Nhật ký Sài Gòn: Dịch đang “vật” ai?

 

Liên tiếp trong hai ngày qua, dân Sài Gòn nhận được các tin và lệnh từ chính quyền về dịch COVID-19, mà bất kỳ ai đọc được, cũng thấy ngay nhà nước Việt Nam hiện tại thật sự hoàn toàn lúng túng, vật vã và thiếu khả năng đối phó với tình hình dịch bệnh.

Ngay cả trên báo chí quốc doanh, mọi thứ thông tin cũng ngược xuôi chỏi nhau. Liên tục từ giữa tháng Năm cho đến tận ngày 10 tháng Sáu, ở đâu cũng nghe khẳng định là “cơ bản đã kiểm soát được dịch”. Thậm chí, cuộc họp chung ra văn bản số 58-NQ-CP, ông thủ tướng Phạm Minh Chính xác nhận là đã “bước đầu” khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Sài Gòn.

Nhưng mục tiêu được nhắm rõ: phải trấn an xã hội, và để làm sao toàn bộ nhân công làm việc trên đất nước vẫn hoạt động, nuôi sống chính quyền.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng”. Nghị quyết có đoạn như vậy.

Nhưng dân chúng thì không thấy vậy. Ai nấy đều thấy sức nặng của việc tính toán sai của chính quyền trung ương: Thong thả chuyện mua vaccine Covid-19, tận dụng một lượng lớn hàng tặng của phương Tây và Trung Quốc cho hệ thống quan chức và gia đình, chờ vaccine nội địa có kết quả và biến mọi thứ thành một thương vụ quốc dân khổng lồ.

Thương vụ, trên nỗi khốn cùng của dân tộc, đó là điều có thật, vì tập đoàn tư bản đỏ Vingroup cũng đánh hơi được cơ hội lớn này, nên mới ngày 3-6-2021 đã lập tức thành lập công ty sản xuất vaccine. Tên của công ty, Vinbiocare, nay đã gấp rút đi vào hoạt động, đăng ký sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, bao gồm sản xuất vaccine, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược. Vingroup là tập đoàn cổ đông lớn nhất trong công ty, đầu tư 138 tỷ đồng, tức 69% vốn điều lệ 200 tỷ đồng của Vinbiocare. Vấn đề là chỉ còn đợi Hoa Kỳ tặng công thức chế biến vaccine như đã hứa, là việc sản xuất thu tiền về sẽ là mối lợi chung của cả Vingroup và các quan chức đứng phía sau.

Một bài viết của Đài Á Châu Tự do (RFA) cuối tháng 5 đã ghi lại câu chuyện về một nhân viên cấp cao nhà nước tại Hà Nội (không liên quan ngành y tế hay an ninh), nói  rằng anh đã được chích hai mũi Astra Zeneca từ rất sớm, vào đầu tháng 1 năm nay, nhưng được lệnh phải giữ kín, để “không gây dư luận”. Anh cho biết nhiều gia đình của các quan chức cũng đã được chích đầy đủ.

Có lẽ Hà Nội có một cách tính toán riêng, nên có đến 288.000 liều vaccine được giữ lại trong tình trạng dự phòng bí mật không đưa ra, cho đến khi báo Tuổi Trẻ ngày 16-6 phanh phui, thì Bộ Y tế vội vàng cho biết sẽ phân bổ ngay, nhưng là phân bổ cho miền Bắc.

Và ngay khi Trung Quốc gửi tặng 500.000 liều vaccine Siphopharm, lập tức có lệnh sẽ chuyển cho dân Sài Gòn– dù tỷ lệ phản đối vaccine Trung Quốc theo thăm dò BBC đối với người miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn. Trong các tin nhắn bị tiết lộ, có cả tin về chuyện các nhân viên cấp thấp ở Sài Gòn than thở vì bị bắt buộc phải chích vaccine Trung Quốc.

So sánh Sài Gòn với Bắc Giang, cùng là những nơi chịu dịch nặng nề, nhưng rõ ràng Hà Nội đã chuẩn bị mọi thứ để dập dịch ở phía Bắc, vì sợ ảnh hưởng đến thủ đô. Còn Sài Gòn, chỉ đến tuần trước, hàng chục ngàn công nhân vẫn đang đi làm trong các khu công nghiệp, mới được thử nghiệm dò virus.

“Giờ thì để xem chính quyền còn đổ thừa Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là nguồn lây chính cho Sài Gòn không”, một người dân giấu tên, ở Gò Vấp nói. Đầu tháng 6, báo Thanh Niên cũng công bố có đến sáu nguồn lây nhiễm mới quan trọng. Giám đốc Sở Y tế ở Sài Gòn cũng lấp lửng xác nhận mọi thứ đã bùng phát từ khoảng thời gian ngày 30-4 qua các ngày vui chơi, bầu cử và cả việc tập trung người làm căn cước công dân.

Cách đây hai ngày, giới lãnh đạo ở Thành Hồ phát đi một thông điệp hốt hoảng chưa từng có “Hãy xem người đối diện như một F0”. Tờ Dân Trí ngày 18-6-2021 ghi lại thông báo của Sở Y tế là “Những chuỗi lây nhiễm tại nơi làm việc lại diễn ra khi có sự giao tiếp giữa các đồng nghiệp để trao đổi công việc, sinh hoạt nội bộ, cùng ăn cơm, nói chuyện giờ nghỉ trưa. Những tiếp xúc này vốn là bình thường và cần thiết để duy trì mối liên hệ công việc nhưng giờ đây cũng trở thành yếu tố khiến dịch bệnh lây lan”.

Tức là giống như tình trạng Ấn Độ, theo cảnh báo của giới chức Việt Nam, việc lây nhiễm đã ở giai đoạn tự do, không còn kiểm soát được. Ngay cả khi bị cách ly, cũng có thể tự lây lan cho nhau.

Cách thức của Việt Nam đang áp dụng với việc phòng chống dịch, được xem như hình thức thời chiến. Mệnh lệnh ban ra sẽ được giám sát thi hành mà không cần biết trong lòng xã hội có theo đuổi nổi các hành động duy ý chí của chính quyền hay không. Sáng ngày 20-6 ở Việt Nam, tất cả tài xế xe ôm công nghệ, hàng quán buôn bán nhỏ dù chỉ bán mang đi, đều bị đóng cửa. Không có bảo hiểm, không có hỗ trợ gì khác từ chính quyền, hàng triệu người đang gồng mình chịu đựng, kể cả đói kém, trong cuộc săn đuổi coronavirus không hình không dạng, trên khắp đất nước.

Nhưng trong khi đó, vẫn có hàng triệu công nhân vẫn phải xếp hàng vào các khu lao động để thỏa mãn ý chí “bảo đảm sản xuất và thành công chống dịch” của đảng và nhà nước. Có nghĩa là xã hội sẽ không bao giờ được giãn cách chống dịch thật sự vì vẫn có người phải chấp nhận ra ngoài lao động, làm ra tiền để giao nộp và nuôi chính quyền.

Hóa ra, “nhân dân một cổ hai tròng”- như Hồ Chí Minh, lãnh đạo đảng cộng sản từng nói thời thuộc Pháp. Dịch đã vật người dân một tròng, nay chính quyền lại vật người dân thêm một tròng đắng cay nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: