Một phụ nữ quê Vĩnh Phúc đã tố cáo người đàn ông ở Hà Nội thuê bà đẻ con bằng hình thức quan hệ trực tiếp, sau đó đã bỏ rơi khi bà có thai.
Sự việc được đăng tải trên mạng xã hội Facebook chiều 19 Tháng Bảy 2023. Theo tố cáo của bà Phùng Mai Thu (tên đã được thay đổi, 36 tuổi, quê Vĩnh Phúc), bà nhận đẻ thuê cho ông N.Đ.V. (30 tuổi, ngụ xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và sau khi bà thông báo có thai thì V. đã không thèm liên lạc.
Dòng trạng thái mà bà Thu chia sẻ có nội dung “Em với anh này có làm hợp đồng mang thai hộ với nhau. Khi em với anh ăn ngủ với nhau, mang bầu được rồi thì anh này lại không trả tiền và bỏ mặc hai mẹ con”.
Ngày 20 Tháng Bảy 2023, Lao Động liên hệ với bà Thu và được biết Thu quen V. trên nhóm “Đẻ thuê có hợp đồng” hồi cuối Tháng Tư 2023.
Do đang cần tiền nuôi con và trả nợ ngân hàng, Thu đã liên hệ với V. và cả hai đã ký một hợp đồng dân sự (có người làm chứng), trong đó có điều kiện là phải quan hệ trực tiếp với V. tại nhà riêng của V. ở Hà Nội, sống ở nhà V. trong suốt thời kỳ mang thai, và tổng số tiền V. sẽ trả cho Thu sau khi sanh em bé là 150 triệu đồng.
Ngoài số tiền này, mỗi tháng của thai kỳ, V. sẽ chuyển cho Thu 6 triệu đồng và lo luôn tiền đi khám thai định kỳ. Nếu mang thai sanh đôi, V. sẽ thưởng thêm 40 triệu đồng; sanh con khỏe mạnh đủ ngày đủ tháng được thưởng 10 triệu đồng; nếu sanh mổ V. sẽ phụ thêm 10 triệu đồng.
Thu kể với Lao Động: bà về nhà V. ở huyện Thanh Trì ngày 28 Tháng Tư và chiều 3 Tháng Năm, V. đến nhà bà ở Vĩnh Phúc để đón bà về ở nhà V. Bản hợp đồng của hai bên được lập vào ngày 5 Tháng Năm 2023, sau khi bà xuống nhà ông V. ở và được V. đưa đi khám sức khỏe tổng quát.
Từ đó đến ngày 11 Tháng Sáu, hai người sống với nhau như vợ chồng.
Sau đó, bà xin phép về quê Vĩnh Phúc và đến ngày 15 Tháng Sáu đi khám thì biết đã đậu thai. Khi gọi điện cho V. để thông báo, V. nói không tin tưởng bà. Cuối cùng cả hai thỏa thuận sẽ giữ đứa bé và V. phải có trách nhiệm với hai mẹ con. Tuy nhiên, khi bà hỏi tiền khám thai và mua thuốc thì V. chỉ chuyển cho bà có 1 triệu đồng.
Thu cũng phàn nàn là trước khi thực hiện hợp đồng, V. đồng ý đặt cọc cho bà 50 triệu đồng, nhưng đến nay, V. mới chỉ chuyển cho bà 30 triệu đồng.
Khi Lao Động liên lạc với N.Đ.V., ông này xác nhận sự việc và nói thêm: “Tôi đã chuyển cho Thu 30 triệu, có biên lai chuyển tiền đầy đủ. Nhưng sau khi biết tin mang thai Thu vẫn chưa xuống gặp tôi. Bây giờ nó (Thu) phải gặp tôi để tôi nói chuyện đã. Tôi người thật việc thật, tôi có lừa nó (Thu) đâu”.
Phụ Nữ Số (chuyên trang của báo Phụ Nữ Thủ Đô) ngày 21 Tháng Bảy cũng đăng tải vụ này và dẫn lời của ông V.: Tất cả chỉ là hiểu lầm, bà Thu vì bực tức mới đăng tải sự việc lên mạng xã hội và hiện bà Thu đã cam kết gỡ thông tin mà bà đăng trên mạng xã hội.
Về số tiền cọc còn lại tại sao chưa ứng, ông V. cho rằng chưa thể chuyển cho bà Thu vì ông không chắc chắn bà Thu có thực sự mang thai hay không. Ông V. còn nói thêm: “Con nằm trong bụng cô ta (Thu), nếu như bị sảy hoặc cô ta không muốn làm thì tôi cũng mất tiền cọc chứ đâu làm gì được”.
Cũng trong ngày 21 Tháng Bảy, chị gái của bà Thu cho biết Thu đã mang thai được 7 tuần và cho rằng ông V. quá đáng vì đã đăng lên mạng nói em gái của bà lừa đảo. Bà chị của Thu còn nói: “Em tôi bây giờ quyết định mặc kệ anh ta (V.), tự suy nghĩ bằng lương tâm của mình. Em gái tôi còn có con cái, cũng phải nuôi chúng nó ăn học. Còn về tiền, anh V. có nói cứ để đẻ xong sẽ có trách nhiệm với em gái tôi”.
Cả hai tờ báo đều không cho biết giữa Thu và V., ai là người đưa sự việc “đẻ thuê” lên mạng trước, để rồi cả làng cả xóm cùng biết? Trong sự việc này, người tội nhất là đứa trẻ: thay vì được hình thành từ tình yêu giữa cha và mẹ thì lại được hình thành từ sự đổi chác quyền lợi giữa hai bên.
Cả hai tờ Lao Động và Phụ Nữ Số sau đó đều hỏi ý kiến luật sư và luật sư cho biết hợp đồng đẻ thuê giữa bà Thu và ông V. là vô hiệu cả về mặt hình thức lẫn nội dung, bởi hành động này pháp luật không cho phép.
Theo Nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Ba 2015), những cặp vợ chồng hiếm muộn phải mất từ 06 tháng đến hơn một năm chờ xét duyệt hồ sơ mới có cơ hội được phép cho mang thai hộ; người mang thai hộ phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng.
Chính vì vậy, các dịch vụ đẻ thuê, mang thai hộ tràn lan trên mạng hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý cho cả người nhờ mang thai hộ (có trả tiền) lẫn người thực hiện dịch vụ (bên nhận tiền), chưa kể tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về sức khỏe, danh dự và cuộc sống sau này của đứa trẻ.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho Lao Động biết vụ việc này không có yếu tố cấu thành tội phạm bởi việc quan hệ là do hai bên tự nguyện. Khi đứa trẻ được bà Thu sanh ra, nếu đúng là con của ông V. thì ông V. phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, tuy nhiên pháp luật cũng không can thiệp gì được vì hai người không phải là vợ chồng.
Còn luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư Sài Gòn) phân tích cho Phụ Nữ Số: Theo quy định của pháp luật, “đẻ thuê” chỉ được công nhận trong hai trường hợp dưới đây: – Thứ nhất, đó là lấy tinh trùng của chồng và noãn vợ cấy vào cổ tử cung của người phụ nữ khác (phải là họ hàng bên vợ hoặc bên chồng), nhờ người này mang thai giúp, rồi sinh nở;
– Thứ 2, là trường hợp người vợ vô sinh, người chồng thỏa thuận xin noãn của một phụ nữ khác (phải là họ hàng bên vợ) phối với tinh trùng của mình và cấy vào tử cung của họ để họ mang thai, đẻ con.
Dịch vụ đẻ thuê bằng phương pháp quan hệ trực tiếp như bà Thu và ông V. là trái pháp luật và có thể bị khởi tố hình sự để mang tính răn đe, ngăn ngừa những trường hợp khác tái diễn.