Phải mất 100 năm nữa, Sài Gòn mới có được hệ thống metro?

Tàu điện ngầm thuộc dự án metro số 1 chạy thử hồi Tháng Tư 2023 – Ảnh: VnExpress

Hiện thực này sẽ xảy ra, nếu Sài Gòn tiếp tục làm theo cách cũ như đã làm với tuyến metro số 1.

VnExpress ngày 19 Tháng Bảy dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 16 năm qua Sài Gòn chưa làm xong 20km thuộc tuyến metro số 1, trong khi tuyến số 2 vẫn đang loay hoay giải tỏa mặt bằng. Tiến độ này, theo ông Dũng là quá chậm, Sài Gòn cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế được vay khoản tiền khoảng $20 tỷ để sớm xây dựng xong các tuyến metro còn lại, để hình thành nên hệ thống bao gồm 8 – 9 tuyến metro.

Thế nhưng, nguồn tiền $20 tỷ ở đâu thì ông Dũng không nói.

Trong hội nghị sáng 18 Tháng Bảy bàn về việc phát triển vùng Đông Nam Bộ (bao gồm Sài Gòn và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, cho rằng “ùn tắc giao thông đang là thách thức lớn của Đông Nam Bộ”, khi trong 10 năm chỉ hoàn thành được 50km đường xa lộ.

Sài Gòn từng quy hoạch xây dựng tám tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220km, vốn đầu tư ước tính gần $25 tỷ. Thế nhưng, mới chỉ có tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30km đã và đang được thực hiện từ vốn ODA, cấp phát từ ngân sách trung ương, các tuyến metro còn lại chưa được đầu tư.

Đoạn metro số 1 gần bến xe Suối Tiên (TP.Thủ Đức) – Ảnh: VnExpress

Riêng tuyến số 1 dài gần 20km,  kết nối phía Đông Sài Gòn với khu trung tâm đã trễ hẹn 5 năm, vì thiếu tiền, công trình lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, đến mức phía Nhật Bản phải đòi nợ, đỉnh điểm cuối 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến nhà cầm quyền thành phố cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công vì… thiếu nợ!

Metro số 1 chưa xong, nhưng Sở Giao thông – Vận tải thành phố lại có dự tính kéo dài tuyến Metro này thêm 50km nữa (16km xây dựng 16 năm, vậy 50km xây dựng… 50 năm?), rẽ từ depot Long Bình (TP.Thủ Đức) đến gần nút giao Tân Vạn, sau đó chia hai nhánh đi Bình Dương, Đồng Nai!

Các đoạn nối dài metro số 1 đều đi trên cao, nên việc xây dựng được cho không phức tạp như đi ngầm. Công nghệ có thể áp dụng tương tự như dự án đã triển khai ở thành phố.

Phương án là sẽ xây dựng đoạn một từ ga bến xe Suối Tiên (gần bến Miền Đông mới) rồi đi trên cao bên phải Quốc lộ 1, sau đó rẽ trái nối qua ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Đoạn này dài 1.8 km, ước tính có tổng mức đầu tư gần 3,000 tỷ đồng ($126,840,000). Không hiểu Sở Giao thông – Vận tải tính có lầm không, chứ với số tiền này thì 1m đường metro trên không có giá đầu tư đến 1 tỷ 666 triệu đồng ($70,000)?!

Từ khu vực trên, tuyến metro chia làm hai nhánh. Một nhánh dài 18.3km đi trên cao về tỉnh Đồng Nai, nối đến các điểm như ngã ba Vũng Tàu, Chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Nhánh còn lại về Bình Dương với chiều dài gần 30km, xây trên cao. Từ ga S0, tuyến chạy qua nút giao Bình Chuẩn, sau đó nối đến Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một).

Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam, khi chỉ chiếm 9% diện tích, 20% dân số cả nước nhưng đóng góp khoảng 32% GDP và khoảng 45% tổng thu ngân sách (thống kê năm 2021).

Thế nhưng, giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của khu vực này. Hiện nay, Đông Nam Bộ đang có nhiều dự án hạ tầng lớn được xây dựng như phi trường Long Thành, xa lộ Vành đai 3, xa lộ Biên Hòa – Vũng Tàu… và có những dự án đang nằm chờ như xa lộ Vành đai 4, xa lộ TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành!

Xem dự án nào cũng thấy hay nhưng với kiểu xây dựng ỳ ạch như metro thì có lẽ đến… 100 năm sau mới xong thật!

Hướng tuyến metro số 1 và hai hướng dự định kéo dài lên Đồng Nai, Bình Dương – Đồ họa: VnExpress

Bình luận dưới bài viết này, độc giả Van A cảnh tỉnh: “Trước khi nghĩ đến mở rộng metro, ít nhất hãy hoàn tất cái dự án metro đầu tiên đã!” Còn độc giả Phát L góp ý: “Đúng rồi, và trước khi nghĩ đến đầu tư một metro mới, hãy hoàn tất giải toả mặt bằng cho tuyến đường metro mới sẽ đi qua đã, chứ vừa làm vừa giải toả mặt bằng thì điệp khúc vướng mặt bằng sẽ lặp đi lặp lại, gây đội vốn thôi”.

Độc giả nguyendainam1110 đồng ý: “Tôi nghĩ nên tập trung quyết liệt giải tỏa mặt bằng trước, khi đã có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư sẵn sàng làm thì kiếm vốn không khó. Chứ dự án để càng lâu càng đội vốn”.

Mặt khác, nhiều độc giả cũng nghi ngờ và so sánh: “Ở đây đang nói chuyện phải nghĩ cách ngay từ bây giờ, để triển khai nó vào những dự án sau, chứ đợi nước tới chân mới nhảy thì còn nói làm gì. Metro số 1 làm 16 năm chưa xong, metro số 2 gần 10 năm rồi vẫn chưa khởi công. Nếu vẫn giữ cách làm cũ thì sẽ phải đợi 100 năm mới hoàn thiện nổi mạng lưới metro đấy. Mà metro nó chỉ thật sự hiệu quả khi có đủ mạng lưới thôi, chứ 1 hay 2 tuyến thì còn phải xem lại!” (Nguyen Tuan);

“Ví dụ như một đoạn đường khoảng 200m (Tân Thới nhất 8) mà hơn 6 năm vẫn chưa xong thì Metro xa vời vợi là đúng (fbtam.72); “100 năm nữa thì phương tiện bay đã thịnh hành” (Khoan Từ); “Metro có người lái thì thấy đã thua và lạc hậu xa rồi. Lại còn chậm tiến độ” (Duc Tai Truong); “Bangkok xây dựng 6 tuyến MRT, BTS trong vòng 8 năm hoàn chỉnh. Nhìn lại ta thấy xót xa” (vinhld.fb).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: