thành Varanasi nằm trên bờ Tây sông Hằng. Ngày 21 Tháng Mười Một 1935, thiền sư thăm Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi Đức Phật thành đạo và lưu lại đây hơn một tháng để tu tập. Sau đó, ông viếng động Dunghasiri, nơi Đức Phật Thích Ca từng tu tập trước khi Ngài thành đạo. 

Ngày 29 Tháng Giêng 1936, thiền sư Minh Tịnh leo lên đỉnh Hymalaya tuyết phủ để thăm Nepal, sau sáu tháng vượt núi, thiền sư mới đến được nước này. Tại đây, thiền sư đến thăm bảo tháp Buddha Nath, nơi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, kỳ quan của Nepal. 

Rời Nepal, thiền sư tiếp tục đến Tây Tạng với mong ước được tu tập và thỉnh Xá Lợi Phật về Việt Nam. Tháng Hai 1936, thiền sư thỉnh được Xá Lợi Phật, được Quốc vương Tây Tạng tiếp kiến ngày 4 Tháng Mười 1936 và ban cho ông pháp danh Thubten Osall Lama, một vinh dự hiếm có. Sau hai năm Tây du đến xứ Phật, ngày 27 Tháng Năm 1937, thiền sư Minh Tịnh mang theo số Xá lợi Phật thỉnh được về Việt Nam và chia hai phần, một phần thờ tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa-Vũng Tàu), phần còn lại thờ ở chùa Tây Tạng.

Vntrip.vn ngày 23 Tháng Mười Một 2017 viết về chùa Tây Tạng ở Bình Dương: Tọa lạc tại địa chỉ 46B Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Tây Tạng được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập là “Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất”. Tượng được ông Nguyễn Khắc Bửu cùng với các ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An hoàn thành trong hai năm (1982 – 1983).

Kiến trúc của chùa Tây Tạng có nét đặc trưng của phái Mật tông bên Tây Tạng – Ảnh: Lữ Hành Việt Nam

Thiền sư Minh Tịnh sáng lập chùa còn có tên gọi là hòa thượng Chơn Phổ – Nhẫn Tế (1928-1950). Sau đó, đến đời trụ trì thứ hai là hòa thượng Thích Tịch Chiếu (1950-2009) và từ 2009 đến nay là đời trụ trì thứ ba, hòa thượng Thích Chơn Hạnh.

Ngôi chùa này được đại trùng tu vào năm 1992 mang dáng dấp gần giống với kiến trúc của chùa xứ sở Tây Tạng. Ở tầng thượng nóc chùa có 5 điện thờ 5 vị, gọi là “Ngũ Trí Như Lai”, là 5 vị Phật của Phật giáo Tây Tạng.  

Khi bước vào cổng chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai câu đối của thiền sư Minh Tịnh: “Tây quy độc diệu thiên chơn Bửu / Tạng xuất hàm linh địa chánh Hương” (tạm dịch: Ngọc thật của trời độc diệu từ Tây lại/ Chánh hương của đất chứa linh thiêng do Tạng sinh). Một nhà sư tu hành tại chùa đã hãnh diện kể lại: “Sau khi đã đi viếng hết những thắng tích nổi tiếng của Phật giáo ở Ấn Độ, thiền sư Minh Tịnh đã bất kể hiểm nguy, khó nhọc đã vượt núi rừng Hy Mã Lạp Sơn để đến kinh đô Lhasa của Tây Tạng thời đó. Ông được tiếp đón niềm nở và thọ truyền pháp tu của Phật giáo Tây Tạng”.

Thiền sư Minh Tịnh được xem là nhà sư Việt Nam đầu tiên đặt chân đến miền xứ tuyết với một ý chí bền bỉ hiếm có, được xem như “Tiểu Huyền Trang của Việt Nam”. Cuộc hành trình của ông được ghi lại trong quyển “Nhật ký tham bái Ấn Độ – Tây Tạng” khá dày và hiện còn được nhà chùa lưu giữ cẩn thận.

Một du khách hành hương chùa Tây Tạng dịp đầu năm đã mô tả: “Ngôi chùa có cảnh trí đẹp, thoáng mát, tĩnh lặng trước cảnh náo nhiệt của phố phường. Đến đây khiến cho con người trở nên thư thái và thanh tịnh hơn”.

Từ trung tâm quận 1 Sài Gòn đón xe BeCar đến chùa Tây Tạng Bình Dương trong thời tiết đẹp không mưa giá 330,000VND ($13.9), dùng app Grab trong thời tiết đẹp không mưa giá 394,000VND ($16.6), dùng app Tada giá 417,000VND (hơn $17.6), trời nắng hay mưa như nhau, còn app Gojek Car không đưa khách đến địa điểm này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: