Tôi chỉ gặp Đỗ Nam Trung đúng hai lần. Lần đầu tiên vào ngày 28 Tháng Mười Một 2015 tại lễ đính hôn của tôi ở Hải Phòng. Lần thứ hai sau đó ít hôm, khi tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội để chào tạm biệt một số anh chị em trước khi vào Sài Gòn sinh sống. Ít gặp mặt, song tôi thật sự ấn tượng bởi phong cách có phần hơi “bụi bặm” nhưng cởi mở, thân thiện của Đỗ Nam Trung.
Lễ đính hôn của chúng tôi ở Hải Phòng có nhiều người đến dự, nhưng cũng nhiều người bị công an ngăn chặn. Vì khách mời hầu hết là những người chung chí hướng nên biết nhau cả, thành ra chẳng còn phân biệt đâu là bạn cô dâu, đâu là bạn chú rể, cũng không còn ranh giới giữa “nhà trai”, nhà gái”. Hôm ấy, Đỗ Nam Trung đi chung chuyến xe với chú rể và các anh chị em khác từ Hà Nội xuống.
Vừa gặp, Trung đã tiến đến, ôm chầm lấy tôi:
– May quá! May mà em ra tù kịp để được đi đám cưới chị. Chứ chị mà cưới sớm tí nữa là không có mặt thằng em này đâu đấy nhé.
Ngày ấy, Đỗ Nam Trung vừa ra tù được hơn hai tháng. Sự kiện Tàu cộng đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Việt Nam Tháng Năm 2014 đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trên cả nước. Các cuộc biểu tình chống Tàu nổ ra ở khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Bình Dương, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, đến Đồng Nai…
Lẽ ra, nhà cầm quyền phải coi các cuộc biểu tình là một dấu hiệu đáng mừng vì nó thể hiện trách nhiệm với đất nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc của người dân trước sự xâm lược của ngoại bang. Thay vì chọn lựa đứng về phía nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, giới chóp bu cầm quyền tuy ngoài miệng vẫn phản đối Tàu cộng, nhưng lại ra tay đàn áp các cuộc biểu tình và bắt bớ những công dân yêu nước hòng lấy lòng “bạn vàng”. Trong số những người bị bắt có Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung. Cả ba bị bắt khi đang đưa tin về phong trào biểu tình chống Tàu của công nhân Đồng Nai ngày 15 Tháng Năm 2014. Ngày 12 Tháng Hai 2015, tòa án sơ thẩm Đồng Nai kết án Phạm Minh Vũ, Đỗ Nam Trung và Lê Thị Phương Anh, lần lượt 18 tháng, 14 tháng và 12 tháng tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”, theo điều 258- BLHS năm 1999.
Ra tù, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ vẫn tiếp tục theo đuổi hoài bão, góp công sức dù nhỏ bé vào công cuộc đổi thay đất nước. Có lẽ cần quay ngược thời gian để có câu trả lời xem vì sao Đỗ Nam Trung từ một thanh niên sinh ra và lớn lên tại miền Bắc sau 1975, giống như các bạn cùng lứa khác, trong đó có người từng thần tượng ông Hồ, tin vào Đảng Cộng sản hoặc thờ ơ chuyện xã hội, lại dấn thân đi theo con đường đầy chông gai để rồi chịu cảnh tù đày?
Đỗ Nam Trung sinh ngày 25 Tháng Mười Một 1981 tại Nam Định trong gia đình có hai anh em, Trung là anh cả. Nhà nghèo nên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Đỗ Nam Trung không thi đại học mà xin đi học lái xe. Cuộc sống ở Nam Định khó khăn nên năm 2003, Trung ra Hà Nội tìm việc. Trước khi trở thành tài xế lái xe khách chạy tuyến Bắc-Nam cho công ty Hoàng Long vào năm 2006, Trung đã trải qua nhiều công việc vất vả như chạy xe ôm, nhân viên phục vụ nhà hàng…
Công việc đang thuận lợi thì biến cố ập đến. Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ chưa cưới của Đỗ Nam Trung kể lại, đầu năm 2010, khi đang trên đường chở khách từ Hà Nội vào Bình Thuận thì có một người đàn ông lao vào đầu xe của Trung khiến tử vong. Tìm hiểu thì biết rằng người đàn ông đó ngoại tình, bị gia đình phát hiện. Cuộc sống bế tắc, chán đời nên anh ta tự tử. Sau khi sự việc xảy ra, Đỗ Nam Trung bị tạm giữ tại công an tỉnh Bình Thuận. Thân nhân người đàn ông nọ yêu cầu Trung bồi thường 70 triệu đồng và họ bảo đảm không kiện cáo gì; hai bên tự thỏa thuận và giải quyết nội bộ với nhau. Tuy nhiên, công an Bình Thuận vẫn ra quyết định khởi tố mặc dù phía gia đình người đàn ông kia đã xin cho Trung. Ngày 13 Tháng Một 2011, Đỗ Nam Trung bị kết án chín tháng tù với tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Chính những ngày tháng trong tù đã khiến Đỗ Nam Trung nhận thức được sự thực đang diễn ra trên đất nước này. Nó không phải “thời đại rực rỡ” như những gì người ta rêu rao, mà tối tăm như những phận đời anh gặp trong chốn lao tù. Nó bẩn thỉu và nhơ nhớp như những tờ giấy bạc mà bọn quan tòa, công an, cai ngục bóc lột của bao nhiêu con người khốn khổ bất kể có tội hay vô tội sau khi đã tống họ vào tù.
Mãn án, Trung bắt đầu tham gia hoạt động xã hội. Từ biểu tình chống Trung cộng, bảo vệ môi trường đến tham gia các buổi tưởng niệm những người lính đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền đất nước. Trung chưa bao giờ nhận mình là một blogger hay người bảo vệ nhân quyền. Anh tham gia hoạt động xã hội một cách tự nhiên, cũng bằng phong cách bụi bặm, dân dã, nhiệt thành như con người anh vốn vậy. Không có những bài phân tích chính trị hoặc lý luận đao to búa lớn, nhưng bằng sự quả cảm, xông xáo, nhanh nhẹn, Đỗ Nam Trung thực sự mang vóc dáng của “phóng viên đường phố” nổi bật, một trong những nhân tố quan trọng và cần thiết hàng đầu của mỗi phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở các quốc gia độc tài.
Có thể nói, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2018 (gián đoạn từ Tháng Năm 2014 đến Tháng Bảy 2015 vì đi tù), Đỗ Nam Trung là một trong những người để lại nhiều dấu ấn nhất trong các cuộc xuống đường tại Hà Nội. Dù công an đàn áp khốc liệt đến mấy, anh cũng bằng mọi cách đưa được thông tin, hình ảnh từ hiện trường ra công luận. Không ít lần Trung bị bắt, bị đánh đập khi đang biểu tình, đi “đòi người” hay tham gia các buổi tưởng niệm.
Ngoài những cuộc biểu tình chống Tàu cộng, Trung cũng có mặt ở hầu hết hoạt động đường phố, từ tuần hành bảo vệ cây xanh, phản đối Formosa xả thải, bảo vệ môi trường đến chống các trạm thu phí bất hợp lý mà công luận gọi là BOT “bẩn”. Tháng Mười 2019, Đỗ Nam Trung được tổ chức Frontline Defenders (có trụ sở tại Ireland) mời sang tham dự Hội nghị về Nhân quyền. Hội nghị có sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia. Tại diễn đàn này, Đỗ Nam Trung đã trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam và vận động cho hai tù nhân lương tâm Hà Văn Nam và Trần Thị Nga.
Khoảng một năm trước khi bị bắt, Đỗ Nam Trung tâm sự với một số bạn bè rằng tạm thời anh sẽ hạn chế các hoạt động tranh đấu và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tuy vậy, khi bạn bè cần, Trung vẫn hỗ trợ. Anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao hay đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Ngày 6 Tháng Bảy 2021, Đỗ Nam Trung lại bị công an tỉnh Nam Định đến tận Hà Nội bắt khi đang trên đường đi làm. Thế có nghĩa là, cho dù có chọn lựa một cuộc bình thường, không chống đối chống cộng gì sất, Đỗ Nam Trung vẫn là phần tử nguy hiểm cho chế độ, theo quan điểm của nhà cầm quyền. Trung phải bị bắt, và phải bị ghép đúng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì mới được!
Ngày 16 Tháng Mười Hai 2021, sau hơn năm tháng tạm giam, Đỗ Nam Trung bị đưa ra tòa và bị kết án 10 năm tù, bốn năm quản chế, trước sự ngỡ ngàng và phẫn nộ của bạn bè cũng như những người yêu mến anh. Chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ, nhà cầm quyền đã xử tù bốn công dân với tổng cộng 35 năm tù giam, 12 năm quản chế – lần lượt gồm Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung. Đó là chưa kể bản án 10 năm tù giam, ba năm quản chế mà tòa án Thành Hồ đã tuyên với ông Vũ Tiến Chi trong một phiên xử chóng vánh diễn ra ngày 17 Tháng Mười Hai 2021.
Chỉ vài hôm nữa, vào dịp lễ Giáng sinh, nhà cầm quyền tiếp tục đưa hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư ra phiên tòa phúc thẩm. Có lẽ, bản án tám năm tù giam đã tuyên trong phiên tòa sơ thẩm sẽ được giữ nguyên, vì mẹ con bà Thêu vốn nổi tiếng can trường, không bao giờ khuất phục trước bạo quyền. Tội gì còn tha được, tội “cứng đầu” là phải xử thật nặng. Ngày 31 Tháng Mười Hai, người đối kháng cuối cùng sẽ bị đưa ra tòa là nhà báo tự do Lê Trọng Hùng. Chỉ cần nhìn các diễn biến trong Tháng Mười Hai 2021, có thể thấy rõ tương lai ảm đạm của Việt Nam trong năm tới mà thành phần lãnh nhận nhiều rủi ro, nhiều tai họa nhất vẫn là những người dám mở miệng.
Sau khi nghe tin Trung bị tuyên án 10 năm tù, tôi nhắn tin cho Tuyết, vợ chưa cưới của Trung. Cũng lại là những an ủi suông thôi, chẳng giúp gì được. Tuyết bảo: “Em sẽ chờ đợi Trung. Khi nào đám cưới, tụi em sẽ mời chị. Anh Trung đáng được yêu thương và chờ đợi, chị ạ”.
Tôi không định khóc, thế mà nước mắt vẫn ứa ra. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó những cuộc đợi chờ. Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, con ngóng cha, đôi lứa đợi chờ nhau… Những cuộc đợi chờ mòn mỏi, đằng đẵng, thậm chí vô vọng. Tuy không dám nghĩ quẩn nhưng những cái tên Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, Đào Quang Thực và mới đây nhất là Huỳnh Hữu Đạt, vẫn ám ảnh tôi. Họ là những người ra đi không có ngày về, mãi mãi lỗi hẹn với người thân. Nhưng với Đỗ Nam Trung, tôi có dự cảm thật tốt lành rằng anh sẽ trở về, bình an và mạnh khỏe. Rồi Trung và Tuyết sẽ làm đám cưới, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi đến khi đầu bạc răng long.
Những ngày cuối năm này, xin thành tâm cầu nguyện cho tất cả những tù nhân lương tâm, cho những người đang chịu sự bách hại vì lẽ công bằng, được bình an và mạnh khỏe cho đến tận ngày về.
Sài Gòn, 21 Tháng Mười Hai 2021
(Bài viết có sử dụng một số chi tiết do gia đình anh Đỗ Nam Trung cung cấp)