Nhận hối lộ trị giá hơn 500 triệu đồng ($20,680) để làm lơ cho hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, bốn cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã bị Công an TP.HCM bắt giam.
Theo VTC News ngày 12 Tháng Chín, Công an TP.HCM đã bắt tạm giam Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành – tỉnh Bình Phước) về tội “Nhận hối lộ”.
Liên quan vụ án, Công an TP.HCM cũng bắt tạm giam Bạch Tấn Cường (43 tuổi, ngụ quận 4, Sài Gòn), Nguyễn Vĩnh Hòa (35 tuổi, ngụ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Huỳnh Thị Huyền Trâm (35 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), Võ Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, Sài Gòn) về tội “Buôn lậu”.
Khi phá đường dây buôn lậu mặt hàng sợi Polyester, xuất xứ Trung Quốc (có mức thuế chống bán phá giá 17.45%) do một số người Trung Quốc móc nối với một nhóm người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn và tỉnh Bình Phước, cơ quan điều tra xác định:
Nhóm người mang quốc tịch Trung Quốc đã chỉ thị cho Bạch Tấn Cường thành lập công ty Thương mại sản xuất Sunview (trụ sở tại tổ 3, khu phố Phú Tân, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước); Võ Thanh Tuấn thành lập công ty Thương mại sản xuất Long Tân Vina (trụ sở số 65 Quốc lộ 14, ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) để cả hai công ty đứng tên nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế đây là những công ty “ma”, có trụ sở tại tỉnh Bình Phước để mở tờ khai nhập cảng hàng hóa tại Chi cục Hải quan Chơn Thành.
“Giám đốc” Bạch Tấn Cường chỉ thị hai nhân viên Nguyễn Vĩnh Hòa và Huỳnh Thị Huyền Trâm làm giả hóa đơn, chứng từ ngoại thương (Invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc, trong đó tự điều chỉnh thông tin chi tiết về hàng hóa, từ sợi Polyester (có mức thuế chống bán phá giá là 17.45%) sang sợi đơn mono-pylamen polyurethan đàn hồi không xoăn, không dún (có mức thuế chống bán phá giá là 0%), đồng thời giảm trọng lượng hàng hóa thực tế.
Sau đó, Cường làm thủ tục khai báo hải quan hàng hóa nhập cảng tại Chi cục Hải quan Chơn Thành để nhập lậu số lượng lớn mặt hàng sợi Polyester.
Tương tự, Võ Thanh Tuấn cũng sử dụng thủ đoạn này khi sử dụng pháp nhân công ty Long Tân Vina để nhập lậu mặt hàng sợi Polyester.
Để không bị kiểm tra thực tế hàng hóa khi làm thủ tục nhập cảng, Bạch Tấn Cường và Võ Thanh Tuấn đã đưa hối lộ cho bốn cán bộ hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hoá nhập khẩu – Chi cục Hải quan Chơn Thành, số tiền 3,500,000 đồng/1 container.
Từ đó, các container sợi Polyester của hai công ty Sunview và Long Tân Vina được vận chuyển trực tiếp về các kho tại khu vực Cảng Phú Định (thuộc quận 8), khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh và quận Bình Tân) mà không phải đưa về Chi cục Hải quan Chơn Thành để làm thủ tục kiểm hóa.
Ngày 21 Tháng Tám, Công an thành phố phát hiện công ty Sunview mở tờ khai nhập khẩu và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I tiến hành niêm phong hải quan, bàn giao cho công ty vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành để kiểm tra thực tế và hoàn thành thủ tục thông quan.
Tuy nhiên, thực tế là lô hàng được các đối tượng vận chuyển về Kho hàng số 1, Cảng Phú Định để bốc dỡ hàng hóa mà không vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành theo quy định.
Kết quả kiểm tra phát hiện seal niêm phong hải quan đã bị cắt bỏ, hàng hóa bên trong container nêu trên là sợi Polyester, xuất xứ Trung Quốc (có mức thuế chống bán phá giá 17.45%), không đúng với chủng loại hàng hoá khai báo tại tờ khai nhập cảng.
Khi khám xét khẩn cấp các kho hàng có liên quan tại quận 8, quận 11, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Công an TP.HCM phát giác và tịch thu các tài liệu, chứng từ, chữ ký số, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động nhập khẩu sợi Polyester của Sunview, Long Tân Vina và tìm thấy hơn 700 tấn sợi các loại không có hoá đơn chứng từ.
Công an TP.HCM xác định, từ Tháng Ba 2023 đến thời điểm bị phát giác, nhóm người nêu trên đã nhập lậu 258 container mặt hàng sợi Polyester (trong đó có 21 container được phân loại kiểm tra luồng đỏ) với tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 150 tỷ đồng ($6,204,000).
Hải quan là trùm ăn hối lộ, bị bắt hoài vẫn vậy thôi vì cơ chế “cho phép”, có bị bắt thì cũng xử nhẹ hều, kiểu “giơ cao đánh khẽ”, vì toàn “con ông cháu cha” mới được vào làm ở ngành này.
Tiền Phong ngày 25 Tháng Bảy 2023 đưa tin về phiên tòa xử hai cựu cán bộ Hải quan TP.HCM được giao nhiệm vụ trực máy soi nhưng “cố tình” để lọt hơn 200 máy tính xách tay nhập lậu, giúp những kẻ buôn lậu vận chuyển trót lọt hàng hóa trị giá hơn 3.2 tỷ đồng ($132,352).
Phiên xử sơ thẩm của Tòa án TP.HCM cùng ngày tuyên phạt hai cựu cán bộ công chức Hải quan TP.HCM là Nguyễn Trung Hiếu (36 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Loan (35 tuổi) mỗi bị cáo 12 tháng tù, cho hưởng án treo, dù mang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng vụ án, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Bùi Hữu Lộc (51 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ) 1.5 tỷ đồng ($62,042); Phan Tấn Phát (41 tuổi, quê Khánh Hòa) 3 năm 5 tháng 8 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) và Huỳnh Thị Bích Thuận (39 tuổi quê Đồng Nai) 500 triệu đồng ($20,680), cùng về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo trạng, ngày 17 Tháng Hai 2020, Công an TP.HCM phát giác Huỳnh Bích Thuận, Phan Tấn Phát có hành vi vận chuyển tám kiện hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan phi trường Tân Sơn Nhất.
Cùng lúc đó, Bùi Hữu Lộc đang vận chuyển bốn kiện hàng đi phía sau nên công an yêu cầu kiểm tra, phát giác bên trong 12 kiện hàng chứa 207 máy tính xách tay và ba điện thoại di động iPhone (đã qua sử dụng).
Toàn bộ số hàng hoá này đều không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và không khai báo hải quan, có trị giá hơn 3.2 tỷ đồng.
Thời gian đó, hai cán bộ hải quan là Nguyễn Trung Hiếu và Nguyễn Thị Kim Loan được giao nhiệm vụ trực tại máy soi, nhưng “giả lơ”.
Ngoài ra, theo công hàm của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết bị cáo Bùi Hữu Lộc có Giấy chứng nhận bắt giam của Liên bang và có tiền sử tội phạm tại Hoa Kỳ.