Ngôn ngữ cũng như con người có sinh có tử. Có những chữ mới được sinh ra theo thời, có những chữ mãi mãi chỉ còn trong ký ức vì thời thế thay đổi. Giai đoạn sau 1975 đã sinh ra những con chữ, khái niệm, thậm chí là thành ngữ mà bây giờ chỉ còn nằm trong ký ức của những thế hệ 7X đổ về trước.
Giữa cuộc sống xô bồ hối hả của thời đại ngày nay đã cuốn đi những ký ức chứa đựng không chỉ tình thương mà còn đong đầy những con chữ, khái niệm, thành ngữ của những năm sau 1975.
Thời đại công nghệ số, viễn thông, internet ra đời, nhiều từ ngữ, khái niệm mới cũng góp phần “ra tay” đè bẹp, dìm các câu chữ của ngày xưa ấy, ngày của những năm cả miền Nam đều thiếu ăn thiếu mặc.
Người ta hiếm có khoảng lặng để ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm cũ. May chăng là những dịp tình cờ gặp gỡ người xưa trong phút chốc, và tình cờ nhắc lại ngày tháng xa xôi với những tình huống cười ra nước mắt mà trong đó có những câu chữ của thời ấy theo dòng thời gian. Dòng ký ức bắt đầu từ khi “bộ đội” vào Sài Gòn.
Người ta kháo với nhau rằng khi “bộ đội” từ trong rừng tràn về Sài Gòn hồi Tháng Tư 1975 đã mang theo vi khuẩn, mầm mống gây bệnh ghẻ trong bộ đồ dính đầy bụi bặm và trong cơ thể thiếu nước vì trốn lâu ngày trong rừng của họ. Họ là nguồn lây lan bệnh ghẻ. Thời đó, ghẻ là căn bệnh tràn lan ở miền Nam, nhất là những đứa trẻ được sinh ra trong thập niên 70. Từ đó mọi người có nhu cầu sử dụng xà bông để diệt ghẻ.
Vì thời đó thuốc men khan hiếm, nên xà bông 72 phần dầu có in chữ “72%” trên bề mặt cục xà bông màu vàng nâu trở thành nhu yếu phẩm, được cấp phát theo phiếu ở cửa hàng hợp tác xã.
Ở miền Nam, người ta không gọi là cửa hàng mậu dịch như “miền Bắc XHCN” mà gọi là cửa hàng hợp tác xã. Nơi đây, nhà nước cộng sản cung cấp các loại hàng nhu yếu phẩm có giới hạn như là gạo cũ theo sổ mua gạo, và các nhu yếu phẩm khác theo phiếu như là nước mắm tĩn trong cái tĩn bằng sành phết vôi trắng; dầu hôi để đốt đèn dầu; vải tám với chất liệu sợi thô, mau bị mục rách; muối hột luôn lẫn với cát.
Thời ấy một món nhu yếu phẩm thường có nhiều công dụng. Người ta làm gì có kem đánh răng để xài nên muối hột không chỉ để nêm mà còn dùng để vệ sinh răng miệng.
Còn với vải tám, khi quần áo may bằng loại vải này đã rách thì người ta xé một miếng nhỏ dài một gang tay, bề ngang chừng một lóng tay rồi se nhỏ lại làm tim đèn. Không hiểu sao chỉ có loại vải này mới làm tim đèn được vì các loại khác dùng làm tim đèn thì sẽ bị chảy nhựa.
Mỗi lần đi mua nhu yếu phẩm ở cửa hàng hợp tác xã thì người trong gia đình thường đi bộ xếp hàng từ sáng sớm vì cửa hàng hợp tác xã thường cũng gần nhà. Còn chiếc xe đạp thì dành cho thành viên trong gia đình đi xa để kiếm ăn.
Kiếm ăn thì được hiểu từ nghĩa bóng đến nghĩa đen, tức là người đó sẽ dùng xe đạp đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền mà cũng có thể chở thêm một đứa trẻ giả vờ đi thăm họ hàng vào giờ ăn để ăn chực. Khi hai thành viên đi ăn chực thì cả nhà bớt được hai phần ăn trong một bữa ăn của ngày hôm đó.
Mà đâu phải chiếc xe đạp nào cũng ngon lành, thời ấy, những chiếc xe đạp hay bị trật con chó. Bên trong líp xe đạp có một bộ phận nhỏ được làm bằng kim loại áp vào bánh răng để tạo lực truyền động. Bộ phận này thời đó gọi là “con chó”.
Khi bánh răng quá mòn mà người ta không có tiền thay thì “con chó” sẽ không còn khít với các răng nữa nên khi người ta đạp thì vòng líp tuột luốt hay còn gọi là trật con chó. Ngày nay người ta không gọi bộ phận đó là “con chó” mà gọi nó là cái lẫy.
Trong lúc các thành viên khác đi đâu thì đi, ai ở nhà thì có gì ăn nấy, có khi nhà nghèo đông con thì không có gì để ăn. Đa số người miền Nam lúc ấy phải ăn cơm độn. Cơm độn tức là cơm nấu bằng gạo cũ độn với củ lang, củ mì cho nhiều để mọi người được no và ít tốn gạo.
Nhà nào may mắn lắm thì được ăn cơm nấu bằng gạo cũ. Đó là loại gạo chỉ cần đong đầy một lon sữa ông Thọ, khi nấu thành cơm thì nở téc béc đầy nồi, đủ ăn cho nhiều người. Vì vậy, người ta còn gọi loại gạo này là gạo nở. Thời đó tuyệt nhiên chẳng thấy ai có cơm dẻo thơm để ăn, có cơm ăn đã là may lắm rồi.
Gạo là thứ vô cùng quý hiếm thời đó vì vậy gia đình nào lỡ làm mất sổ mua gạo thì buồn lắm, từ đó phát sinh “thành ngữ”: “Buồn như mất sổ gạo”.
Mất sổ gạo thì coi như phải kiếm thứ khác mà ăn. Người ta phải ra ruộng câu cá, nhủi cá. Những đám ruộng được gặt lúa xong sẽ còn lại xăm xắp nước. Người ta dùng một cái nhủi bằng lưới màu xanh lá gắn vào một cái khung tầm dông có cán để đẩy dài trên mặt ruộng hòng bắt được cá đồng.
Cho dù cả gia đình trải qua một ngày khó khăn vất vả, thì tối đến đám con nít dù đói dù no cũng đi coi truyền hình ké ở nhà người khác.
Lúc đó, cái ăn cái mặc còn không có đừng nói gì đến giải trí. Cả xóm họa hoằn lắm mới có một gia đình còn giữ cái truyền hình từ đời Bảo Đại. Hồi đó hễ cái gì quá cũ thì người ta cho là từ “đời Bảo Đại”.
Thời ấy thì làm gì có truyền hình màu mà chỉ có truyền hình trắng đen thu tín hiệu bằng chà anten xương cá gắn trên nóc nhà.
Khi thấy đài đang xem dở quá thì người ta chuyển qua đài khác bằng cách leo lên nóc nhà quay anten để thu tín hiệu. Người trên nóc nhà vừa quay anten vừa phối hợp với người rà đài bằng miệng: “Rõ chưa? Rõ chưa?” để biết được truyền hình đã bắt được hình ảnh đã rõ hay chưa.
Đám trẻ con sau khi xem truyền hình xong nếu còn vài xu thì hùn tiền lại mua một gói mì Vị Hương. Cả đám có khi gồm năm đứa nấu một tô mì Vị Hương đầy nước và cùng ăn.
Không hiểu sao, con người đã từng sống ở thời đó có ý chí rất mãnh liệt. Từ người lớn cho đến trẻ con đều ý thức được rằng phải sống, dù có thiếu ăn thiếu mặc, thiếu cả cách giải trí.
Trẻ con không cần ba mẹ nhắc nhở mà tự biết siêng học để sau này thoát nghèo, dù thời đó đám trẻ con đi học chỉ có cặp đệm. Cặp đệm là loại cặp được đan bằng lá bàng giống như người ta đan đệm trải giường.
Những con người ngày ấy hôm nay có dịp ngồi ôn lại dòng chảy ký ức trong tiếng cười và nước mắt mà không khỏi xót xa với cuộc sống bạo loạn trong bối cảnh xã hội thời nay và chắt lưỡi nói: “Ngày xưa khổ mà vui vì ai cũng khổ, cũng thương nhau. Bây giờ người ta ganh ghét nhau chỉ vì đồng tiền mà nhất là từ khi giá đất lên, cha mẹ con cái, anh em họ hàng có khi chia lìa”.