Sau 10 ngày kể từ lúc xảy ra vụ bạo loạn ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur khiến sáu công an, hai viên chức xã và hai thường dân tử thương, căn cứ tin tức mà phía Bộ Công an Việt Nam thông cáo báo chí, hình ảnh chứng cứ và những nghi can bị bắt giữ mà phía Bộ Công an (BCA) đưa lên truyền thông, so sánh với các clip đăng trên MXH trong suốt thời gian qua, tôi xin đưa ra một số nghi vấn, giả thiết theo logic diễn biến, đặt câu hỏi về những điểm mà BCA cần làm rõ để công luận được biết.
Các thông cáo báo chí của BCA Việt Nam
Ngay sau khi xảy ra vụ bạo loạn, sáng ngày 11 Tháng Sáu 2023, một số báo chí trong nước đã dựa trên báo cáo của công an tỉnh Dak lak, đăng tải về diễn biến vụ việc, như tờ VnExpress như sau:
Khoảng 40 người bịt mặt, cầm vũ khí bất ngờ tấn công trụ sở hai xã Ea ktur và Ea Tiêu khiến 6 cán bộ hy sinh, một người tử vong và nhiều người bị thương.
Bộ Công an dẫn báo cáo của công an tỉnh Dak Lak cho biết 0h35 phút ngày 11 tháng Sáu khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy đến trụ sở UBND và công an xã Ea Tiêu. Sau khi sát hại 2 cán bộ công an, sau đó chúng ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn xe bán tải và bắn chết tài xế (để cướp xe?).
Cùng lúc, một nhóm khoảng 30 người đi 2 xe Jeep, xe máy tấn công trụ sở UBND và công an xã xã Ea Ktur, chúng dùng súng, dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại úy 35 tuổi, hai thượng úy 21 và 29 tuổi. Gây án xong chúng ra đường bắn một chủ tịch xã, một bí thư và một thanh niên. Ban đầu ghi nhận 7 người tử vong, 3 người bị thương. Bộ Công an đã huy động nhiều lực lượng trong đó có binh đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên, kết hợp cùng Công an và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đak Lak truy bắt các hung thủ và kiểm soát nhiều tuyến đường qua lại.
Thông tin này sau đó đã được rút xuống. Bộ Công an kể từ đó kiểm soát thông tin chặt chẽ và chỉ thông cáo báo chí thông qua văn phòng BCA. Người duy nhất được phát ngôn là Trung tướng Tô Ân Xô. Báo chí không được tiếp cận thông tin thêm về vụ bạo loạn này. Tuy vậy, dựa vào báo cáo ban đầu của Công an Đak Lak (cũng là thông tin nguồn quan trọng nhất ngay từ lúc đầu) thì có thể thấy mấy điểm sau:
Số lượng người tham gia cuộc bạo loạn khá lớn (khoảng 40 người), được trang bị vũ khí và phương tiện đầy đủ (súng, dao, xe máy, 2 xe Jeep, trang phục…), phối hợp đồng loạt.
Thời gian lựa chọn lúc gây ra bạo loạn là thời điểm khi cán bộ công an và UBND xã tụ tập để xem bóng đá cup C1 và vào lúc nửa đêm. Nhóm bạo loạn hành động bất ngờ, ra tay nhanh chóng, chuyên nghiệp gây ra ít nhất 10 thương vong trong đó đa số nạn nhân tử thương là công an tại trụ sở. Hình ảnh rò rỉ tại hiện trường cho thấy các nạn nhân bị bắn chết không kịp bất cứ hành động chống trả hay chạy trốn, xác chết nằm la liệt trong trạng thái mặc đồ lót quần đùi áo cộc, trong tay không có vũ khí.
Đây không thể là một vụ bạo loạn bộc phát. Nhóm người tham gia bạo loạn có nghiệp vụ, trang bị tốt, chọn thời điểm bất ngờ và phù hợp để có thể gây tối đa thương vong. Địa điểm hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur cũng là một địa danh “nổi tiếng”, từng là trung tâm của phong trào “nhà nước Dega” năm 1999. Như vậy, nếu mục đích là để “gây tiếng vang” – như lời khai của các “đối tượng” bị bắt sau đó, thì rõ ràng họ đã đạt được.
Sau khi gây án, nhóm người này đã tẩu thoát đi đâu và bằng phương tiện nào? Như trong báo cáo của công an Dak Lak nói rõ, nhóm tấn công vào Ea Tiêu sau khi gây án đã đi ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, cách đó khoảng 500 m, chặn một chiếc xe bán tải, bắn chết tài xế và cướp xe. Còn nhóm tấn công vào UBND xã Ktur có số lượng lớn hơn (khoảng 30 người) thì được trang bị xe máy và hai xe Jeep.
Như vậy, với các phương tiện này, họ có thể tẩu thoát nhanh chóng khỏi hiện trường. Trong vòng khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ, họ hoàn toàn có thể di chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh. Không rõ, tốc độ phản ứng của công an địa phương, Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên và các lực lượng vũ trang của Dak Lak như thế nào. Bao lâu sau thì họ mới được triển khai, để có thể kiểm soát các tuyến giao thông và truy bắt nhóm bạo loạn trên? Không thấy trong báo cáo của công an Dak Lak và BCA đề cập.
Nếu nhóm đối tượng trên sử dụng phương tiện là ba xe ô tô và xe gắn máy di chuyển theo quốc lộ 27, thì nhiều khả năng, họ sẽ di chuyển sang địa phận Dak Nong. Tuyến đường họ di chuyển, tẩu thoát, theo suy đoán của tôi, sẽ theo quốc lộ 27, rẽ vào khu bảo tồn Nam Kar, Nam Nong. Họ không thể di chuyển trên đường quốc lộ quá xa vì sẽ bị chặn bắt và để lại dấu vết, hình ảnh bởi các camera dọc đường, các trạm kiểm soát hay thu phí (thời điểm tấn công ban đêm đã hạn chế việc ghi lại hình ảnh trên đường).
Trong bán kính di chuyển khoảng 2, 3 tiếng bằng xe cơ giới thì các khu bảo tồn ở Dak Nong là khu vực ẩn trú tốt nhất. Các tuyến đường độc đạo trên Tây Nguyên rất dễ bị phong tỏa bởi các lực lượng quân đội. Cho nên, nhóm người này phải có an toàn khu cho kế hoạch đào thoát không xa nơi họ gây ra vụ tấn công.
Theo logic thông thường, sau khi tổ chức hai cuộc tấn công đồng loạt, gây thương vong lớn cho lực lượng công an và giới chức địa phương, nhóm bạo loạn được vũ trang và phương tiện chuyên nghiệp này sẽ không có chuyện “trốn chạy tứ tán” hay về nhà… ngủ để bị bắt dễ dàng. Họ có kế hoạch tấn công thì phải có kế hoạch đào thoát.
Cũng như với vũ khí được trang bị, họ hoàn toàn có thể phản kháng trước các lực lượng truy bắt. Thật ngạc nhiên chỉ sau ba ngày, hơn 45 người được cho là nghi can của vụ bạo loạn đã bị bắt dễ dàng và không có bất cứ sự phản kháng nào. Những đối tượng bị bắt hầu hết trong trạng thái đơn lẻ, không có vũ khí, thậm chí đang di chuyển bình thường trên đường, bị quây bắt, đánh đập rất dã man mà không hề chống cự. Những người bị bắt hoàn toàn không có biểu hiệu giống như những người có khả năng gây ra vụ bạo loạn trên.
Cho tới ngày 20 Tháng Sáu 2023, theo thông báo của BCA, nhà chức trách cộng sản Việt Nam đã “bắt được hết kẻ chủ mưu” với hơn 74 đối tượng nghi can. Nhưng số vũ khí tịch thu được và trưng ra cho truyền thông lại thô sơ đến khó tin. Vài khẩu súng tự chế, duy nhất một khẩu súng quân dụng CKC hư cũ, không rõ có thể hoạt động bình thường được hay không, một mớ dao rựa rỉ sét. Những thứ đó, không thể nào trang bị cho 40 người tấn công và gây thiệt hại lớn về nhân mạng cho hai đồn công an được vũ trang đầy đủ. Ngoài ra, các phương tiện như hai chiếc xe Jeep, một chiếc xe bán tải bị cướp không thấy nói tới?
Về clip “đạo quân Dega”
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, một video clip cùng hình ảnh trích xuất từ clip đăng trên MXH cho thấy một nhóm người với đầy đủ trang bị vũ khí, quân phục, cờ hiệu của lực lượng Dega tụ tập ở một nơi giống như một nhà kho, người lãnh đạo nói rõ mục đích đòi lại đất đai. Kiểu cách ăn nói rõ ràng. Trong clip này, khoảng hơn 20 tay súng, được trang bị AR15, AK47 và cả súng trường bắn tỉa gắn ống ngắm, dao dài kiểu đi rừng. Họ không bịt mặt và theo yêu cầu người cầm máy quay, họ công khai ghi hình. Người cầm máy quay có lúc nói tiếng Kinh. Clip này được tung lên mạng chỉ vài tiếng sau vụ bạo loạn xảy ra và nhanh chóng tràn lan trên MXH.
So sánh hình ảnh những “nghi can” bị bắt trong 10 ngày qua mà BCA đưa hình ảnh lên truyền thông, tôi đã kiểm tra kỹ không có ai có kiểu hình nằm trong số hơn 20 tay súng mặc quân phục và cờ hiệu Dega xuất hiện ở clip đăng tải trên MXH. Những “nghi can” bị công an Việt Nam bắt giữ đều là người dân tộc có gương mặt khắc khổ, hiền lành tới khờ khạo, vẻ lam lũ của những người lao động thuần chất, kiểu hình đặc trưng, sống mũi thấp, da đen sẫm.
Còn những người trong clip mặc quân phục và cầm súng, tôi để ý gương mặt phần lớn có sống mũi cao, da ngăm, phần lớn cao lớn…, trông không giống người dân tộc cho lắm. Nhiều người trong số đó khá cao tuổi. Vũ khí của nhóm người trong clip đa dạng, khá hiện đại, còn mới. Với trang bị tương đương một trung đội vũ trang đầy đủ, họ hoàn toàn có khả năng tấn công áp đảo và gây thương vong lớn cho hai đồn công an như đã xảy ra.
Rõ ràng, nhóm người xuất hiện trong clip với những người dân tộc đang bị quây bắt như bắt nô lệ, bị hành hung dã man trong những ngày qua là khác nhau. Việc tung hình ảnh, clip “đạo quân Dega” lên mạng xã hội là chủ động với mục đích khuếch trương thanh thế và rất có thể họ mới chính là nhóm người thực sự gây án nhưng đã ở khu vực an toàn. Không có chuyện những người dân tộc sau khi đi gây án, mang theo đầy đủ vật chứng, có chứa hình ảnh đầy đủ “đồng bọn”, để rồi sau đó bị bắt tóm dễ dàng. Vấn đề ở đây là nhóm người vũ trang có cờ hiệu quân đội Dega là ai? Họ có phải là dân tộc hay “quân đội Dega” thực sự không thì phải điều tra và có căn cứ.
Theo hiểu biết của tôi thì Tây Nguyên sau năm 2000, số lượng lính đồn trú gồm cả bộ đội, cảnh sát cơ động chống bạo động, tình báo quân đội, mật vụ, đặc tình cài cắm khắp hang cùng ngõ hẽm, từng buôn làng Tây Nguyên với số lượng còn đông hơn cả người bản địa. Họ nắm rất vững địa bàn, thuộc từng đối tượng có khả năng ảnh hưởng trong cộng đồng. Việc kiểm soát vũ khí trên Tây Nguyên thì lại càng chặt chẽ hơn. Sau hàng chục đợt thu giữ, động viên đồng bào nộp vũ khí lấy tiền gạo…thì không thể có một lượng lớn vũ khí quân dụng hiện đại để trang bị cho một nhóm đông như vậy nếu không có “yếu tố nước ngoài”.
Nhưng khả năng đưa người và vũ khí từ Campuchia sang dường như không khả thi. Bởi Việt Nam có một mạng lưới tình báo quân đội dày đặc ở Campuchia, Lào và cả Thái Lan. Mạng lưới này có thể dễ dàng phát hiện các âm mưu xâm nhập, tấn công vũ trang như vậy. Vụ tấn công vào hai đồn công an ở Ea Tiêu và Ea Ktur đã diễn ra rất bất ngờ, gây thương vong lớn. Đó thực sự là một cú sốc với BCA và toàn bộ hệ thống an ninh Việt Nam. Nó cho thấy một điều là Tây Nguyên hoàn toàn không yên ổn như trong báo cáo của BCA mới đây. Vậy thì, lực lượng nào đủ sức tổ chức, vũ trang và tấn công như vậy?
Suy đoán và thông tin gây nhiễu trên MXH
Trong thời gian qua, tôi thấy có những tin tức và suy đoán thiếu căn cứ, qui chụp và thậm chí “giựt tít, câu like” của một số Facebooker nổi tiếng, nói rằng vụ tấn công này do chính BCA Việt Nam đứng ra dàn dựng với mục đích tạo ra sức ép với hệ thống chính trị, nhấn mạnh vấn đề “an ninh quốc gia” để đòi tăng thêm ngân sách lẫn nhân sự cho BCA như theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài. Tôi cho đó là một giả thiết rất thiếu căn cứ.
Bởi lẽ, để xảy ra một vụ bạo loạn có tổ chức và gây thương vong lớn như thế thì BCA sẽ bị ảnh hưởng uy tín đầu tiên. Tiêu tốn tới 4 tỷ Mỹ kim hàng năm cho bộ máy an ninh khổng lồ, và Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên được coi là đơn vị tinh nhuệ chủ lực trong việc “chống bạo động” nằm trên địa bàn, mà để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vừa qua, không hề có biện pháp ngăn chặn kịp thời, cho thấy năng lực yếu kém của BCA Việt Nam như thế nào.
Nên nhớ là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là hai thế lực cạnh tranh nhau sát ván để tranh đoạt quyền lợi phe nhóm và hiện là hai thế lực mạnh nhất trên chính trường Việt Nam. Trước thời ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ Quốc phòng là bộ lấn lướt hơn cả. Nhưng kể từ khi ông Tổng bí thư nắm luôn cả chiếc ghế bí thư đảng bộ Bộ Công an, dựa vào Tô Lâm để “đốt lò” và triệt hạ phe phái thì BCA mở rộng ảnh hưởng, lấn lướt quyền lực Bộ Quốc phòng. Có thể nói, hai thanh kiếm này có mâu thuẫn không nhỏ. Vụ bạo loạn vừa qua sẽ cho Bộ Quốc phòng một cái cớ để có dịp công kích năng lực của Bộ Công an.
Tuy vậy, nếu có giả thiết Bộ Quốc phòng đứng sau vụ bạo loạn vừa qua cũng hoàn toàn bất khả. Bởi lẽ, cả hai Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều rất “thuộc bài” của nhau và đủ năng lực để bóc mẽ nhau. Nên họ không bao giờ làm chuyện “ném bùn mà không sợ bẩn tay”. Vậy lực lượng nào đứng sau vụ bạo loạn vừa xảy ra? Hãy nhìn lên bản đồ Tây Nguyên.
Như lập luận ở trên, hai vụ tấn công liên tiếp vào trụ sở UBND và đồn công an của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (cách nhau khoảng 3,5 km) bởi một lực lượng vũ trang đầy đủ, chuyên nghiệp, có phương tiện di chuyển là hai xe Jeep và một xe bán tải cướp được cùng một số xe máy. Đây là cuộc tấn công có sự chuẩn bị chu đáo và bài bản, hoàn toàn không có chuyện bộc phát như Người Buôn Gió giả thuyết. Nhưng cũng không thể có khả năng do chính BCA hậu thuẫn để gây sức ép với bộ máy chính trị trước áp lực phải giảm quân số vì gánh nặng ngân sách quá mức như luật sư Nguyễn Văn Đài lập luận.
Theo suy đoán của tôi, nhóm vũ trang này sau khi gây án đã nhanh chóng di chuyển khỏi địa bàn tỉnh Dak Lak theo hướng quốc lộ 27 và sang địa bàn tỉnh Dak Nong nơi có địa thế phù hợp cho việc lẩn trốn ở các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng rậm. Phương tiện cơ giới cho phép họ di chuyển trong vòng bán kính dưới 200 km trước khi bị các lực lượng vũ trang như quân đội phong tỏa các tuyến đường quốc lộ. Họ không thể đi theo quốc lộ 27 lên thành phố Buôn Mê Thuột được vì sẽ bị chặn bắt ngay hoặc để lại quá nhiều dấu vết và hình ảnh.
Nhìn trên bản đồ, khu vực Dak Nong và hai khu bảo tồn Nam Kar và Nam Nung là địa bàn phù hợp cho nhóm vũ trang lẩn trốn. Có một điểm cần lưu ý là khu vực Nam Nung rất gần với khu vực tổ hợp công nghiệp Nhân Cơ. Từ khu vực xảy ra bạo động Ea Ktur và Ea Tiêu chỉ cách khu vực này ba giờ xe chạy. Đó là khoảng thời gian tối đa mà nhóm vũ trang có thể di chuyển trên đường tỉnh lộ.
Cần phải nói về khu vực Dak Nong một chút. Sau năm 2007, Hà Nội đã cho phép nhà thầu Trung Quốc Chalieco thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế – mua thiết bị – xây dựng – đào tạo (EPC) triển khai xây dựng tổ hợp khai thác và luyện kim, tinh chế nhóm khổng lồ ở đây. Dự án này gây ra một lo ngại rất lớn về an ninh quốc phòng khi hàng vạn lao động Trung Quốc đã nhập cư vào tỉnh Dak Nong và tập trung ở khu vực Nhân Cơ. Khu vực công nhân Trung Quốc ở, người Việt và kể cả công an địa phương không được tiếp cận. Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã ở và làm việc tại tỉnh Dak Nong, rất nhiều trong số đó đã lấy vợ Việt, sinh con đẻ cái tại đây, hình thành những “China Town” trên Tây Nguyên hơn một thập niên qua.
Trước khi dự án được triển khai, không ít trí thức, nhân sĩ, tướng lĩnh quân đội trong đó có ông Võ Nguyên Giáp lúc đó đã gửi thư kiến nghị Bộ Chính trị Việt Nam dừng dự án này lại. Dự án không chỉ có thể gây ra rủi ro về an ninh quốc phòng và cả rủi ro về sinh thái, môi trường.
Tuy vậy, Bộ Chính trị dưới trào ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng và ông Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội đã phớt lờ mọi cảnh báo, và toàn bộ hệ thống chính trị đã quyết tâm thực hiện dự án này. Dự án này sau đó thua lỗ và còn làm nguy hại môi trường, cũng như tạo ra các bất cập về an ninh xã hội, xung đột lợi ích với người bản địa.
Bằng phương pháp suy luận trên thực tế, hình ảnh hiện trường, các báo cáo và dữ liệu ban đầu phía công an Dak lak cung cấp, bản đồ và đặc thù địa hình… cũng như loại trừ các giả thuyết không có căn cứ, chúng ta có thể thấy giả thuyết về nhóm vũ trang được huấn luyện và trang bị “có yếu tố nước ngoài” hậu thuẫn có khả năng tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ và gây thương vong lớn ngay tại địa bàn được bảo vệ nghiêm ngặt về an ninh quốc phòng – từng là thủ phủ của “quân đội Dega” thì chỉ có thể có một khả năng mà thôi.
Đó có thể là bàn tay lông lá của anh bạn “Bốn Tốt” với một căn cứ rất vững chắc, một đội quân thường trực lên tới hàng vạn người dưới vỏ bọc công nhân đã sinh sống, nắm địa bàn, thông thổ đường đi và cũng như nắm rõ năng lực và hoạt động của các lực lượng vũ trang, bộ đội của Việt Nam tại địa phương.
Thời điểm xảy ra vụ bạo động đẫm máu này trùng khớp với những biến động ngoài biển Đông. Những đoàn tàu vũ trang, tàu kiểm ngư, hộ tống hạm, khinh hạm, tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã ra vào, tung hoành tùy nghi trên khu vực biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đe dọa các giàn khoan của liên doanh dầu khí Vietsovpetro, thậm chí vào sát bờ biển Khánh Hòa, sát với quân cảng Cam Ranh trước sự im lặng của Hà Nội. Bằng sự kiện này, con ngựa gỗ thành Troy có tên Nhân Cơ – Tân Rai đã chính thức phát huy vai trò là một căn cứ viễn chinh của PLA ngay trên mái nhà Đông Dương.
Nếu giả thuyết này đúng, phải chăng Trung Quốc đang đánh phá và kích động bất ổn chính trị ngay trong lòng Việt Nam, để vừa tạo ra một cuộc hỗn loạn nội bộ chính trị vừa là phép thử về khả năng ứng phó của lực lượng an ninh quốc phòng Việt Nam? Đây có phải là cái giá phải trả cho việc rước voi về dày mả tổ phiên bản hiện đại dưới sự cai trị quốc gia của chính quyền cộng sản Việt Nam, khi họ mở cửa toang hoác để Trung Quốc “định cư” hợp pháp trên lãnh thổ ngàn đời của dân tộc Việt Nam?
Bất luận việc Trung Quốc có phải là kẻ chủ mưu giật dây những người thiểu số ngây thơ, dựa vào thực tế đất đai của họ bị chính quyền cộng sản Việt Nam cướp đoạt, trong sự kiện cực kỳ nghiêm trọng này hay không, (thì) vẫn còn rất nhiều câu hỏi đang ẩn trong bóng tối, còn nhiều bóng ma thật sự đang nấp sâu trong rừng, còn nhiều bàn tay mờ ám đang giấu sau màn đêm, mà có thể chẳng bao giờ mọi việc có thể được phanh phui để đem lại sự thật cuối cùng.
Dù thế nào, Bộ Công an cộng sản Việt Nam hãy dừng ngay việc truy bắt, đàn áp người Thượng một cách vô căn cứ chỉ để xí xóa sự yếu kém của hệ thống an ninh. Máu của người Thượng và cuộc sống của họ không phải là thứ để cho nhà cầm quyền làm vật hy sinh. Kẻ thù đe dọa “an ninh quốc gia” không thể là những đồng bào tay không tấc sắt, hiền lành và chỉ mong muốn một cuộc sống no ấm. Hãy dừng bàn tay độc ác đã nhuốm quá nhiều máu người dân lại trước khi quá muộn.