Trong khi ở Đà Nẵng, phụ huynh chê trường mới xây xa nhà, không chịu đưa con đến học thì ở Quảng Nam, người dân sắc tộc Ca-Dong (thuộc tộc Sedang) phải cõng từng viên gạch và bao cát lên núi xây trường.
Tiền Phong tường thuật buổi đối thoại giữa cán bộ thuộc UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) với người dân thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) sáng 10 Tháng Chín 2023 hoàn toàn thất bại, khi người dân bỏ ra về giữa chừng vì không đồng ý đưa con em mình đến học tại trường tiểu học Hòa Bắc (thôn Phò Nam)!
Đầu đuôi câu chuyện là niên học mới 2023-2024, huyện Hòa Vang xây trường tiểu học Hòa Bắc ở thôn Phò Nam, trị giá 25 tỷ đồng (gần $1 triệu) nhưng 54 học sinh ở điểm trường lẻ thôn Nam Yên không đến học.
Dù địa phương đã thông báo trước đó với phụ huynh là họ sáp nhập điểm trường này vào trường tiểu học Hòa Bắc (tức bỏ địa điểm cũ) thế nhưng ngày khai giảng niên học mới, phụ huynh của 54 học sinh vẫn đưa các em đến điểm trường cũ!
Hình ảnh trường mới chỉ có thầy cô mà vắng học sinh trong ngày khai giảng hoàn toàn đối lập với điểm trường lẻ thôn Nam Yên, nơi chỉ có phụ huynh với học sinh tề tựu, đã lập tức lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung nhà cầm quyền địa phương không quan tâm đến học sinh!
Vì thế, sáng 10 Tháng Chín, UBND huyện Hòa Vang đã triệu tập phụ huynh của 54 học sinh tại điểm trường lẻ thôn Nam Yên để lắng nghe ý kiến và thuyết phục phụ huynh đưa con đến trường mới học.
Đại diện phụ huynh ở điểm trường lẻ thôn Nam Yên, ông Hồ Tăng Học, trưởng thôn Nam Yên cho hay, lý do người dân không cho con sang thôn Phò Nam học vì xa, không có ai đưa đón; một số em lớp lớn (4 và 5) tự đi được thì gia đình không trang bị được phương tiện; nhưng điều lo ngại lớn nhất là phụ huynh lo lắng mùa mưa bão, các em đi học xa nhà sẽ gặp nguy hiểm.
Một phụ huynh có con học lớp 5 là ông Đinh Xuân Vũ bày tỏ việc dồn ghép học sinh tại điểm trường lẻ thôn Nam Yên vào trường tiểu học Hòa Bắc quá gấp gáp, gần khai giảng mới thông báo nên phụ huynh rất bất ngờ, không có sự chuẩn bị. Cũng theo ông Vũ, điểm trường lẻ tại thôn đã quen thuộc với nhiều thế hệ người dân trong thôn, hiện chỉ cũ chứ không đến mức không sử dụng được!
Ông khẳng khái: “Phải giữ lại ngôi trường này cho thế hệ sau, nếu không được chấp thuận chúng tôi sẽ đồng loạt cho con nghỉ học”.
VTC News tường thuật thêm: Ông Vũ cho rằng điểm trường lẻ thôn Nam Yên có tổng số học sinh là 117 em, nhiều nhất so với các điểm trường khác thuộc các thôn trong xã, nên lẽ ra việc xây dựng điểm trường mới phải là ở Nam Yên chứ không phải ở Phò Nam!
Còn bà Hồ Thị Thùy Trang (phụ huynh có con học lớp 4) cho biết vì bà còn phải kiếm tiền nuôi hai con nhỏ nên không thể đưa con đến điểm trường mới. Bà bảo: “Tôi biết điều kiện vật chất ở điểm trường Hòa Bắc rất tốt cho con nhưng tôi cũng phải lo mưu sinh chứ không thể đồng hành cùng với con được.
Vì vậy, mong chính quyền cho phép con tôi được học tại điểm trường Nam Yên. Còn nếu vẫn phải đến điểm trường mới Hòa Bắc ở thôn Phò Nam thì tôi sẽ cho con tôi nghỉ học”.
Các phụ huynh cũng chất vấn tại sao trường tiểu học Hòa Bắc hứa đưa giáo viên sang điểm trường lẻ thôn Nam Yên để dạy mà ngày khai giảng lại không có ai?
Với lời chất vấn này, cô Lê Thị Thanh Xuân, hiệu phó trường tiểu học Hòa Bắc chia sẻ rằng cô đã hứa với phụ huynh nhưng không thể thực hiện (không hiểu tại sao) và xin lỗi phụ huynh.
Một cán bộ là ông Thái Văn Hoài Nam, chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay từ niên học 2023-2024, Phòng Giáo dục muốn sáp nhập các điểm trường lẻ gồm thôn Nam Yên, An Định, Lộc Mỹ và Nam Mỹ về học tại trường mới tại thôn Phò Nam, vì gần trung tâm hành chính, trường cấp 2, trạm y tế, trụ sở công an…
Các điểm trường kia thì chấp hành, riêng điểm trường lẻ thôn Nam Yên có 54/117em chưa sang học vì phụ huynh phản đối.
Cuối cùng, ông Hồ Tăng Phúc, chánh văn phòng Huyện ủy Hòa Vang đưa ra hai phương án để phụ huynh lựa chọn: Thứ nhất, đưa các em học sinh khối 4, khối 5 đến học tại trường tiểu học Hòa Bắc, còn các em khối 1 – 2 – 3 học tại điểm trường cũ Nam Yên. Thứ hai là tất cả học sinh các khối của trường Nam Yên đều phải chấp hành theo học tại trường mới ở Phò Nam.
Tuy nhiên, phụ huynh không đồng thuận phương án nào, vẫn bảo lưu ý kiến muốn cho con em họ tiếp tục được học tại điểm trường Nam Yên, nếu không được thì cho con nghỉ!
Trong chuyện này, không phải phụ huynh thôn Nam Yên yêu sách mà họ chỉ đang bảo vệ con em mình – lứa tuổi tiểu học, được quyền đi học ở nơi gần nhà nhất.
Cùng ngày, Tuổi Trẻ lại đưa hình ảnh người dân sắc tộc Ca-Dong (từ con nít đến người già, nam cũng như nữ) phải cõng từng viên gạch và bao cát lên núi để xây trường học, trong bài báo mang tựa “Rưng rưng bà con Ca Dong cõng từng viên gạch lên núi xây trường học”.
Bài báo mô tả: Đã vào niên học mới rồi mà điểm trường nóc Ông Bình mới (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn thi công chưa xong để thay cho điểm trường cũ dưới chân núi trông thật tả tơi.
Được biết điểm trường nóc Ông Bình cũ đang có 35 trẻ với hai khối lớp, gồm mầm non và tiểu học. Phụ trách giảng dạy chỉ có hai người, một thầy giáo 26 tuổi và một cô giáo sắc tộc Cor 32 tuổi. Nhiều năm qua, để đi vào điểm trường cũ này chỉ có cách lội bộ, nhưng nay có một con đường mới để xe gắn máy có thể vào được.
Vì muốn sớm có nơi học hành tươm tất cho con em mình, nhiều ngày trời nay, người dân sắc tộc Ca- Dong ở ngôi làng trên núi cao đã nghỉ làm rẫy để đi cõng từng viên gạch, từng bao cát lên xây trường. Tại sao phải tận dụng sức người như vậy?
Do vị trí trường mới nằm trên đồi cao, dốc dựng đứng, nên xe tải chuyển vật liệu không thể đi lên (?), chả lẽ không còn cách khác sao?
Ai đời, thế kỷ 21 đã trôi qua hơn 20 năm rồi, thế mà hằng ngày, dân làng ở đây vẫn nối đuôi nhau vận chuyển từng bao cát, xi măng, sắt thép… để thợ xây trường! Trông cảnh này thấy thảm thương chứ chả có gì vui!
Ông Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm CLB Bạn Thương Nhau (TP.Đà Nẵng), đơn vị tài trợ xây điểm trường mới nóc Ông Bình, cho biết rất xúc động trước sự nhiệt tình, vất vả của dân làng.
Ông Nam cũng cho hay các nhà hảo tâm mỗi lần lên thăm công trình xây trường đều mang quà lên tặng cho dân làng, khi thì tiền mặt, lúc thì con heo.
Hóa ra, điểm trường mới này được một nhóm từ thiện tư nhân tài trợ xây, nên tài lực và vật lực có hạn. Thế nhưng, nhà cầm quyền địa phương (UBND huyện Nam Trà My) ở đâu, tại sao không phụ giúp dân xây trường?
Các ông bà cán bộ tính hay quá: nơi cần trường thì không xây, còn nơi chưa cần thì xây, khiến Đà Nẵng và Quảng Nam – hai tỉnh sát bên nhau, lại xảy ra chuyện ngược đời. Cuối cùng thì thiệt thòi nhất vẫn là học sinh!