Tin từ FB Lê Nguyễn Hương Trà cho hay biết, Mai Phan Lợi bị tạm giữ từ ngày 24/6, nay chính thức tạm giam và khởi tố. Khả năng có liên quan đến các dự án truyền thông và những quan hệ với các tổ chức phi chính phủ (NGO). Ngoài Lợi, còn có Đặng Đình Bách, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu Pháp luật & phát triển chính sách bền vững, cũng bị bắt giữ.
Dư luận cho rằng, nhà báo Mai Phan Lợi và Diễn đàn Nhà báo trẻ từ trước đó, đã lọt vào vòng ngắm của các cơ quan chức năng và họ chỉ chờ có cơ hội để vô hiệu tổ chức này. Nên biết Diễn đàn Nhà báo trẻ, có hơn 33.000 thành viên đa số là nhà báo và sinh viên học nghề báo tham gia sinh hoạt, nhà báo Mai Phan Lợi giữ vai trò người điều hành diễn đàn này. Với chủ trương là nơi để các nhà báo chia sẻ nghiệp vụ, kinh nghiệm làm báo, bày tỏ quan điểm và trao đổi về các vấn đề văn hoá, xã hội… Diễn đàn này đã thu hút được một số đông các nhà báo, bloggers năng động, có tư tưởng cấp tiến. Sự cởi mở của diễn đàn này, đã được một số những người đấu tranh dân chủ tận dụng để tuyên truyền thông qua việc tranh luận.
Song việc Diễn đàn Nhà báo trẻ, dưới sự lãnh đạo của nhà báo Mai Phan Lợi đã thành lập Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), có trụ sở tại Văn phòng đại diện tại miền Bắc của báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Chưa hết, nhóm điều hành và quản lý Diễn đàn này tổ chức ra quỹ Vành khuyên (Khuyên Club) do các thành viên đóng góp. Số tiền của quỹ dùng để trao giải cho các tác phẩm báo chí có chất lượng, đồng thời có giải Kền kền để trao cho tác phẩm kém chất lượng. Trên cơ sở được độc giả bầu chọn với số phiếu cao nhất… Đây cũng là một hình thức được cho là, để tạo dựng một quỹ tài chính cho tổ chức hoạt động.
Mai Phan Lợi cũng từng là phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện của báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội. Tháng Sáu năm 2016, ông Mai Phan Lợi bị Bộ Thông tin và truyền thông thu hồi thẻ nhà báo.
Quyết định do Bộ trưởng Bộ TT&TT khi đó là Trương Minh Tuấn ký nêu rõ: Thu hồi Thẻ nhà báo mang số hiệu IBĐ 00596, thời hạn 2016-2020 của ông Mai Phan Lợi được cấp tại Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, do vi phạm tiết c điểm 9.1 khoản 9 Mục II Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hóa – Thông tin, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam; gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo.
Sự việc xảy ra sau khi ông Lợi tiến hành một cuộc thăm dò liên quan đến vụ máy bay CASA 212 bị mất tích trên diễn đàn Nhà báo trẻ trên Facebook.
Báo cáo nhân quyền Bộ Ngoại giao Mỹ ra năm 2016 thì có đoạn viết về ông Lợi như sau:
“Vào tháng 5 và tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông và các quan chức của đảng đã trừng phạt Mai Phan Lợi, trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vì đã gặp một nhà lãnh đạo nước ngoài và đi ra nước ngoài mà không được phép.”
Gần hai tuần sau khi ông Lợi gặp nhà lãnh đạo nước ngoài, cấp trên của ông đã triệu tập ông này về để chất vấn. Ngày 20 tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo của ông Lợi, phê bình ông vì đã đưa ra thăm dò gây tranh cãi trên Facebook về các vụ tai nạn gần đây của máy bay hải quân Việt Nam. Ngày 23 tháng 6, ông Lợi bị tòa báo sa thải. Các nhà hoạt động cho rằng chính quyền trừng phạt Lợi là do ông vận động đòi quyền tự do báo chí rộng rãi hơn”.
Ông Lợi sau đó làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC. Liên quan vụ án với ông Lợi ngày 2/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội thông báo ông Đặng Đình Bách (43 tuổi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững) bị khởi tố, tạm giam về cùng tội Trốn thuế.
Cũng cần nhắc lại, cùng với thời gian rút thẻ nhà báo Mai Phan Lợi, thì tháng 9/2015, nhà báo Đỗ Văn Hùng, phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên đã bị Bộ trưởng Bộ TT&TT ký quyết định tước thẻ nhà báo. Nguyên nhân vì đã viết một status hóm hỉnh toàn dấu sắc trên trang facebook cá nhân của mình, trong đó có đề cập đến một số lãnh tụ đề cập. Khi đó, người ta cho rằng là do nhà báo này đã động chạm đến những điều nhạy cảm, và cấm kỵ ở Việt Nam.
(tổng hợp)