Nhật ký phong thành (số 3): Sài Gòn bao nhớ

Buổi sáng thứ ba của ngày Sài Gòn phong thành (11 Tháng Bảy), nghe tin công an giao thông và công an chốt chặn thông báo ghi phiếu phạt những người đi đường không chứng minh được tính “chính đáng” và “cần thiết”, tổng số một ngày lên đến gần 900 triệu tiền phạt mà… ham. Trung bình một người bị phạt là hai triệu (gần $100). Người đi đường và nhân viên chính quyền cãi nhau ỏm tỏi được quay video, kể lại đầy trên các trang mạng xã hội. Có vẻ, khái niệm mơ hồ “chính đáng” và “cần thiết” ở trong điều luật, cũng làm nhức đầu không ít với giới thi hành nhiệm vụ.

Chuyện phong thành, không ai được gặp ai ở Sài Gòn, hoàn toàn khác hẳn với các quốc gia hay được nghe kể chuyện như ở Anh, Pháp, Mỹ, Úc… Ở mấy xứ đó, người ta chỉ cần ở yên trong nhà, chính phủ sẽ yểm trợ nhiều thứ, bao gồm luôn cả gửi tiền ăn, miễn phí tiền thuốc… Còn ở Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung, phong thành đem lại biết bao nỗi khổ sở và lo lắng cho dân thường. Đặc biệt còn là nỗi lo của những người làm thiện nguyện, của những tổ chức phi chính phủ đang giúp người nghèo chạy bữa ăn. Nỗi lo xốn xang đến mức “nếu không phát cơm được, những người đó sẽ sống sao?”. Những lời than như vậy xuất hiện khắp nơi, thậm chí khiến họ phải gọi cả chủ tịch phường, chủ tịch quận để chất vấn.

Sợ từng phần cơm cứu trợ không đến được tay người cần mà lo vậy đó.

Chuyện ở quán cơm từ thiện Nụ Cười 1 (Trần Hưng Đạo, Quận 5, Sài Gòn) là một ví dụ. Mấy anh em ở đây nghĩ rằng giãn cách thì giãn cách, nhưng chuyện phần ăn của người nghèo thì vẫn phải lo. Anh Tập Nguyễn, một trong những người tham gia công việc này, kể rằng tuy vẫn xắn tay áo làm mà cứ phập phồng lo khó khăn sẽ sớm xảy ra. Nhưng rồi cứ nghĩ tới chuỗi ba quán cơm Nụ Cười mỗi ngày chu cấp bữa ăn cho 1,500-1,800 người nghèo, nay đột ngột ngừng, thì họ sống sao?

Dân nghèo Sài Gòn có đủ dạng. Từ người lao động nghèo, người già, đau yếu không khả năng tự nuôi mình, đến người bệnh không có tiền đóng tiền cơm ở bệnh viện… Không chỉ quán Nụ Cười, mà hàng hàng lớp lớp những nhóm, những quán, những người tự nguyện… lâu nay vẫn chia sẻ miếng ăn hàng ngày với đời khốn khó. Không có ai thống kê, nhưng không biết bao nhiêu con người Bắc-Trung-Nam vẫn âm thầm cùng tựa vào nhau để đi, để cùng sống, trên đất Sài Gòn này. Có người sống đến hết đời vẫn khổ. Nhưng có người may mắn thoát ra và vượt lên, họ lại nối tiếp, trả ơn cho đời bằng chính khả năng đóng  góp của mình.

Tôi có người bạn nhạc sĩ từ Hà Nội vào, viết trên facebook kể rằng đường đi dạy về nhà, lúc nào cũng phải qua hai cây cầu. Thoạt đầu hắn ngạc nhiên vì không hiểu sao luôn có nhiều người ngồi ở hai bên thành cầu từ chiều tối. Cho đến một ngày, hắn nhìn thấy lúc sẫm tối, những những nhóm thanh niên chở thực phẩm ghé vào đưa cho từng người ở thành cầu, thì sửng sốt. Hóa ra, đó là một “giao ước đô thị” không lời: Người nghèo cứ đến những nơi dễ tìm nhất, họ sẽ được ai đó giúp thức ăn, nước uống. Thậm chí nửa đêm mưa đổ, vẫn có những nhóm thiện nguyện chia nhau chạy đi phát quần áo cũ, áo mưa cá nhân và bánh mì. Bất kể là ai, dù đó là một người ăn mày, một người lang thang bụi đời hay một gã xì ke ma túy, cũng được nhận khi cần. “Tôi là người sống ở Hà Nội, nhưng ít khi nào nhìn thấy điều cảm động như vậy. Tuyệt vời Sài Gòn ơi”, anh bạn nhạc sĩ viết.

Quay lại chuyện quán cơm từ thiện Nụ Cười 1. Sáng sớm hôm qua lúc 6g30, khi anh Tập Nguyễn khoe rằng mọi người đang chuẩn bị hàng trăm phần cơm, với món thịt kho tiêu thiệt ngon cho bà con, thì điện thoại từ Ủy ban Phường gọi tới, bảo phải dẹp liền tay.

Anh Tập buông tay, bàng hoàng. Điều đầu tiên những người như anh Tập nghĩ tới là chuyện thất hứa với hàng trăm con người không quen. Hàng trăm con người đó sẽ không biết bấu víu vào đâu hôm nay, ngày phong thành mọi nơi đóng cửa.

Xếp hàng, có khoảng cách chờ lấy cơm từ thiện ở Sài gòn (ảnh: TapNguyen)

Anh Tập kể, khi quán thông báo phải nghỉ bán-cho cơm, người tìm đến như không muốn tin, vẫn nấn ná đứng lại chờ. Không ai đành lòng nhìn cảnh ấy, quán đành phải kéo cửa xuống. Ấy vậy mà họ vẫn đứng ngoài nói vọng vào năn nỉ: “Tụi tui đâu có chen lấn, đâu có xúm lại đâu. Cho tụi tui lấy cơm đi!”.

Ba ngày đầu giãn cách ở Sài Gòn vậy đó. Lệnh trên ban xuống phong thành thì cứ bắt buộc thi hành, không cần biết – hay không chịu tìm hiểu cặn kẽ – để tìm một giải pháp thích nghi cho một đô thị lớn, muôn mặt phức tạp nhất của đất nước này. Nhiều nơi làm từ thiện phải vào hoạt động du kích: đóng cửa làm việc, cho người lén lút đi phát, hoặc thông báo riêng cho những khách khó khăn quen thuộc, ghé qua, nhìn quanh, lấy vội phần ăn rồi lẩn đi.

“Tại sao những người có tiền xếp hàng mua thực phẩm ở siêu thị trong những ngày này được coi là ‘chính đáng được ra đường’ trong khi người nghèo cùng kiệt xếp hàng trật tự chờ những phần cơm từ thiện thì bị coi là nguy cơ lây lan dịch bệnh?”, anh Tập Nguyễn đặt câu hỏi.

Nhưng những người làm từ thiện như anh Tập Nguyễn không chịu bó tay, dễ dàng chấp nhận các chỉ thị lạnh lùng ấy. Những cuộc gọi, nhắn tin, vận động, thuyết phục… diễn ra liên tục. Cuối cùng thì chủ tịch quận 5 cũng mềm lòng, cho phép tuần thứ hai giãn cách, quán Nụ Cười sẽ bắt đầu lại, nhưng chỉ cho mang cơm đến các khu cách ly.

Dù chỉ mới là giúp cho các khu cách ly thôi – cũng đã là một bước tiến đáng mừng nên họ đành chấp nhận cánh cửa hẹp đó. Ở Việt Nam, cứ cố, và có còn hơn không. Nhưng còn những người nghèo khác thì sao, những người đang cần miếng ăn ngoài khu cách ly? Tôi chắc chắn những nơi như quán Nụ Cười sẽ không bỏ cuộc, họ sẽ có cách, dù đó bị xem là hành động “bất hợp pháp” trong những ngày quay quắt tình đồng bào này.

Cũng trong ngày 11 Tháng Bảy, chuyện một anh làm truyền thông ở một điểm từ thiện phát cơm nhưng buông lời nhận xét khắc nghiệt với người nhận, khiến dân chúng khắp nơi giận dữ. Anh này có giọng lạnh lùng phê phán cách ăn mặc phục sức của người đi nhận cơm, cho rằng lợi dụng bữa cơm từ thiện, qua video, khiến nhiều người khó chịu. “Cho người ta cơm, mà nói trên đầu người ta thì còn ý nghĩa gì?”, một người lên Tiktok, làm hẳn một video dài để phản ứng. Người khác thì nói trên facebook: “Giọng này không là người Sài Gòn. Kiểu cho cũng không là Sài Gòn, vậy thì đừng làm ô danh tấm lòng Sài Gòn”

Sài Gòn vậy đó, cách cho đi cũng phải đàng hoàng, rộng lượng, chứ không phải của mạt thí bỏ đi.

Dân chúng phản ứng quá, đến chiều tối, anh từ thiện kia phải tự quay video xin lỗi mọi người. Diễn biến nhanh, bùng lên dữ dội, có kết quả trong chỉ có một ngày. Mau mắn y như cách người Sài Gòn vừa nghe lệnh phong tỏa, đã ngồi xuống bàn với nhau, ngày mai dù có “bất hợp pháp”, ta cũng sẽ phát cơm từ thiện như thế nào vậy.

Ai đi xa Sài gòn rồi sẽ nhớ lắm, những câu chuyện như vậy, về Sài Gòn. Nhớ những thứ vụn vặt không thành lời nhưng lại chính là linh hồn đô thị. Nhớ đến bật cười, mà có khi quay mặt vào, nước mắt lại chảy quanh.

Đón đọc Nhật ký phong thành (số 4): CHUYỆN KHÔNG BAO GIỜ CŨ

***

Các bạn độc giả ở Sài Gòn hãy chia sẻ với chúng tôi tất cả những gì các bạn đang trải qua vào lúc này, những gì các bạn không thể nói trên mạng xã hội bởi sự kiểm soát thông tin gay gắt của chính quyền. Các bạn ở nước ngoài có người thân hoặc bạn bè đang sống trong cảnh nghẹt thở tại Sài Gòn cũng có thể kể với chúng tôi những gì mà các bạn được thuật lại.

Vui lòng gửi về: [email protected].

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: