Một người mẹ trẻ ở Hà Tĩnh khi lên xã làm giấy khai sinh cho con thì bị cán bộ yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm DNA của chồng và con.
Đó là phản ảnh của cô Đ.T.Q.T. (18 tuổi, ngụ xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với Tuổi Trẻ ngày 14 Tháng Mười Một 2023.
Cô Q.T. kể: Cô làm lễ cưới với chồng hồi Tháng Mười Hai 2021, lúc đó cô chưa đủ tuổi làm giấy đăng ký kết hôn. Đến Tháng Tám 2023, cô T. đủ 18 tuổi nên đã đến UBND xã Xuân Liên làm giấy đăng ký kết hôn, đồng thời làm giấy khai sinh cho con trai của vợ chồng cô, sinh Tháng Sáu 2022.
Tuy nhiên, nhiều lần cô đến UBND xã Xuân Liên vẫn chưa làm được các loại giấy tờ trên, buộc lòng phải nhờ ông Phan Danh Thắng, phó Chủ tịch UBND xã Xuân Liên, hướng dẫn. Ông Thắng ra điều kiện muốn làm giấy khai sinh cho con trai, cô T. phải có giấy xét nghiệm DNA, chứng minh huyết thống giữa con và chồng cô, với chi phí 8 triệu đồng ($329).
Điều đáng nói là vợ chồng cô T. không có nhu cầu làm xét nghiệm DNA nhưng đến ngày 12 Tháng Tám vừa qua, ông Thắng dẫn một người lạ mặt đến nhà cô T. để lấy máu của con và chồng cô T. gửi đi xét nghiệm.
Lúc đó, cha chồng của cô T. đưa 8 triệu đồng cho ông Thắng.
Đến ngày 16 Tháng Tám, gia đình cô T. nhận được kết quả xét nghiệm DNA, xác định chồng và con cô T. đúng là cha con. Ngày 6 Tháng Mười Một, UBND xã Xuân Liên mới làm giấy khai sinh cho con cô T.
Cô T. thắc mắc: “Tôi và chồng tôi cưới hỏi đàng hoàng, có mời nội ngoại đến dự lễ cưới, giữa vợ chồng tôi cũng không xảy ra mâu thuẫn nghi ngờ gì về đứa con chung. Tại sao khi làm giấy khai sinh cho con tôi thì phải có giấy xét nghiệm DNA?”.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phan Danh Thắng thừa nhận có đưa người đến nhà cô T. lấy mẫu máu của chồng và con cô làm xét nghiệm DNA, đồng thời có nhận 8 triệu đồng. Số tiền này ông Thắng đưa cho người lấy mẫu xét nghiệm 4.5 triệu đồng, ông Thắng giữ lại 3.5 triệu đồng.
Ông Thắng cũng cho biết, khi cô T. làm giấy khai sinh cho con, ông Thắng có nhận được tin nhắn qua Facebook của mẹ chồng cô T. (người này đang làm việc ở nước ngoài). Sau đó, ông Thắng hỏi một cán bộ xã Xuân Liên về thủ tục làm giấy khai sinh khi chưa có đăng ký kết hôn và cán bộ này nói cần phải có xét nghiệm DNA, vì thế ông liên hệ với một người lấy mẫu máu xét nghiệm DNA tại TP.Hà Tĩnh và đưa người này đến nhà cô T. lấy máu gửi đi phân tích.
Ông Thắng còn biện minh là do mình sơ suất, chưa hiểu hết các quy định, vì vậy ông đã xin lỗi và trả lại tiền cho gia đình cô T.
Ngày 15 Tháng Mười Một 2023, Tuổi Trẻ có dẫn lời tư vấn của luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) về trường hợp này như sau: Theo Luật Hộ tịch Việt Nam, đứa con được sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, thì khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Có nghĩa người cha nếu muốn nhận con thì không phải làm bất cứ thủ tục gì khác, như xét nghiệm DNA… mà chỉ cần văn bản thỏa thuận của vợ chồng thừa nhận là con chung, kèm theo xuất trình giấy chứng sinh của trẻ thì UBND cấp xã sẽ phải giải quyết.
Bản tin ngắn này được độc giả quan tâm, bình luận sôi nổi. Đa số đều chửi cán bộ xã Xuân Liên tìm cách làm tiền dân, “ăn không từ thứ gì”, chứ chẳng ai tin đã làm phó chủ tịch xã mà không nắm qui định về việc làm giấy khai sinh.
Mặt khác, một độc giả phân tích: “Là do nhà chồng cô gái không tin tưởng cô nên muốn xác minh. Khổ cái cán bộ xã không có kiến thức về pháp luật. Vài đồng bạc lẻ làm mất uy tín” (Kim Hoa).