Sinh năm 1990, travel planner (người lên kế hoạch du lịch) Nguyễn Thy Vân kiếm cả trăm triệu đồng một tháng nhờ lên kế hoạch du lịch cho nhà giàu.
Hơn 11 năm, Vân từng đi du lịch 36 quốc gia (gần 200 thành phố) thuộc 5 châu lục và rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, cô đã sử dụng những kinh nghiệm trong hành trình của mình để biến thành công việc phổ biến ở Mỹ nhưng còn hiếm người làm ở Việt Nam.
Travel Planner là nghề thiết kế kế hoạch du lịch phù hợp với thời gian biểu cá nhân, chỉ thiết kế lịch trình và tư vấn mọi thứ trong hành trình cho khách chứ không tham gia hướng dẫn hay đồng hành cùng khách trong chuyến đi.
Những kế hoạch du lịch mà Vân thiết kế nhắm đến khách hàng thích đi du lịch một mình (hoặc với gia đình, bằng hữu, người yêu), không thích theo đoàn đi tour, nhưng lại quá bận rộn để lên lịch trình, hoặc chưa biết nhiều thông tin về điểm đến.
Đầu tiên, Vân chỉ là cô gái đam mê du lịch. Sau mỗi chuyến đi, cô thường chia sẻ hình ảnh và bài viết lên mạng xã hội, được cộng đồng mạng tán thưởng. Thế là mỗi lần bạn bè hay người follow muốn đi du lịch đều hỏi ý kiến Vân, nhờ Vân tư vấn.
Mỗi khi người được Vân tư vấn lịch trình hài lòng với chuyến đi có nhiều điểm mới lạ hấp dẫn hơn tour do các công ty du lịch tổ chức, cô gái trẻ bắt đầu xem việc lên lịch trình du lịch trở thành một nghề “tay trái”.
Vân sử dụng blog Nguyễn Thy Vân để chuyển tải những bài viết, video về hành trình du lịch, đồng thời mở dịch vụ travel plan (thông tin điểm đến, lịch trình chi tiết, danh sách gợi ý) với bảng giá từ 500,000 đồng (ba ngày hai đêm) – 1.5 triệu đồng (8-14 ngày), đi càng nhiều ngày, giá càng cao.
Với thế mạnh từ ngoại hình (xinh đẹp), biết chụp hình, quay video và khả năng truyền đạt tốt (viết tốt và nói tốt), Vân là nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng với gần 200,000 follower trên Instagram.
Ngoài dịch vụ lên kế hoạch du lịch, Vân còn mở lớp dạy làm Travel Planner, quảng cáo là khóa học “6 in 1”, toàn bộ lộ trình và kỹ năng cần có để trở thành “Travel Influencer” (người có tầm ảnh hưởng trong ngành du lịch)… với giá 4.499 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Trí ngày 25 Tháng Chín, Vân nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ ngày nào đó sẽ kiếm ra tiền từ chuyến đi của mình, mãi tới khi đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tôi mới thấy nghề lên lịch trình vô cùng phổ biến, chỉ tại Việt Nam thì ít người biết”.
Theo cô gái trẻ, yêu cầu đối với một người lên lịch trình du lịch là phải giúp khách của mình có chuyến đi tiết kiệm thời gian và chi phí, bằng chính trải nghiệm thực tế mà mình đã có. Vì thế, Vân thường chỉ nhận tư vấn và thiết kế lịch trình cho khách tại những điểm đến du lịch mà cô đã từng đi qua.
“Khách sẽ chỉ tin tưởng bạn nếu bạn đã đến và trải nghiệm ở đó, sẽ thật khó nếu làm người lên kế hoạch mà chưa đi nhiều, nhằm có thể giúp khách xử lý các tình huống rắc rối phát sinh” – Vân bộc bạch.
Vân cũng tiết lộ cô có những vị khách giàu có, những người không bận tâm chuyện đắt rẻ mà chỉ chú trọng chuyện trải nghiệm, đòi hỏi tính riêng tư, sự chăm sóc đặc biệt, vì vậy dịch vụ phải xứng đáng.
Khi giới nhà giàu vui vẻ hứng khởi với lịch trình của Vân thì cô sẽ nhận thêm được tiền “boa” và có thêm những khách nhà giàu khác do họ giới thiệu.
Tùy độ dài và độ khó chuyến đi mà chi phí cho kế hoạch du lịch của mỗi khách hàng sẽ khác nhau. Thông thường một lịch trình riêng tư có giá từ 2 – 10 triệu đồng.
Thế nhưng, với những khách hàng có yêu cầu cao hơn hoặc tham gia theo hội nhóm thì họ sẵn sàng chi hơn 100 triệu đồng cho một chuyến đi. Nhờ vậy, mỗi tháng Vân có thêm thu nhập từ 20-100 triệu đồng, chưa kể các khoản tiền “boa”.
Thế nhưng làm nghề này không chỉ có toàn “hoa hồng”, thỉnh thoảng Vân vẫn gặp khách hàng quỵt, nhận lịch trình cô thiết kế nhưng không trả tiền. Ngoài ra, những chuyến du lịch của Vân cùng gia đình – một cách cô tích lũy thêm kinh nghiệm để tư vấn lịch trình du lịch cho khách, cũng bị nhiều người chỉ trích và ganh ghét.
Hiện tại, thu nhập kiếm từ nghề “tay trái” sẽ được Vân dùng chi trả cho các chuyến du lịch của bản thân và gia đình. Có nhiều quốc gia Vân sẵn sàng quay lại nhiều lần nhằm tăng thêm kinh nghiệm giúp cho khách hàng, chẳng hạn như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… và cả Tây Tạng – nơi mở ra một thế giới của sức mạnh tinh thần và tâm linh, chậm rãi từ hơi thở cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh viết nội dung trên Facebook, Instagram, blog, Vân còn đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên các diễn đàn, cộng đồng đam mê du lịch để có thêm nhiều khách hàng.
Trước Dân Trí, trang mạng Starup Du Lịch và Thể Thao & Văn Hóa cũng viết về Vân.
Starup Du Lịch hồi Tháng Sáu 2023 nhận định: “… những khung hình du lịch của Thy Vân hiện lên rất đỗi chậm rãi, dịu dàng và bình yên, trái ngược với nhịp sống vội vàng, đông đúc của chốn thành thị” và dẫn lời tâm sự của cô: “Tôi yêu các chuyến đi từ những điều thú vị của cuộc hành trình. Cảm giác khi vừa kết thúc một chuyến đi, bản thân tôi không hề cảm thấy mệt mỏi mà chỉ muốn xách valy lên và đi nhiều nơi nhất có thể, tận dụng tất cả các ngày nghỉ ngắn hay dài để vi vu khắp nơi. Càng đi nhiều, tôi càng nhận thấy bản thân mình quá bé nhỏ so với những điều rộng lớn của thế giới”.
Để trở thành một Travel Planner chuyên nghiệp – vừa đi chơi vừa kiếm tiền, theo Vân cần có tám kỹ năng cơ bản:
– Thứ nhất là tổ chức và quản lý thời gian. Quản lý thông tin khách hàng một cách hiệu quả.
– Thứ hai, luôn tìm kiếm và so sánh giá và phẩm chất của các sản phẩm, dịch vụ du lịch như chuyến bay, khách sạn hoặc tour để bảo đảm khách hàng của mình có chi phí tối ưu nhất.
– Thứ ba là kỹ năng giao tiếp, biết tư vấn và hướng dẫn cho khách hàng chuẩn bị chu đáo trong quá trình du lịch để họ có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
– Thứ tư là tìm kiếm và chọn điểm đến phù hợp với nhu cầu và yêu cầu khách hàng.
– Thứ năm, có kỹ năng sáng tạo, thường xuyên trau dồi ý tưởng mới để bảo đảm rằng những trải nghiệm của khách hàng luôn thú vị và độc đáo.
– Thứ sáu, am hiểu và có kiến thức về các điểm đến, các địa danh, các hoạt động du lịch.
– Thứ bảy, biết lập kế hoạch và chi tiết hóa từng bước, để bảo đảm rằng khách hàng của mình có một chuyến đi du lịch suôn sẻ.
– Thứ tám, có kỹ năng giải quyết vấn đề và xử lý những tình huống phát sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, Vân bộc lộ: “Travel Planner cần có kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như biết cách marketing các dịch vụ của mình để nhiều người biết đến và tin tưởng. Điều quan trọng là bạn phải giữ được màu sắc và phong cách riêng để bản thân không bị bão hòa”.
Cô gái 9X cho biết cô chưa dừng lại ở 36 quốc gia và gần 200 thành phố mà sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi hành trình vòng quanh thế giới của mình.
Thể Thao & Văn Hóa đầu Tháng Năm 2023 cho biết thêm Vân có quy tắc riêng là không nhận thiết kế kế hoạch ở những nơi mình chưa từng đến, nhưng nếu khách hàng vẫn yêu cầu, Vân sẽ nhờ những đối tác ở nhiều nơi trên thế giới trợ giúp và tư vấn.
Nói về nghề lên kế hoạch du lịch, Vân xác định đây là nghề phụ của cô, nghề chính vẫn là lĩnh vực truyền thông và là người sáng tạo nội dung, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực du lịch.
Vân chia sẻ: “Thực chất các công việc này hỗ trợ cho nhau rất tốt nên không có lý do gì mình lại chỉ chọn một. Thêm vào đó, đa dạng hóa nguồn thu nhập cũng đang là một xu hướng ở thời điểm hiện tại”.
Nói về việc đa dạng hóa nguồn thu nhập, Vân cho hay đây là xu hướng tất yếu của người trẻ hiện nay. Bởi việc có thêm những nghề tay trái sẽ giúp cho bản thân có phương án dự phòng, không bị động khi có làn sóng cắt giảm nhân sự…
“Khi bạn không bị phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất nào, chắc chắn bạn sẽ tự do hơn” – Vân nhấn mạnh.