Chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô rào chắn lối xuống biển để thi công xây dựng đã bị ngư dân làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tụ tập phản đối.
Sáng sớm ngày 29 Tháng Chín, tại lối ra biển số 4 cạnh miếu Bà Liễu Hạnh đã có hàng chục gia đình ngư dân tụ tập để phản đối việc rào chắn chặn lối xuống biển, sau khi nhận được thông báo của UBND phường về việc tạm dừng đi lại ở lối xuống biển này.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngư dân cho rằng khu vực này được chọn làm bãi tập kết tàu thuyền lâu đời vì có ghềnh Nam Ô che chắn sóng gió, việc chặn lối đi để thi công xây dựng sẽ ảnh hưởng tới công việc làm ăn, mưu sinh hằng ngày của cả làng.
Bà Huỳnh Thị Cúc (56 tuổi), ngư dân Nam Ô, cho hay đây là lối xuống bãi đậu ghe thuyền của dân làng, riêng nhà bà Cúc có một thúng hành nghề lưới cá, lặn kiếm bào ngư, ốc. Bà Cúc lo ngại việc đóng lối ra bãi sẽ khiến người dân mất đường mưu sinh và mùa mưa bão không kịp cất giữ tàu thuyền khi có sóng lớn.
Còn ông Phạm Tuấn (48 tuổi) nói dân làng chài đánh bắt cả ngày lẫn đêm, làm quanh năm không nghỉ. Mỗi ngày đi biển, một ngư dân có thể kiếm được 500,000 – 700,000 đồng, đủ nuôi sống gia đình. Cắt lối ra biển số 4 là cắt đứt nguồn sống nuôi dân làng chài.
Theo UBND phường Hòa Hiệp Nam, cách đây ít ngày phường đã ban hành thông báo cho khu dân cư Nam Ô 2/1, Nam Ô 2/2, Xuân Đương về việc tạm dừng đi lại ở lối xuống biển số 4 tại dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Thông báo này cho hay UBND phường và chủ đầu tư là công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, sẽ tạm đóng lối ra biển số 4 tại vị trí miếu Bà Liễu Hạnh từ ngày 29 Tháng Chín đến ngày 31 Tháng Mười Hai 2023 để thực hiện thi công và bảo đảm an toàn lao động.
Địa phương hướng dẫn người dân và du khách xuống biển bằng các lối đi còn lại, bao gồm: lối số 5 ra ghềnh Nam Ô, lối số 3, lối số 2 và lối số 1 dọc theo khu vực dự án.
Cơ quan chức năng cũng đề nghị chủ đầu tư thi công bảo đảm kế hoạch và thời gian cam kết. Sau ngày 31 Tháng Mười Hai 2023 có trách nhiệm hoàn trả lối xuống biển số 4 cho người dân.
Trong trường hợp xảy ra mưa bão, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp cùng UBND phường và các cơ quan liên quan hỗ trợ đưa tàu, thuyền của ngư dân về nơi trú ẩn.
UBND phường còn nhấn mạnh, sau khi ban hành thông báo, mọi thiệt hại của ngư dân liên quan đến việc di chuyển tại lối đi số 4 phường sẽ không chịu trách nhiệm và đe dọa: các cơ quan chức năng sẽ xử lý những hành vi cản trở, gây mất an ninh trật tự tại khu vực!
Như vậy đã rõ là nhà cầm quyền địa phương chọn chỗ đứng về phía nhà đầu tư.
Người Lao Động cùng ngày cho biết thêm lối ra biển số 4 không chỉ là lối ra biển đánh bắt cá thuận lợi nhất của dân làng chài ở đây mà còn là bãi tập trung hàng hải sản để thương nhân đến mua bán.
Bà Lê Thị Em (ngư dân làng Nam Ô) giận dữ nói: “Việc phường đóng lối ra biển số 4 chẳng khác nào cắt đứt “nồi cơm”của chúng tôi. Trong ba tháng đó, chúng tôi làm gì để mưu sinh? Vì chỉ duy nhất lối này mới có thể thuận tiện trong việc đi biển”.
Nhiều người dân cũng cho Người Lao Động biết phía đơn vị thi công dự án không có chủ trương đóng lối ra biển số 4 mà chọn cách “làm đến đâu mở đến đó”, tức là vừa thi công vừa chừa lối đi cho ngư dân đến khi xong dự án.
“Không biết tại sao phường lại có chủ trương đóng? Chúng tôi không đồng ý. Mà trước khi có thông báo đóng lối đi xuống biển này, phường cũng không tổ chức lấy ý kiến của người dân!” – bà Huỳnh Thị Cúc, một ngư dân Nam ô, tỏ ra phẫn nộ.
Người Lao Động đã liên hệ bà Lê Thị Tuyết Mai, chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Nam, để tìm hiểu về sự việc nhưng bà này cho biết “Không có nội dung gì mới để trả lời”!
Ông Lê Thế Nhân, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết về chủ trương tạm đóng lối ra biển số 4 đã được phường báo cáo với quận. Việc người dân tập trung để phản đối chủ trương trên, quận đã yêu cầu phường có báo cáo cụ thể.
Cũng theo ông Nhân, trước khi ra thông báo trên, phường đã tổ chức lấy ý kiến người dân (?)
Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt hồi năm 2010 với diện tích 43.2 ha do công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Trung Thủy Sài Gòn) làm chủ đầu tư.
Khi dự án triển khai đã nhiều lần vấp phải sự phản đối của người dân địa phương về việc dự án sẽ rào chắn lối ra biển của ngư dân và người dân trong vùng. Ngoài ra, ngư dân và dân địa phương còn lo lắng dự án sẽ phá hủy các lăng miếu tồn tại lâu đời, khiến các thần nổi giận, mang lại xui rủi cho vùng đất.
Hồi Tháng Ba 2018, khi chủ đầu tư dựng hàng rào chặn lối xuống biển của ngư dân, dân làng chài Nam Ô cũng tụ tập để phản đối. Họ cho rằng việc quy hoạch, cấp phép dự án là của chính quyền nhưng chủ đầu tư không có quyền chặn lối ra biển của họ và cũng không được quyền sở hữu mặt biển!
Người Đô Thị ngày 21 Tháng Ba 2018 dẫn lời ông Bùi Tấn Trình, dân làng Nam Ô, cho biết con đường ra biển đã có hàng trăm năm trước, khi hàng rào dự án dựng lên đã ngăn lối đi xuống biển, làm xáo trộn sinh hoạt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hữu Thiết, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu lúc đó cho biết dự án có thể lập hàng rào, nhưng vẫn phải chừa lối đi biển cho người dân.
Trước các ý kiến phản đối của người dân địa phương, UBND TP.Đà Nẵng đã điều chỉnh quy hoạch dự án này theo hướng giảm bớt phần diện tích hơn 10ha, từ 43.2ha chỉ còn 25ha dự án và 10ha diện tích bờ biển, trải dài trên 3km đường bờ biển thuộc làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Nhiều khu vực thuộc dự án được loại ra ngoài như vùng ghềnh Nam Ô. Ngoài ra, dự án buộc phải thay đổi một số hạng mục như thu hồi vạt đất rộng 50m kẹp đường Nguyễn Tất Thành làm công viên, quảng trường biển; thu hồi bãi cát vùng dự án để phục vụ công cộng, mở đường giao thông rộng 5.5m chạy dọc làng; đưa lăng Ngư Ông và miếu bà Liễu Hạnh ra khỏi dự án và mở năm lối đi xuống biển cho người dân.
Giữa Tháng Tư 2023, Tập đoàn Trung Thủy đã làm lễ khởi động lại dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô và công bố chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cộng đồng dân cư địa phương (?) bằng cách tài trợ 50 xe bán hàng ăn vặt cho ngư dân!
Theo VietnamFinance ngày 19 Tháng Tám 2023, công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ phình to hai lần vốn (vốn chủ sở hữu còn 640 tỷ đồng mà đang gánh nợ trái phiếu đến 1,300 tỷ đồng, tương đương $53,430,000).
Doanh nghiệp này hiện chỉ có dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô làm tài sản thế chấp ở ngân hàng để bán trái phiếu, nên bằng mọi giá phải làm cho bằng được, dù nhúng tay vào tội ác là xóa sổ làng chài Nam Ô lừng danh trong lịch sử miền trung.
Đa số các công ty hay tập đoàn ở Việt Nam trở nên giàu có cũng chỉ vì cấu kết với nhà cầm quyền địa phương “cạp đất của dân mà ăn”!