Người cuối cùng làm nghề gánh hàng lên Thiên Cấm Sơn

Tiền công gánh hàng thuê lên núi ít ỏi, nhưng ông Chau On vẫn vui vẻ làm tốt việc của mình vì người ta còn kêu mình làm là mừng rồi – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước kia, có khá nhiều người dân ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang làm nghề gánh hàng lên Thiên Cấm Sơn (hay còn gọi là núi Cấm, núi Ông Cấm, một ngọn núi trong dãy Thất Sơn) nhưng giờ chỉ còn một người đàn ông làm nghề này.

Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Năm 2023 đã kể chuyện về người đàn ông cuối cùng làm nghề gánh hàng lên Thiên Cấm Sơn. Đó là ông Chau On, sắc tộc Khmer (47 tuổi, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), đã nối tiếp người cha, hơn 25 năm gánh hàng thuê lên đỉnh Thiên Cấm Sơn.

Từ khi có đường xe chạy lên núi, nghề gánh hàng lên Thiên Cấm Sơn bị ế nên nhiều người bỏ, chỉ còn lại ông Chau On miệt mài vì nghề này phù hợp với ông.

Cha ông On thời trẻ cũng từng là phu gánh hàng su hào hoặc củi lên núi, mỗi ngày ông kiếm được 12,000 đồng, thời đó là đủ ăn một ngày.  Còn giờ ông On gánh hàng cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn (dưới 50,000 đồng). Hôm nào rơi vào lễ, tết, khách du lịch đông thì ông kiếm được hơn 100,000 đồng…

Số tiền đó chỉ đủ rau cháo qua ngày vì ông còn phải nuôi bốn người thân, là cha mẹ, người cô ruột bị mù và đứa em trai bị tâm thần.

Là con thứ tư trong gia đình sáu anh em, ông Chau On không có vợ con, sống trong căn nhà tình nghĩa được tài trợ xây dựng cùng với những người thân. Mỗi ngày, ngoài giờ gánh hàng lên núi theo yêu cầu, ông cùng người em rể còn đi bắt cá, hái rau để có bữa cơm tươm tất cho cả nhà.

Ông Chau Đen (39 tuổi, em rể ông On) cho biết ông không theo nghề anh vợ vì ông On làm cực mà tiền kiếm được quá ít, nên ông chọn gánh dưa hấu thuê từ vườn lên ghe cho người ta. Nghề gánh dưa hấu thì cần sức khỏe vì phải gánh cả mấy chục đến cả trăm ký, ông On làm không nổi.

Cỡ ông On chỉ còn sức gánh cỡ 30kg một lần nên ông nhận gánh nước đá lên núi cho người ta bán hàng.

Mỗi sáng sớm, từ lúc 6 giờ, ông Chau On chuẩn bị “đồ nghề” để sẵn trước hiên nhà. Đó là hai chiếc giỏ nhựa đan tay được móc vào đòn gánh. Trên người chỉ độc có cái quần vải tới đầu gối, ông On quẩy gánh lên vai rồi đi bộ, bắt đầu đi lấy nước đá dưới chân núi Cấm, cách nhà ông 3km, rồi gánh lên núi cho người ta.

Chất hai bịch nước đá xay nhuyễn với một bẹ nước đá nhỏ vào hai giỏ xách, ông nhanh nhẹn gánh hàng bước lên từng bậc thang theo đường dành cho khách du lịch đi bộ lên núi. Lúc nào mệt quá, ông ngồi nghỉ chừng vài phút rồi đi tiếp vì sợ nước đá tan. Nếu có đói bụng, ông ghé quán cơm dọc đường ăn cơm chay, cũng có khi xin được cơm từ thiện, khỏi mua.

Giao xong chỗ nào, ông luôn hỏi hôm sau có lấy nữa không. Khi nào giao xong hết, ông trở xuống núi, hên thì bận về có người nhờ giao hàng dưới chân núi, ông được thêm ít tiền.

Có ngày ông gánh lên xuống khoảng bốn tiếng mà chỉ được 30,000 đồng, nhưng theo ông có nhiêu ăn nhiêu, còn được người ta mướn là mừng rồi. Cũng có ngày nắng quá, ông bị choáng và vấp té nhưng cũng không dám ngồi nghỉ mệt lâu, sợ nước đá tan chảy hết.

Một bẹ nước đá 50kg (dài 1m) được hãng nước đá cắt làm hai. Khi ông mua nửa cây đá thì họ phải cắt làm tư để ông bỏ vừa hai cái giỏ, vì “sức tui làm được nhiêu đó thôi, hồi xưa tui gánh nhiều hơn”, ông nói.

Hồi xưa ngoài nước đá, ông gánh su hào, rau củ lên núi, thậm chí tới đỉnh núi, ngay điện Bồ Hong. Một chuyến gánh từ chân núi lên tới đỉnh núi khoảng bốn tiếng, đi từ sáng sớm, lúc về tới nhà đã quá trưa.

Hôm nào có đơn hàng nhiều, ông đi ba chuyến thì tới 6 giờ chiều mới về đến nhà. Nhưng từ khi núi Cấm có đường cho xe chạy, ông ít khi gánh tới đỉnh, thường chỉ tới hết đường bậc thang, vì khách thuê cũng ít dần.

Một người dân trên núi hay mua nước đá của ông nói với Tuổi Trẻ: “Ví dụ nước đá mua dưới chân núi 5,000 – 10,000 đồng, khi ông On gánh lên thì trả công cho ổng 20,000 – 30,000 đồng. Tui hay kêu ổng gánh lắm. Hồi xưa ở đây nhiều người gánh nhưng giờ còn có mình ổng. Tại hàng hóa này kia có xe chở lên hết rồi, chỉ có nghề gánh nước đá cho các quán là còn làm được do xe chạy vô không được”.

Được nhiều người quen mặt, ông On cũng “thuộc lòng” các nhà buôn bán ở trên núi, hễ ai muốn nhờ gánh thì gọi điện. Hiền lành, chịu khó nên ông Chau On được chòm xóm thương. Ông Chau Chanh Ra Đa (36 tuổi, cách nhà ông On vài căn) cho biết chòm xóm thương cảnh nhà ông khó nên hay cho gạo, đồ ăn, có ai mang cơm từ thiện đi ngang, họ cũng xin cho ông.

Ngoài ra, thỉnh thoảng một số nhà hảo tâm đến khu vực này cũng biết hoàn cảnh gia đình ông mà giúp đỡ chút đỉnh. Ngay cả một số du khách hay lên núi Cấm chơi cũng biết “chú gánh nước đá”. Thi thoảng gánh xong, người ta thương “bo” thêm cho ông từ 5,000 – 10,000 đồng.

Là người gánh thuê cuối cùng lên đỉnh núi Cấm, ông Chau On là hình ảnh lạc lõng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Giống gánh hàng trên Thiên Cấm Sơn, nghề gánh nước thuê ở phố cổ Hội An cũng là nghề hiếm còn sót lại. Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Sáu 2021 cũng kể về cuộc đời của hai người còn làm nghề gánh nước thuê ở phố cổ Hội An.

Dù có nước máy, nước bình, người dân ở phố cổ Hội An vẫn có một thói quen rất lạ lùng là uống nước và nấu ăn từ nước giếng cổ Bá Lễ. Giếng cổ Bá Lễ có từ thế kỷ thứ 10 cho tới nay vẫn chưa một lần cạn, là nguồn nước tự nhiên quen dùng của dân Hội An. Cũng nhờ thói quen ấy mà hàng chục năm nay những gia đình nghèo có nguồn sống từ nghề gánh nước thuê.

Hiện nay nghề gánh nước thuê ở phố cổ Hội An chỉ còn ông Nguyễn Quốc, thường gọi là Quốc “khùng” vì tính khí thất thường, không có vợ con. Nhà ông Quốc chỉ 8m2, nằm sâu trong một con hẻm ở phố cổ, ông sống cùng với bà mẹ hơn 90 tuổi.

Ông Quốc là con trai của cụ Nguyễn Đường (hiện đã qua đời năm 2019, nhà kế bên giếng cổ Bá Lễ), người được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người gánh nước thuê lâu đời nhất Việt Nam (từ năm 1975-2018).

Khi cụ Đường mất, con trai của cụ là ông Nguyễn Quốc tiếp tục kế nghiệp, thay cha gánh nước đi đổ cho người dân trong phố cổ. Ông Quốc có một danh sách chừng hơn 10 gia đình và chủ nhà hàng thường xuyên thuê ông gánh nước Bá Lễ, danh sách mà cha ông để lại.

Dù không có số nhà và số điện thoại, ông Quốc vẫn nhớ vanh vách và không bao giờ đổ nước nhầm nhà. Tiền ai đưa bao nhiêu ông cũng cầm vì không biết đếm, về lại cất vào hộp sắt. Cũng may là một ông anh họ ở gần nhà ông Quốc, thường lui tới mỗi ngày đưa cơm nước cho hai mẹ con ông Quốc ăn.

Nước giếng cổ Bá Lễ là nguồn kiếm sống của ông Nổi từ trẻ cho đến nay – Ảnh: Tuổi Trẻ

Người gánh nước thuê thứ hai còn sót lại ở Hội An sống ở thôn 3, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên là ông Huỳnh Ngọc Nổi (54 tuổi), người đã tròn 41 năm sống bằng nghề đổ nước thuê.

Cứ mỗi sáng, trong khoảnh sân xi măng chừng 10m2 của giếng cổ Bá Lễ, ông Nổi dựng chiếc xe đạp cà tàng ngay trước miệng giếng, phía sau xe buộc một thanh gỗ đeo lủng lẳng hai thùng nhựa. Ông tìm trong góc tường một cây chổi nhỏ rồi hì hụi quét dọn, làm sạch đống lá vừa rơi xuống quanh khu giếng. Quét sạch xong, ông thắp nén nhang đặt vào góc bàn thờ kế bên giếng.

Ông Nổi phải dùng gàu kéo bằng dây thừng để múc nước giếng dưới độ sâu chừng 10m, rồi ông đổ thẳng nước vào một màng vải lọc cặn đặt ở đầu miệng chiếc can nhựa.

Khi hai chiếc can nhựa đầy nước, ông Nổi móc lên thanh gỗ đặt sau yên xe. Ông sẽ dắt bộ chiếc xe đạp để đưa nước đến các gia đình có nhu cầu.

Thuở nhỏ, ông được một bà mẹ ở bên kia sông Thu Bồn nhận làm con nuôi. Bà mẹ nuôi thường dẫn ông đi bộ qua phố cổ rồi múc nước giếng bán cho từng gia đình. Năm lên 13 tuổi, ông bắt đầu theo mẹ ra phố gánh nước rồi làm nghề đó luôn cho tới nay.

Ông Nổi lôi từ trong túi áo danh sách tên, địa chỉ nhà hàng, các gia đình mà ông đổ nước hằng ngày. Các địa chỉ đó ông lui tới suốt mấy chục năm nay, thuộc làu từng thành viên gia đình của họ. Đa phần khi ông đến đổ nước, chủ nhà đều trả tiền tại chỗ, nhưng cũng có chủ nhà hẹn tới tháng lấy.

Thay vì gánh, ông Nổi dùng chiếc xe đạp thồ hai can nước để công việc nhẹ nhàng hơn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Công việc đổ nước mỗi ngày của ông chừng nửa buổi là xong, kiếm được khoảng 100,000 đồng. Nửa ngày còn lại, ông làm việc nhà, còn vợ đi làm thuê.

Hai con đã lớn và tự lập, hai vợ chồng vừa gánh nước vừa làm thuê cũng đủ tiền sống qua ngày. Thời khách du lịch đổ tới Hội An, các nhà hàng kêu đổ nước liên tục thì ông cũng kiếm được mỗi ngày vài ba trăm ngàn, còn khi dịch tới, chỉ có 10 gia đình gọi ông đổ nước.

Ông Nổi cho biết mấy chục năm nay nghề đổ nước thuê của ông đã nuôi sống cả gia đình, dù mỗi can nước 40 lít ông chỉ nhận về 5,000 đồng. Mỗi lượt đi ông đổ đầy hai can, chỉ nhận được 10,000 đồng.

Hơn 20 năm nay, vật dụng gắn với nghề của ông Nổi không còn là đôi quang gánh mà là chiếc xe đạp được ông sắm từ năm 27 tuổi. Ông kể trước đây ông đi bộ gánh nước, nhưng dành dụm được 100,000 đồng thì sắm chiếc xe đạp để chở nước.

Gắn bó với ông chủ hơn 20 năm, bộ khung chiếc xe đạp của ông Nổi đã lung lay, nứt vỡ, hàn đi hàn lại và được ông bết sơn để chống rỉ sét.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, một người dân phố cổ, chia sẻ với Tuổi Trẻ, mấy chục năm nay cả nhà bà toàn nấu cơm, nấu nước uống, làm các món ăn truyền thống như cao lầu, mì Quảng bằng nguồn nước từ giếng cổ Bá Lễ và cho rằng thứ nước khác nấu không ra vị ngon. Nếu giặt giũ hay tắm rửa thì nhà bà lại dùng nước máy. Cả ông Quốc và ông Nổi đều gánh nước thuê cho nhà bà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: