Nhật ký phong thành (số 12): Cười ơi, chào mi!

Ảnh: VNExpress

Lại một ngày nữa trôi qua. Thời gian trở nên quá nhanh, và quá chậm trong ngày phong tỏa. Nhanh là bởi thời gian trôi vùn vụt, mới đây đã quá nửa năm 2021, người dân vẫn phải đóng cửa, khoanh tay nhìn cột mốc đời mình trôi qua trong bế tắc. Chậm quá, bởi nhiều nước trên thế giới đang bước vào giai đoạn hồi phục và nhìn về dịch Covid-19 như một thứ không còn quá sức đáng sợ và bế tắc như trước đây. Nhưng ở Việt Nam, hiện chỉ mới có hơn 300,000 dân được chích đủ hai mũi. Chính quyền vẫn đang loay hoay bàn cách đóng chợ, mở chợ, rượt đuổi các ca mới nhiễm…

Ai cũng nhìn thấy việc chậm mua, chậm nhập vaccine, chậm chích, đến sốt cả ruột, so với ngay cả Campuchia. Báo chí trong nước cho biết đến Tháng Bảy 2021, chính quyền Hunsen đã chích ngừa xong cho 98% dân của mình (dân số hiện tại của Campuchia là 17 triệu người).

Từng ngày mệt mỏi trôi qua. Mọi giao tiếp ở Sài Gòn, hay ở Việt Nam, bây giờ chủ yếu chỉ còn thông qua mạng xã hội. Thỉnh thoảng nghĩ về ngày xưa, những lúc dịch bệnh, đói kém… không có internet, khác gì ở trong một cái nồi đóng nắp vậy. Thời nay, may mà có internet. Người ta không những có thể thông tin cho nhau mà còn có thể kiểm chứng được mọi thứ – ngoại trừ với những người chỉ thích và nghe tin giả tô hồng, như kiểu quen xài các loại ma túy tinh thần.

Stress, hay trầm cảm, trong giai đoạn đại dịch mệt mỏi này, là điều phổ biến. Đám đông có thể dễ dàng hút theo các câu chuyện gây bất bình – chửi rủa không tiếc lời, rồi lại chạy theo các sự kiện nào đó làm cảm động, cùng nhau khóc lóc và ngợi ca tưng bừng. Nếu nhìn vào các chủ đề có nhiều người chia sẻ và theo dõi mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể thấy sự căng thẳng và thất thường của người Việt Nam hiện rõ.

Một người bạn kể rằng hôm rồi vào Facebook, đọc được một status về chuyện khác biệt Bắc-Nam, đã nổi giận và phản ứng gay gắt tức thì. Người viết status kia cũng trả treo trở lại. Điều đáng nói là cả hai người đều quen nhau lâu rồi. Mất một ngày sau, cả hai đều giật mình như thoát ma ám, nhắn tin xin lỗi nhau. “Xin lỗi chị, em chợt nhận ra mình stress quá”, một người gửi tin đi như vậy.

Một cô bạn khác, vô tình lọt vào một group của những người khá giả và tin tuyệt đối vào mọi chính sách của nhà nước, trải qua vài lời tranh cãi trong group này, về số phận người nghèo trong phong tỏa, cô bật khóc huhu và nói rằng không nghĩ giữa một cuộc sống hiện tại lại có những người vô cảm và chấp nhận hy sinh người khác để mình được tồn tại như thế. Câu chuyện đó khiến cô bạn bị trầm cảm dài ngày.

Các tổ chức y khoa thế giới vẫn liên tục công bố các nghiên cứu về trầm cảm trong và sau đại dịch. Theo thăm dò của APA (American Psychological Association – Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ), nhiều người cho biết họ đã tăng hoặc giảm cân không mong muốn, uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng và mất ngủ thường xuyên. Người trưởng thành có thể căng thẳng, đau buồn và dễ dàng bị chấn thương tâm lý, thậm chí có những phản ứng dữ dội bất ngờ. Các hội chứng này có lúc được xác nhận ở hơn 60% người được hỏi.

Nếu nhìn theo cách này, có thể hiểu được vì sao nhiều người bị chặn ở chốt kiểm soát đã chửi bới hay chống cự dữ dội lại các lực lượng kiểm tra. Mệt mỏi, thiếu hy vọng vào tương lai, bất mãn với các chính sách ràng buộc mà chưa thể thích nghi… là những biểu hiện được tìm thấy trong không ít trong các video mà dân chúng quay và đưa lên internet trong thời phong tỏa. Ngay cả tiếng gào thét, cự cãi của nhân vật trong video cũng làm người xem bị trầm cảm nặng hơn về hiện thực đang tác động đến họ mỗi ngày.

“Thương dân mình quá, làm sao để có thể giúp đỡ được đây?”, một người chị lớn từ Pháp nhắn về. Chị coi các video trên Facebook, YouTube và nói thấy hãi hùng, muốn kêu lên mà không được. Rõ ràng, càng thương xót thì càng stress nặng. Có đoạn audio được chia sẻ ở nhiều nơi, thâu âm tiếng của một cô gái gọi ra từ trại cách ly, van nài nhân viên y tế giúp người nhà của cô bị nhiễm Covid và trở nặng, nhưng chính người nhân viên cũng nói như khóc rằng anh ta bất lực, vì chung quanh còn đến tám người như vậy, nhưng không bệnh viện nào chịu nhận. “Chị ơi, thông cảm cho em đi chị”, anh nhân viên y tế nghẹn ngào năn nỉ. Ai nghe cũng phải lặng người. Ngày mai, có thể chính mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì sao?

Bất chấp các hệ thống tuyên truyền vẫn chắc nịch về trận “quyết chiến quyết thắng” Covid-19, nhưng hiện thực thì quá khác: Các bệnh viện ở Thành Hồ đã quá tải. Đến chủ tịch quận 7 còn phải nhắn tin riêng, kêu cứu với chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong rằng có người quen bị F0, hấp hối, mà không nơi nào chịu nhận. Ông Phong phải điện cho Giám đốc Sở Y tế thì mới có được một bệnh viện nhận. Nghe không stress sao được – vì đâu phải ai cũng quen đến chủ tịch thành phố để mà nhờ cậy.

Đặc biệt, còn stress hơn khi phải nghe chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hướng dẫn dân “phải biết bịt kín, không cho Covid chui qua”, hoặc ông Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phán: “Covid lây nhiễm nhanh do chúng ta chống dịch đi đúng hướng”?! Giữa thời điểm sống và chết, đày đọa và vô vọng, nghe những kiểu tuyên bố của lãnh đạo như vậy mà không stress thì ắt dân Sài Gòn đã được trui rèn qua luyện ngục.

Đã nói là không có internet, không biết dân Việt sống sao. Thời phong tỏa, người dân chỉ nhìn qua mạng, thấy chuyện gì bất công, chuyện gì khốn nạn… thì cùng hô lên. Áp lực của dân chúng qua mạng xã hội đã khiến một số chuyện trái tai gai mắt phải thay đổi.

Chẳng hạn, khi dân ở hẻm 7 đường Hưng Hóa, phường 6, quận Tân Bình đưa lên video cho thấy một gia đình phải chịu cách ly do có người nhiễm Covid-19, chính quyền ở đây thiếu người canh giữ, nên đã cho hàn kín lối ra vào của gia đình này, trong một con hẻm chật hẹp. Ai nấy coi mà hết hồn, bởi nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, sập tường… cả gia đình này chắc tiêu. Chỉ sau một ngày bị dân chúng trên Facebook kêu la phản đối, vào Thứ Ba vừa qua, chính quyền đã phải tháo bỏ chỗ hàn kín ở lối ra vào của gia đình này.

Một trường hợp khác ở hẻm 391, Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Để cách ly toàn bộ dân cư trong hẻm, chính quyền địa phương đổ chồng các dây kẽm gai bịt kín lối ra. Đến khi mọi người phản ứng nhiều quá thì chính quyền mới cho thay bằng barrie. Ai cũng kinh hoảng vì lối suy nghĩ về phong tỏa quá tùy tiện như vậy. Chưa nói chết vì Covid, người dân có thể chết vì kiểu phong tỏa bịt kín kẽm gai đó khi không ai có thể tiếp tế thực phẩm cho người trong hẻm suốt 14 hay 21 ngày.

Hồi đầu năm 2020, nhiều video đăng tải cảnh các gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc, bị đóng đinh bít cửa, bị chận bắt dã man… Đến nay, có vẻ như nhiều thứ đang tái hiện ở Việt Nam, với những phiên bản khác. Thật dễ stress, khi thuốc men, vaccine… thì chính quyền trung ương biết chọn, và chỉ chọn của phương Tây, nhưng cách hành xử với dân thì giống như học thuộc bài từ Trung Quốc.

Tôi mất cả ngày sau mới hồi đáp được với người chị ở Pháp, khi hỏi thăm về Việt Nam. Thật ra tôi cũng không phải biết phải trả lời thế nào cho đúng. Không chỉ ở xa, mà ở ngay trong nước, ngay trong tâm điểm của phong tỏa, mỗi ngày khi chứng kiến quá nhiều điều cần phải nói, phải viết, phải ghi lại… cũng đủ khiến mình không còn giữ cuộc sống bình thường nữa. Chúng ta bất lực. Tình thương của chúng ta cũng bất lực, khi nhìn thấy quá nhiều thứ cần phải thay đổi, nhưng lại vượt quá tầm tay.

Đôi khi stress quá, người ta phải chuyển qua hài hước để tự cứu mình. Chẳng hạn một bản tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Hà Nội, nơi không có gì là nguy cấp về dịch, được tận dụng 5.1 triệu liều vaccine viện trợ để chích cho quan chức và người được tuyển chọn trong hệ thống. Còn Sài Gòn, là tâm dịch, và là nơi phải nhất định “bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công”, thì được phát 1.1 triệu liều, để chích cho đợt bùng phát lây nhiễm này.

Vậy đó. Nghe thôi, cố đừng stress, vì chẳng ai trong chúng ta có thể làm gì được đâu, mà chỉ nên cười sằng sặc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: