Từ trưa ngày 8 Tháng Bảy, dân chúng đột ngột túa ra đường nhiều hơn mọi ngày. Ai nấy chạy vội vàng đến các cửa hàng gần nhà, đến các nơi có bán thực phẩm dự trữ, nhằm kịp mua ít gì đó cho gia đình cầm cự trong hai tuần lễ phong toả, theo lệnh từ chính quyền.
Nhưng mà biết có phải thật sự là hai tuần không? Bởi cái đích đến ấy cũng chỉ là một cột mốc đáng mơ ước của người có quyền, còn thực tế trong câu chuyện Covid-19 tự nhiên như trời đất thì khó ai mà biết được. Đứng ở một ngã tư nhìn dòng người, tự nhiên bỗng thấy thích chữ “túa” ghê gớm: Một từ miền Nam mô tả rất đầy đủ, như kiểu một đám kiến đang yên lặng di chuyển đột nhiên bị chấn động, túa ra hoảng hốt và không phương hướng. Chúng túa ra, và có đứa, sẽ mãi mãi không có cơ hội tìm về một đời sống thường nhật.
Tới tối, ai đó thảy lên mạng các bảng giá hàng hóa, thấy tăng vùn vụt mà hoảng. Tăng gấp hai, rồi gấp ba… Nhìn thôi, cũng không còn sức đâu mà tính. Các siêu thị “tư duy” hợp tác xã thì ra thông cáo, nói bà con hãy yên tâm, vì hàng còn nhiều lắm, bán dư sức luôn. Chính quyền ở Sài Gòn thì ra chỉ thị trấn an rằng lương thực dự trữ có thể xài tới sáu tháng. Nhưng không nghe ai nói gì đến chuyện giá cả đang tăng, và làm sao có tiền để mua. Anh Tấn Beo, một danh hài ở Việt Nam lên một status như dở khóc, dở cười, với hai câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, mà tại sao bó rau muống bán 50,000 là sao vậy bà con?”.
Sài Gòn lo sợ thiệt tình. Nhìn mặt ai nấy căng như dây đàn lên lố cung, là hiểu. Nhưng sợ dịch là một đằng, sợ đói là một nẻo, mà “nẻo’ lớn lắm.
Sài Gòn nhìn hoa lệ vậy nhưng là thủ đô của cần lao. Hàng triệu con người khắp nơi trên đất nước đổ về đây với ước mơ, dùng sức mình để dựng nên đời mới. Nhưng đường đi chưa tới thì lúc nào cũng đầy nhọc nhằn. Cơm chạy từng bữa, tiền nhà thuê mới chợp mắt mấy lần đã thấy bóng bà chủ, ông chủ đứng trước cửa rồi. Đó là chưa nói, tiền học của con, tiền trị bệnh… mọi thứ vẫn đang gồng gánh bằng nụ cười và khát khao lương thiện để tồn tại của những người nhập cư khốn khó.
Trên trang của giáo sư Hoàng Dũng, có bài ghi tựa rất hài hước “Giỡn mặt với nhân dân”. Ông phân tích về các ngài gọi là lãnh đạo của Việt Nam cứ phát ngôn tạt vào mặt nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chẳng hạn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Tp.HCM, khẳng định: “Dừng tất cả xe hai bánh shipper, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống”. Còn cấp trên của ông là Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban TP, thì tuyên bố: “Giao hàng bằng xe ôm, xe công nghệ vẫn được hoạt động”.
Bình luận chuyện này, giáo sư Hoàng Dũng viết: “Trong những ngày này, người dân đặc biệt lắng nghe phát biểu của các quan chức vì chủ trương của chính quyền chống dịch ra sao ảnh hưởng đến nồi cơm của họ, đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nghe chính quyền nói như thế, thì người dân biết ứng xử thế nào trong những ngày phong tỏa? Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên là do báo đưa tin sai? Hay do chính quyền lúng túng trong chủ trương chống dịch? Vì nguyên nhân gì thì họ (báo chí hay quan chức thành phố) đều ‘giỡn mặt với nhân dân”.
Vậy đó, ai có làm nghề chạy xe ôm, giao phát hàng (shipper) hay từng đi xe để nghe chuyện đời của họ mới hiểu. Có thể là nữ, có thể là nam, những câu chuyện của họ, là những mảnh ghép không lành lặn. Những câu chuyện đời còn dở dang, những ước mơ bị cơm áo cấu níu đến mệt nhoài… Mà họ tạo nên cả một vùng lấp lánh về Sài Gòn.
Những con người đó không có cơ hội như con cái quan chức, sinh ra đã định trước nước nào sẽ đến học đại học. Không may mắn được là thành phần thân cận quan lại hay bu bám kiếm lợi quanh hệ thống để chạm nhanh vào các hợp đồng, dự án chia chác lớn lao… nhưng họ nối nhau dựng nên một tinh thần truyền đời kiêu hãnh của một Sài Gòn cần lao và lương thiện.
Họ chỉ có một nỗi sợ duy nhất là không được làm việc bằng mồ hôi, trí lực của mình để kiếm sống, để chăm sóc cho gia đình của mình. Dù sức đó, trí lực đó bị đánh thuế tàn nhẫn đến 30%, chia cho nhà thầu xe công nghệ và cả chính quyền (dù đã có tính thu nhập thuế cá nhân hàng năm). Con số 30% đó, được tính vào từng cuốc xe, có khi một cuốc chỉ 15,000 hay 20,000 đồng.
Đã vậy, từ ngày 9 Tháng Bảy, có lệnh ai chạy ra đường bị coi là “không có lý do chính đáng”, bị phạt đến ba triệu đồng.
Thử hỏi, một người lao động với cuộc sống đã gần chạm đáy xã hội như xe ôm hay shipper, cứ nhấp nhổm lo đói, hoang mang biết mấy khi thấy ông lãnh đạo này ca vịt, bà lãnh đạo kia hát gà. Nhưng phận dân đen biết tìm ai mà hỏi, biết vịn vào đâu mà đi, hay đường đi không tới? Như vậy, không giỡn mặt nhân dân là gì?
Nhưng giỡn lúc nào còn được, nhè ngay lúc con người khốn cùng, lo sợ mà giỡn mặt bất nhất như vậy, thì họ có xứng được coi là đồng bào không?
——–
Đón xem tiếp Nhật ký phong thành (tập 2): CHUYỆN CÁCH LY
***
Các bạn độc giả ở Sài Gòn hãy chia sẻ với chúng tôi tất cả những gì các bạn đang trải qua vào lúc này, những gì các bạn không thể nói trên mạng xã hội bởi sự kiểm soát thông tin gay gắt của chính quyền. Các bạn ở nước ngoài có người thân hoặc bạn bè đang sống trong cảnh nghẹt thở tại Sài Gòn cũng có thể kể với chúng tôi những gì mà các bạn được thuật lại.
Vui lòng gửi về: [email protected].