Phạm Đoan Trang đã chiến thắng tuyệt đối tại tòa như thế nào?

Ảnh: TTXVN

Không có tờ báo nhà nước nào ở Việt Nam dám miêu tả chính xác những gì diễn ra tại tòa trong phiên xử cô Phạm Đoan Trang. Tuy nhiên, biên bản tốc ký dưới đây của luật sư Ngô Anh Tuấn đã cho thấy nhiều chi tiết bật lên rõ sự can đảm kiêu hãnh đáng kính phục của cô Phạm Đoan Trang… 

BIÊN BẢN PHIÊN TÒA HÌNH SỰ SƠ THẨM

VỤ ÁN “TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM” ĐỐI VỚI BÀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG (ngày 14 Tháng Mười Hai 2021)

Người ghi tốc ký tại phiên tòa: Luật sư Ngô Anh Tuấn

QUANG CẢNH CHUNG

– Phiên tòa được trang bị an ninh nghiêm ngặt từ nhiều vòng xung quanh tòa án;

– Mẹ bà Phạm Thị Đoan Trang được triệu tập tới tòa, được cho vào nhưng vì tuổi cao, sức yếu cần người đi cùng. Ông Phạm Chính Trực, con trai bà xin vào cùng nhưng không được chấp nhận. Các luật sư cùng nêu ý kiến, thư ký tòa và nhân viên tòa án rất có trách nhiệm nên cuối cùng mẹ bà Trang cũng qua được các “ải” an ninh để vào dự phiên tòa.

Mọi người tham dự phiên tòa đều được test covid tại chỗ rất nhanh chóng. Thủ tục an ninh nghiêm ngặt nhưng thái độ của những người làm việc có tiến bộ rõ rệt so với các phiên tòa tương tự trước đó. Phiên tòa có sự tham gia của nhiều y, bác sỹ của Bệnh viện Tim cùng xe cứu thương do bà Phạm Thị Đoan Trang có tiền sử bệnh tim. Phiên tòa có sự tham gia của các tùy viên chính trị, nhân viên ngoại giao của một số quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, đại diện EU…

Thành phần Hội đồng xét xử: Ba người (đều là nữ):

Chủ tọa: Bà Chử Phương Ngọc

Hai Hội thẩm nhân dân: Bà Đỗ Thị Thái và Bùi Thị Thu Giang

Thư ký phiên tòa: Ông Hoàng Nghĩa Hải

Kiểm sát viên: Hai người là bà Lương Thị Hương và ông Đỗ Minh Tuấn

Luật sư: Năm người, gồm các luật sư: Phạm Lệ Quyên, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn

Vắng mặt hai luật sư: Nguyễn Hà Luân và Trịnh Vĩnh Phúc

Người giám định: Vắng mặt

DIỄN BIẾN PHIÊN TÒA

KHAI MẠC PHIÊN TÒA (9h00)

Chủ tọa kiểm tra căn cước của bà Phạm Thị Đoan Trang

Chủ tọa đề nghị cảnh sát tư pháp tháo còng, bà Trang trả lời là không cần, cứ để im như vậy.

***

Chủ tọa hỏi: Bị cáo tên gì (giọng cứng):

Tôi tên Phạm Thị Đoan Trang, nguyên là nhà báo của báo VnExpress…

Chủ tọa: Bị cáo dừng lại, bị cáo trả lời từng câu hỏi của HĐXX (giọng cứng)

Tôi đề nghị chủ tọa giữ thái độ ôn hòa cần thiết

Chủ tọa: Hộ khẩu thường trú của bị cáo?

Tôi không trả lời

Chủ tọa: Trình độ văn hóa của bị cáo?

Tôi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, Đại học Ngoại Thương Hà Nội

Chủ tọa: Tên bố mẹ của bị cáo?

Tôi không khai báo, ai làm người đó chịu

Chủ tọa đọc: Bị cáo đã có tiền án, tiền sự gì không?

Tôi không. Trong một số lần công an xử phạt, họ tự ý lập biên bản… Công an Việt Nam bắt giữ tôi 25 lần không có lý do chính đáng; trong một lần tôi bị đánh gãy chân

(Chủ tọa đọc một số tiền sự…)

Chủ tọa: Bị cáo bị bắt khi nào?

Tôi bị bắt vào ngày 6 Tháng Mười 2020 vào lúc 11h30 đêm

Chủ tọa: Bị cáo nhận được quyết định xét xử của tòa khi nào?

Tôi không nhận được. Tôi nghĩ có sự vi phạm tố tụng ở đây vì tôi không nhận được thông báo triệu tập của tòa ngày hôm nay

(Chủ tọa phổ biến nội quy phiên tòa cho bà Phạm Thị Đoan Trang)

Chủ tọa: Bị cáo hiểu rõ quyền và nghĩa vụ mình chưa?

Tôi nghĩ bà chủ tọa cũng nên hiểu quyền và nghĩa vụ của bị cáo

Chủ tọa: Bị cáo có cần thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng hay không?

Thôi không cần (sau khi liếc quanh một vòng)

Chủ tọa: Bị cáo có tiếp tục yêu cầu các luật sư tiếp tục bào chữa cho mình không?

Không

Chủ tọa: Bị cáo có xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì thêm không?

Không

Chủ tọa: Các luật sư là những người am hiểu pháp luật nên tôi không cần phổ biến lại quyền và nghĩa vụ nữa. Các luật sư có ý kiến gì không?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: Đề nghị tòa trả lời yêu cầu triệu tập giám định viên và lý do tại sao không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử?

Luật sư Lê Văn Luân: Đề nghị giống luật sư Mạnh. Đề nghị triệu tập thêm: Hai người làm chứng là bà Lâm Thúy Hà và ông Trương Xuân Thành; hai người dịch thuật là bà Vũ Thị Thu Hà và ông Lương Hoài Nam; Đại diện Cục An ninh nội địa Bộ Công an; Điều tra viên Công an thành phố Hà Nội là ông Vũ Văn Bính và bà Phạm Thị Quỳnh Trang.

Chủ tọa: Đại diện Viện Kiểm sát có ý kiến gì không? Việc vắng mặt của những người được nhắc tới không làm ảnh hưởng tới nội dung phiên tòa nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử.

Luật sư Lê Văn Luân có ý kiến bổ sung: Đề nghị tòa cấp giấy bút cho bà Trang ghi chép nội dung để tự bào chữa; đề nghị trang bị thiết bị điện tử để trình chiếu vì trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu là dữ liệu điện tử.

(HĐXX vào hội ý, mọi người trong phòng xử án nghỉ giải lao: 9h20; HĐXX ra làm việc tiếp: 09h30)

Chủ tọa trả lời các thắc mắc của bà Phạm Thị Đoan Trang và các luật sư:

– Giải thích việc bà Trang không nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử: Bị cáo không nhận được quyết định mở phiên tòa trước 10 ngày nhưng các luật sư đã nhận được nên không ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo;

– Đề nghị trang bị thiết bị điện tử: Do điều kiện cơ sở vật chất có hạn, tòa không trang bị được các thiết bị điện tử để phục vụ việc trình chiếu theo đề nghị, mong các luật sư thông cảm;

– Yêu cầu thư ký tòa cấp giấy bút cho bị cáo nhưng đề nghị cảnh sát tư pháp giám sát kỹ để đảm bảo an tòan và đề nghị thu hồi lại giấy bút sau khi kết thúc phiên tòa;

– Đề nghị triệu tập các giám định viên: Giám định viên đã vắng mặt có lý do chính đáng, nhưng sẽ triệu tập khi cần thiết;

– Đề nghị triệu tập điều tra viên: Không cần thiết vì họ chỉ làm theo chức trách, không liên quan tới vụ án;

– Đề nghị triệu tập người làm chứng: Đã có lời khai đầy đủ nhưng sẽ triệu tập khi cần thiết;

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT ĐỌC BẢN CÁO TRẠNG (9h40)

Kiểm sát viên Lương Thị Hương:  Đọc bản cáo trạng (9h40)

Kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn: Đọc tiếp bản cáo trạng (10h01)

Luật sư Đặng Đình Mạnh giơ tay đứng dậy: Đề nghị đại diện Viện Kiểm sát tạm ngừng đọc, đề nghị tháo còng cho bà Trang và cho bà Trang ngồi xuống vì lý do sức khỏe bà không tốt. (10h04)

Chủ tọa: Yêu cầu luật sư Mạnh ngồi xuống.

(Bà Trang cũng rời bục khai báo về ghế ngồi)

Chủ tọa: Yêu cầu bà Trang đứng dậy.

Tôi đau chân không đứng mãi được

Chủ tọa: Đau chân thì phải xin HĐXX.

(Bà Trang được chấp thuận tiếp tục ngồi)

Kiểm sát viên Lương Thị Hương: Đọc tiếp bản cáo trạng (10h07)

Kiểm sát viên kết thúc đọc bản cáo trạng (10h15)

(HĐXX HỎI)

Chủ tọa nhắc với luật sư: Bị cáo đã từ chối tháo còng.

Chủ tọa cũng hỏi lại bà Trang: Bị cáo cần tháo còng không?

Tôi không cần tháo

(Chủ tọa cho bà Trang ngồi khai báo do lý do sức khỏe)

Chủ tọa: Cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì?

Trong cáo trạng ghi rồi

Chủ tọa: Bị cáo trả lời HĐXX

Trong cáo trạng ghi rồi, không cần hỏi tôi nữa

Chủ tọa: Bị cáo có đồng ý với cáo trạng không?

Không có quốc gia nào quy định tội danh này, trừ Trung Quốc và Việt Nam

Chủ tọa: Ngày 17 Tháng Sáu 2020 bị cáo có làm việc với cơ quan công an không?

Tôi bị bắt cóc 25 lần, tôi không làm việc gì cả

Chủ tọa: Ngày 22 Tháng Sáu 2020, bị cáo có làm việc với cơ quan công an phường Hàng Bồ không?

Tôi bị bắt cóc 25 lần, tôi không làm việc gì cả…

Chủ tọa: Bị cáo bị giữ tài sản, đồ vật gì không?

Tôi bị thu giữ nhiều máy móc, tài sản, tiền bạc…

Chủ tọa: Bị cáo có bị thu giữ tài liệu gì không?

Có, nhưng tôi không ký biên bản gì

Chủ tọa: Trong các lần làm việc, có buổi làm việc nào có ghi âm, ghi hình không?

Những lần đánh tôi thì không ghi âm, ghi hình…

Chủ tọa: Bị cáo có tham gia các buổi phỏng vấn với BBC tiếng Việt không?

Tôi là nhà báo, tham gia phỏng vấn hàng nghìn người với hàng trăm tờ báo…

Chủ tọa: Bị cáo có tham gia phỏng vấn báo BBC Tiếng Việt ngày 19 Tháng Tám 2018 không?

Tôi không nhớ rõ

Chủ tọa: Bị cáo thường trả lời phỏng vấn của những tờ báo nào?

Rất nhiều tờ báo

Chủ tọa: Bị cáo có trả lời tờ báo RFA không?

Tôi trả lời nhiều tờ báo, không chỉ là RFA

Chủ tọa: Trong quá trình điều tra, các điều tra viên có thông báo cho bị cáo về các kết luận giám định không?

Tôi có được đọc cho nghe

Chủ tọa: Bị cáo đã từng ký, giao nộp tài liệu không?

Tôi không đưa tài liệu nào

Chủ tọa: Bị cáo nhớ lại có lần nào không?

Tôi không đưa gì cho công an cả, tất cả là cướp

Chủ tọa: Bị cáo có ý kiến gì về các kết luật giám định hay không?

Tôi nghĩ chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới có giám định tư tưởng. Tôi không biết họ là ai, trình độ tới đâu mà đi giám định những tài liệu như vậy…

Chủ tọa: Bị cáo có quyền đồng ý hay không đồng ý nhưng không bình luận, phần này để dành qua phần tranh luận.

Tôi bật cười khi đọc kết luận giám định

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT

Nội dung của ba tài liệu bằng tiếng Anh mà bị cáo bị thu giữ với mục đích gì?

Nền luật pháp Việt Nam có tồi tệ đi nữa nhưng tôi nghĩ, với những tài liệu, chứng cứ không được thu giữ hợp lệ, tôi tin nó cũng không thể là căn cứ để cáo buộc tôi hay bất kỳ ai. Những tài liệu mà cơ quan điều tra có được là bất hợp pháp và vô giá trị.

Bị cáo có ý kiến gì về kết luận giám định không?

Tôi nhận thấy có những thuật ngữ rất ngu xuẩn. Những từ ngữ kiểu như “Chiến tranh tâm lý” là không được phép có trong thuật ngữ pháp lý…

Chủ tọa nhắc: Bị cáo có quyền trả lời nhưng không có quyền đặt lại câu hỏi lại.

Tôi là nhà báo, tôi thấy nhiều cáo buộc là sai, ngu xuẩn

Kiểm sát viên: Bị cáo có làm ra ba tài liệu đó không?

Tôi không làm ra

Tài liệu thu giữ có chữ ký xác nhận của bà trên đầu trang, bà có xác nhận điều đó là thực không?

Nếu có chữ ký của tôi thì đó là của tôi

Chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo xưng “tôi” hoặc “bị cáo”

Không, ngôn ngữ là do tôi kiểm soát, việc sử dụng thế nào là của tôi

Kiểm sát viên: Bị cáo đã đăng tải các tài liệu trên lên mạng xã hội đúng không?

Đúng. Có bài tôi đăng, có bài không. Không nhà báo nào nghĩ rằng khi phỏng vấn xong một nhà báo thì họ bị bắt cả

Động cơ của bị cáo khi phát biểu và đăng tải các thông tin lên mạng xã hội là gì?

Vậy tôi xin hỏi ngược lại, khi hỏi tôi, động cơ của bà là gì?

Chủ tọa đề nghị đại diện Viện kiểm sát dừng việc xét hỏi.

LUẬT SƯ HỎI

Luật sư Lê Văn Luân: Ngày 16 Tháng Mười Một 2017, ông Trương Xuân Thành có làm việc với bà không?

Tôi không biết đó là ai. Công an họ tự gọi vào…

Bà có nhận dạng được ông Thành không?

Không

Tài liệu mà bà ký ở trang đầu là tài liệu nào? Tài liệu đó là bà có được từ đâu?

Tài liệu đó là tôi tham dự cuộc họp của EU, có cái họ phát, có cái là tôi mua từ cuộc triển lãm trong cuộc họp

Các chữ ký trên các trang tài liệu của bà?

Tôi nghi ngờ công an ngụy tạo ra, không phải của tôi

Bà có yêu cầu giám định lại không?

Tôi biết cơ quan giám định Việt Nam nên có giám định lại cũng thế mà thôi

Luật sư Đặng Đình Mạnh: Bà có được điều tra viên thông báo kết luận giám định không?

Họ có đọc cho tôi trong trại tạm giam

Bà có yêu cầu gì về việc tiếp cận hồ sơ vụ án không?

Tôi có yêu cầu biết tên, tuổi, trình độ cũng những người giám định nhưng không ai cho tôi biết

Bà có yêu cầu đọc, xem tài liệu có trong hồ sơ vụ án không?

Không

Nếu được cho phép, bà có yêu cầu đó không?

Chắc không cần

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: Khi bị bắt bà bị thu giữ gì không?

Bị bắt khi nào ạ?

Ngày 16 Tháng Mười 2020

23h30 tôi bị bắt đi lên phường rồi khi được đưa quay lại thì phòng trọ bị lục tan hoang nhưng không thu giữ tài liệu gì

Vậy những tài liệu bị thu giữ lấy từ đâu?

Tôi không rõ

Những tài liệu tiếng Anh bà dùng làm gì?

Những tài liệu này tôi không viết, không biết của ai, người dịch là của công an. Tôi dùng để tôi đọc chứ không phát tán, tuyên truyền cho ai. Người dịch và phổ biến chứ tôi không phổ biến

Bà có nghe hết cáo trạng không?

Tôi nghe không rõ và không quan tâm nhưng thấy có nhiều sai sót

Luật sư Ngô Anh Tuấn: Trong quá trình điều tra, bà có yêu cầu có luật sư không?

Trong suốt quá trình điều tra, tôi luôn khẩn thiết đề nghị nhưng không bao giờ được chấp nhận. Điều tra viên đưa ra lý do đây là vụ án liên quan tới an ninh quốc gia nên tôi không được quyền có luật sư. Mãi tới ngày 19 Tháng Mười 2021, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử tôi mới được gặp luật sư lần đầu tiên

Trong quá trình điều tra bà có bị ép cung không?

Có. Trong nhiều lần bị bắt bớ trước đó, bị cáo bị đánh, ép ký văn bản nhưng không ký nên họ tự đưa người vào ký làm chứng

Việc ăn ở trong trại giam của bị cáo thế nào?

Sau khi có ý kiến của các luật sư thì trại giam đã đáp ứng một số yêu cầu thiết yếu của tôi với tinh thần hợp tác

Từ đầu tới giờ, bà nhiều lần chỉ trích nặng lời đối với nội dung của bản kết luận giám định, các luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập giám định viên, chủ tọa cũng cho biết sẽ triệu tập khi cần thiết, vậy bà có thấy cần triệu tập họ tới phiên tòa này để tham gia xét hỏi hay không?

Những tài liệu không phải tôi làm ra, họ tự dịch thuật rồi tự phát tán rồi tự giám định, tôi không quan tâm lắm. Nếu họ tới để tranh luận thì tốt mà không tới cũng không sao cả

Luật sư Lê Văn Luân: Đề nghị HĐXX không tiếp tục trì hoãn mà cần xem xét các yêu cầu triệu tập của chúng tôi một lần nữa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát: Đề nghị HĐXX công bố một số bút lục liên quan tới lời khai của bị cáo, người làm chứng có trong hồ sơ vụ án.

Chủ tọa phiên tòa công bố một số lời khai của bà Phạm Thị Đoan Trang tại bút lục 221, 222; công bố lời khai của người làm chứng Trương Xuân Thành tại bút lục 509, 510.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa công bố bút lục số 265, 266 về lời khai của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang. Kết thúc phần xét hỏi 11h20, chuyển sang phần tranh luận.

PHẦN TRANH LUẬN (11h20)

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: Đề nghị HXX tuyên phạt bị cáo với mức án 7-8 năm tù về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”; trả lại một số tài sản đã thu giữ của bị cáo.

HĐXX tạm nghỉ buổi sáng lúc 11h30

PHIÊN TÒA BẮT ĐẦU LẠI (14h00)

Một nhân viên an ninh trước cổng tòa không cho ông Phạm Chính Trực, anh trai của bà Phạm Đoan Trang vào cùng mẹ vì giải thích ca sáng cho vào là việc của ca sáng, ca chiều không liên quan. Các luật sư đồng loạt đi ra ngoài cổng tòa để phản đối hành vi cứng nhắc này. Sau đó, thư ký tòa đề nghị luật sư đi vòng bằng cổng khác để vào tòa. Trên đường đi, chúng tôi gặp một số tùy viên chính trị của các đại sứ quán cũng đang đi lòng vòng vì chưa vào được. Họ cười với chúng tôi và lắc đầu ngao ngán. Khi chúng tôi vào được tòa, nhìn ra phía ngoài cổng, họ vẫn đang đứng ngoài…

CÁC LUẬT SƯ TRÌNH BÀY NỘI DUNG BÀO CHỮA

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Về thủ tục tố tụng:

Các luật sư có yêu cầu triệu tập nhiều người có liên quan nhưng không có bất kỳ người nào có mặt tại tòa. Phía đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc họ vắng mặt không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tế, việc vắng mặt của họ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bào chữa của luật sư, điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong việc buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo.

Việc tiếp cận hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo không được tôn trọng khi cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận đề nghị của bị cáo.

Việc xung đột pháp luật: Điều 25 của Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 lại đi ngược với tinh thần của Hiến pháp nhằm bắt bớ, xử lý người thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 cũng mâu thuẫn với Điều 19 của Công ước về Tuyên ngôn nhân quyền 1966 mà Việt Nam tham gia ký kết. Một khi có sự mâu thuẫn giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.

Giám định tư pháp: Không thể giám định về tư tưởng, quan điểm, nhận thức chính trị, pháp luật. Các nước trên thế giới cũng không thể thực hiện hình thức này. Những phương mà các giám định viên đã sử dụng để giám định là khá phi lý: Trên cơ sở pháp lý nào mà có thể kết luận những đoạn văn, câu văn nào là phao tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận…?

Những yếu tố cấu thành tội phạm (khách thể bị xâm phạm):

Chính quyền nhân dân là một khái niệm mơ hồ, nó là thực thể nào? Nó là một tổ chức, một cá nhân hay một thứ nào khác?…

Kết luận: Tuyên bị cáo không phạm tội.

Đề nghị HĐXX kiến nghị hủy bỏ điều luật trái với Hiến pháp và trái điều ước quốc tế.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Đồng tình với quan điểm của luật sư Mạnh. Quan điểm về bảy văn bản giám định và một công văn trả lời. Tám văn bản này đã kết tội bà Trang trước khi có phiên tòa này. Trong hồ sơ giám định kết luận có một số chữ ký trên hồ sơ không phải là chữ ký của bà Phạm Thị Đoan Trang. Hai clip được lưu giữ trong máy, cơ quan giám định cũng trả lời chưa phát tán nên không có cơ sở để giám định. 15 file tài liệu thu giữ cũng không được giám định nhưng vẫn đưa vào cáo trạng để kết tội bị cáo. Các tài liệu thu thập được trên mạng không được giám định trên bản tiếng Anh, không xác nhận nội dung của người viết ra mà giám định trên bản dịch theo chủ ý của cơ quan điều tra. Cách giám định này là không khách quan. Căn cứ vào Điều 25 của Hiến pháp và Điều 19 của Công ước quốc tế 1966 mà Việt Nam đã tham gia thì Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 là vi phạm những điều luật này.

Đề xuất: Tuyên thân chủ vô tội.

Luật sư Lê Văn Luân

Việc bảo vệ các nguyên tắc: Xét xử công bằng và tranh tụng.

Xét xử công bằng và tranh tụng: Một số vi phạm cơ bản không thể khắc phục. Việc triệu tập những người tham gia tố tụng đã không được thực hiện.

Quyền tự bào chữa và quyền bào chữa cho bị cáo: Quyền tự bào chữa của bị cáo không chỉ bị gián đoạn mà hoàn toàn bị che mờ. Quyền được tiếp cận hồ sơ của bị cáo không được chấp nhận.

Kết luận giám định, dựa trên pháp luật hiện hành đã vi phạm nghiêm trọng:

Thẩm quyền: Dùng cơ quan thông tin truyền thông thuộc UBND để kết luận an ninh thông tin là điều sai trái. Chức năng của cơ quan thông tin truyền thông là liên quan tới an toàn thông tin chứ không liên quan tới an ninh thông tin, việc giao cho họ quyền này là vượt quá khả năng của họ.

Địa phương hóa việc kết tội: Kết luận giám định được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Kết luận mặt khách quan của tội phạm: Kết luận mặt nội dung, kết luận luôn các yếu tố cấu thành tội phạm.

Trao quyền cho địa phương kết tội, bất kỳ Sở Thông tin Truyền thông nào cũng có quyền kết tội một người nào mà họ thích.

Cùng một cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” của bà Phạm Thị Đoan Trang được hai Sở Thông tin và Truyền thông của hai tỉnh khác nhau kết luận những nội dung khác biệt nhau (so sánh với vụ án của bà Cấn Thị Thêu tại tỉnh Hòa Bình).

Về chứng cứ: Vật chứng gốc của các USB không còn. Bản tiếng Anh được in ra trong USB hiện ở đâu? Tại sao không có trong hồ sơ vụ án? Một số tài liệu không kết luận được là chữ ký của bà Trang, vậy ai ký? Ai đã ký thay bà Trang? Đó là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cần làm rõ.

Không xác định được nguồn của chứng cứ: Ba tài liệu tiếng Anh và một tài liệu tiếng Việt, không biết tài liệu tiếng Việt thu từ nguồn nào, ở đâu ra? Không xác định nguồn chứng cứ, không xác định được người tạo ra… Tôi đề nghị trình chiếu bản ghi hình buổi hỏi cung có ghi hình vào ngày 16 Tháng Mười Một 2017.

Người chứng kiến không có mặt trong ngày 16 Tháng Mười Một 2017. Bản khai của ông Trương Xuân Thành khai ở bút lục số 51 (có bản ghi hình 00812, 00813): Trong buổi làm việc 80 phút với bà Trang chỉ có bốn người, không có mặt ông Thành. Tại phút thứ 23 của bản ghi hình 00812, có người đàn ông nói “nếu bà không ký hồ sơ thì tôi sẽ mời người chứng kiến”, nghĩa là lúc này không có người chứng kiến, trái với lời khai của nhân chứng.

Ông Trương Xuân Thành khai là bà Trang đồng ý cho người chứng kiến ký nhưng tại phút thứ 36, bà Trang phủ nhận, không chấp nhận cho người làm chứng ký.

Buổi làm việc ngày 16 Tháng Mười Một 2017 bắt đầu từ 14h và kết thúc lúc 15h30 tại phường Cống Vị, tôi dùng ba hình ảnh chụp và cắt, trên đồng hồ của cán bộ tên Hương ghi thì thời gian chênh nhau là khoảng hai giờ, mâu thuẫn với bản làm việc. Như vậy, những bản ghi này vênh nhau, sai phạm lớn, không có giá trị làm chứng cứ. Ông Trương Xuân Thành khai có mặt toàn bộ buổi làm việc là gian dối và có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự về hành vi của mình, cần phải xử lý.

Đề nghị tuyên bà Trang không phạm tội. Đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của những người gây ra những sai phạm này.

Luật sư Ngô Anh Tuấn

Việc cơ quan điều tra đã đưa ra yêu cầu trưng cầu giám định vượt quá khả năng, thẩm quyền của cơ quan thông tin truyền thông. Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã không đảm bảo vai trò của mình, giờ là lúc cần xem xét lại.

Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, có hay không có sự ép buộc của cơ quan điều tra đối với Sở Thông tin Truyền thông để họ phải thực hiện công việc vượt ngoài khả năng và trách nhiệm của họ. Hơn thế nữa, cần xem xét kỹ việc họ không có mặt tại phiên tòa này và nhiều phiên tòa tương tự khác có phải là họ không muốn đối đáp và “minh oan” cho mình hay do một áp lực nào khác hay không?

Việc xem xét, đánh giá một hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không là việc của cơ quan điều tra chứ không phải là cơ quan hành chính nào đó, càng không thể là trách nhiệm của cơ quan giám định vì họ chỉ làm công tác chuyên môn đơn thuần. Viện kiểm sát cần làm rõ khái niệm chính quyền nhân dân và nhân dân trong vụ án này để xác định rõ chủ thể bị hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Bà Phạm Thị Đoan Trang bổ sung: Lời cung của người làm chứng Trương Xuân Thành cần phải kiểm chứng.

Chủ tọa: Bị cáo cần xưng tôi với HĐXX, và tôn trọng pháp luật.

Tôi tôn trọng các chị như những con người. Tôi là người nhìn thấy và cầm các tài liệu từ bàn hội nghị của EU nhưng tôi không làm ra, không phát tán. Việc phát tán là của cơ quan an ninh thực hiện, không phải tôi.

Trong 25 lần tôi bị bắt giữ trái pháp luật, nhiều lần tôi bị ép cung, mướn cung, dụ dỗ tôi khai báo thì những lời tôi nhận những tài liệu là do tôi làm ra thì đó là vô giá trị. Vụ án này kết tội tôi chủ yếu dựa trên lời khai của tôi và những người khác là vi phạm pháp luật, không dựa vào các chứng cứ khách quan khác có trong hồ sơ vụ án. Trong quá trình điều tra, tôi khai nhiều lời khai có lợi cho mình nhưng chưa một lần những lời khai đó được ghi nhận. Ngay cả việc tôi yêu cầu có luật sư cũng không được ghi nhận trong hồ sơ.

Tôi bị bắt và được thả nhiều lần nhưng chưa một lần được giải thích là bắt và thả là vì lý do gì, ngay cả việc tôi bị đánh gãy chân cũng không bao giờ được nhắc tới. Trong quá trình điều tra, một số điều tra viên đã đánh đập, ép cung tôi nhưng tôi không có chứng cứ để truy cứu vấn đề này.

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT ĐỐI ĐÁP

Sáu nhóm vấn đề đối đáp:

– Không triệu tập các điều tra viên và những người làm chứng: Tòa đã giải thích, không đối đáp lại.

– Không có luật sư trong quá trình điều tra: Bị can bị khởi tố về tội liên quan tới an ninh quốc gia nên Viện Kiểm sát không cho luật sư tham gia trong quá trình điều tra là đúng.

– Khi tống đạt cáo trạng cho bị cáo, bị cáo không đề nghị tiếp cận tài liệu nên không có cơ sở để xem xét yêu cầu của bị cáo. Điều này bị cáo cũng xác nhận tại tòa rằng không có nhu cầu tiếp cận hồ sơ.

– Công tác giám định, thẩm quyền giám định: Việc dịch tiếng Anh sang tiếng Việt là đúng quy định. Cơ quan điều tra thực hiện việc dịch thuật là đúng, đủ thẩm quyền và trình độ để thực hiện. Việc dịch thuật là đúng, đủ, trung thực nên có căn cứ để làm chứng cứ.

– Thẩm quyền giám định: Đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền và được công bố công khai nội dung, danh sách trên Sở Tư pháp Hà Nội nên kết luận giám định là đúng pháp luật. Các tài liệu giám định khẳng định các chữ ký của bị cáo Trang có trên hồ sơ là đúng do bị cáo Trang ký.

– Về nội dung cáo trạng là đúng làm luật, có căn cứ và không oan. Đề nghị của các luật sư tuyên bị cáo không có tội là không có căn cứ pháp luật.

Kiểm sát viên Lương Thị Hương đối đáp thêm: Nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn hợp pháp.

ĐỐI ĐÁP TIẾP

Bà Trang: Ngày 20 Tháng Mười 2021, có đề nghị tiếp cận chứng cứ, hồ sơ tài liệu và yêu cầu triệu tập điều tra viên, giám định viên và đề nghị cung cấp phương tiện để làm việc tại tòa nhưng không được chấp nhận. Việc Viện Kiểm sát nói tôi từ bỏ quyền của mình là không đúng. Hôm nay tôi từ chối tiếp cận là vì tôi đã đủ thất vọng với các vị nên không yêu cầu thêm làm gì nữa mà thôi. Nếu các anh, chị không dịch thuật tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi rêu rao đó là vi phạm pháp luật, là phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận thì có ai biết không? Ai mượn, ai sai khiến quý vị đi dịch thuật, lan truyền rồi lại quy trách nhiệm cho tôi?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: Việc có mặt của người giám định và những người có liên quan khác không được xem xét và các vị đại diện Viện Kiểm sát không tranh luận là một điều đáng tiếc. Thân chủ tôi có khai là bị đánh đập trong quá trình điều tra khiến hình ảnh của cơ quan điều tra xấu đi trong mắt nhân dân, nếu có mặt luật sư thì điều đó sẽ được giảm thiểu. Cần xem xét lại việc có mặt của luật sư trong các vụ án tương tự để tránh khả năng xảy ra oan sai. Về thẩm quyền của giám định viên: Chúng tôi phủ nhận vai trò của các giám định viên.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: Bản dịch được dịch qua công ty dịch thuật thiếu chuyên môn.

Luật sư Lê Văn Luân: Nhiều nội dung của tôi chưa được đối đáp. Thẩm quyền giám định. Nguồn chứng cứ được thu giữ không biết được thu giữ từ bà Trang hay được thu giữ từ một nguồn khác rồi đưa bà Trang ký? Nguồn chứng cứ không đảm bảo thì không thể làm chứng cứ để buộc tội. Cáo trạng chỉ căn cứ vào lời khai để buộc tội. Bút lục 1044, Kết luận số 2987 ghi rõ, chỉ trang đầu trong 41 trang tài liệu là chữ ký bà Trang, còn 40 chữ ký còn lại trong các trang sau không đủ cơ sở để xác định chữ ký là của ai. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ cải thiện vấn đề nhân quyền để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy HĐXX cần phải làm rõ sự thật khách quan của vụ án để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như cam kết của ông Thủ tướng.

Bà Trang bổ sung thêm: Ông Phạm Minh Chính là học trò của mẹ tôi. Trong việc thẩm định văn chương, nghiên cứu là vô cùng khó khăn nếu tác giả bài viết không nhận thì tôi thách cơ quan giám định, cơ quan điều tra xác định được.

Chủ tọa: Tôi nhắc nhở bị cáo về cách sử dụng ngôn ngữ tại tòa.

Bà Trang: Tôi nói rằng không ai chứng minh được tác giả của bài viết nếu người viết không xác nhận. Cơ quan điều tra tự dịch tài liệu rồi phát tán rồi gán cho tôi là tác giả và quy chụp trách nhiệm cho tôi là sai trái.

Luật sư Ngô Anh Tuấn: Chúng ta phải thừa nhận rằng, vụ án hình sự nào cũng phải có bị hại, không có bị hại thì có thể có vụ án hay không? Vụ án này bị hại là ai? Theo hồ sơ vụ án, ta có thể hình dung ra hai “bị hại” được nhắc tới, đó là “Chính quyền nhân dân” và “Nhân dân”. “Chính quyền nhân dân” thì bị phỉ báng, còn “Nhân dân” thì bị gây hoang mang!  Nhưng “Chính quyền nhân dân” ở đây cụ thể là ai? Và họ đã bị phỉ báng thế nào, để lại hậu quả gì không, họ đã lên tiếng thế nào…?  “Nhân dân” ở đây là ai và họ đã bị gây hoang mang như thế nào, có ai lên tiếng hay không?

Một vụ án mới đây mà TAND tỉnh Hòa Bình đã xét xử, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan điều tra là đã chứng minh người dân đã bị gây hoang mang, dù chỉ hai người thôi nhưng dù sao thì đó cũng là một cơ sở để cáo buộc bị cáo, còn vụ án này, chúng tôi không thấy bất kỳ một nạn nhân hiện hữu nào! Một vụ án không có nạn nhân thì chúng ta xử tội gì với bị cáo, điều này liệu có công bằng? Đề nghị đại diện Viện kiểm sát đối đáp lại để HĐXX có cơ sở nhận định và ra phán quyết một cách công tâm, khách quan.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: Tại sao hành vi đã diễn ra từ những năm 2016 nhưng không được xử lý? Có chăng cơ quan có thẩm quyền chỉ định xử lý hành chính rồi tới lúc không thể làm gì khác lại đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự?

ĐỐI ĐÁP TIẾP CỦA ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT

Các tài liệu được thu thập bằng tiếng Anh nên được dịch qua tiếng Việt là đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo để kết tội bị cáo mà còn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Nhiều bài đăng trên Facebook của bị cáo đã phát tán trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều like và chia sẻ của cộng đồng mạng nên không cần thiết phải chứng minh ai hoang mang hay không. HĐXX tuyên bố chấm dứt phần tranh luận trong khi kiểm sát viên chưa dứt nội dung tranh luận của mình, chuyển sang phần nghị án.

(Kiểm sát viên và các luật sư không kịp phản ứng gì; trước khi chuyển sang phần nghị án, chủ tọa cho phép bị cáo nói lời nói cuối cùng)

LỜI NÓI CUỐI CÙNG CỦA BÀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG

Tôi đề nghị các luật sư, trong phần lời nói cuối cùng của tôi, nếu bị ngắt giữa chừng thì mong các luật sư bảo vệ quyền được nói của tôi.

Bà Trang nói:

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: Chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả sáu tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến…

Chủ tọa nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!

Bà Trang tiếp tục: Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì?

Chủ tọa nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!

Bà Trang vẫn tiếp tục: Con người văn minh phải biết tôn trọng quan điểm của người khác. Tôi là nhà báo, tôi phải lên tiếng vì người yếu thế. Tôi không thể làm khác được. Nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Chủ tọa nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!

Bà Trang lại tiếp tục: Ngày hôm nay các vị có thể kết án tôi với bất kỳ mức án nào và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ.

Chủ tọa nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!

Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo dừng lại và vào phòng nghị án trong khi bà Trang đang nói.

Ông Phạm Chính Trực, anh trai bà Phạm Đoan Trang ngồi hàng ghế dự khán vỗ tay và nói lời ủng hộ, động viên em gái liền bị cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phòng xử án.

HĐXX vào phòng nghị án (15h55)

TUYÊN ÁN (17h)

HĐXX tuyên phạt bà Phạm Thị Đoan Trang mức án chín năm tù giam, cao hơn mức đề xuất của đại diện Viện Kiểm sát đề nghị.

P/S: Việc ghi chép của tôi không thể đầy đủ toàn bộ nội dung vì tôi vừa phải chuẩn bị nội dung công việc của mình đánh máy tài liệu nhưng những nội dung tôi ghi là hoàn toàn trung thực, khách quan như lâu nay tôi vẫn thường làm và như chính con người của tôi. Các luật sư đồng nghiệp sẽ bổ sungg, nếu còn thiếu sót…

(Tựa của SGN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: