Hà Nội đang trong vận xui, vừa bị cộng đồng mạng lên án vì toa rập với Vietnam Airlines trong những chuyến bay giải cứu hút máu đồng bào, nay lại bị đem ra xét xử vì những hành vi khuất tất, lừa dối nhân dân, bắt người trái phép và đồng thời tự ý xét xử người vô tội đến nỗi bị quật lại một cách thê thảm. Tòa án trở thành trò hề, công lý chỉ là một loại tạp chí, tồi tệ hơn Tạp chí Cộng sản.
Cả một tập đoàn tiếm danh tòa án với đầy đủ bộ sậu từ Thẩm phán tới Kiểm sát viên, từ Hội đồng xét xử tới Hội thẩm Nhân dân. Từ thư ký tòa án tới cả một đám khuyển ưng mang sắc phục công an có mặt trong tòa, tất cả khung cảnh ra vẻ trang nghiêm ấy trở thành lố bịch khi người bị đưa ra tòa trở thành vị chánh án, nghiêm khắc chỉ tay vào từng kẻ một giảng dạy cho bọn chúng biết thế nào là luật pháp, thế nào là di hại của một thể chế độc tài, độc Đảng.
Người phán xét ấy là Phạm Đoan Trang, đang làm cho cả một hệ thống công quyền rúng động và đồng thời thổi vào xã hội Việt Nam một luồng sinh khí mới.
Từ người bị dẫn ra xét xử Phạm Đoan Trang nhanh chóng ngay từ khi bắt đầu đã trở thành kẻ phán xét. Từng lời từng chữ khôn ngoan và cương quyết Phạm Đoan Trang đã bịt mọi ngõ ngách vu khống, áp đặt, lớn giọng tra vấn thường lệ của tòa án. Ngay từ câu trả lời đầu tiên Phạm Đoan Trang đã vỗ mặt Thẩm phán Chử Phương Ngọc khiến bà ta không khỏi bẽ mặt nhưng do đuối lý và nhất là ánh mắt bất khuất cùng hành động cương nghị của Phạm Đoan Trang đã làm cơn kiêu hãnh cộng sản của bà ta xẹp lép xuống một cách thảm hại.
Đây là lần đầu tiên một bản tốc ký ghi lại toàn cảnh với từng câu từng chữ xảy ra trong phạm vi tòa án đã được Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong năm luật sư bào chữa cho Trang ghi lại. Là một luật sư, ông hiểu rõ từng câu chữ của ông khi xuất hiện nếu có sai trái thì chính ông là người chịu trách nhiệm trước tòa án chứ không phải ai khác, vì vậy bản tốc ký được xem như một văn bản giá trị, miêu tả hành vi lời nói của mọi người trong phiên xử Phạm Đoan Trang vào sáng ngày 14/12/2021, theo thủ tục hình sự sơ thẩm với tội danh truy tố “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Phạm Đoan Trang bị cáo buộc viết sách, trả lời đài BBC và RFA, thành lập các hội nhóm văn nghệ và hát các ca khúc thời Việt Nam Cộng Hòa!
Trong Biên bản phiên tòa (Chữ in nghiêng) ngay từ lúc khai mạc, Phạm Đoan Trang đã làm chủ toàn bộ.
“Chủ tọa kiểm tra căn cước của bà Phạm Thị Đoan Trang
Chủ tọa đề nghị cảnh sát tư pháp tháo còng, bà Trang trả lời là không cần, cứ để im như vậy.
Chủ tọa hỏi: Bị cáo tên gì (giọng cứng):
-Tôi tên Phạm Thị Đoan Trang, nguyên là nhà báo của báo Vnexpress…
Chủ tọa: Bị cáo dừng lại, bị cáo trả lời từng câu hỏi của HĐXX (giọng cứng)
-Tôi đề nghị Chủ tọa giữ thái độ ôn hòa cần thiết
Chủ tọa: Hộ khẩu thường trú của bị cáo?
-Tôi không trả lời
Chủ tọa: Trình độ văn hóa của bị cáo?
-Tôi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, đại học Ngoại Thương Hà Nội.
Chủ tọa: Tên bố mẹ của bị cáo?
-Tôi không khai báo, ai làm người đó chịu”
Chủ tọa im lặng và có lẽ đang tìm cách gỡ sĩ diện, nhưng tiếc thay Phạm Đoan Trang không phải là người dễ lấn lướt qua các câu hỏi tiếp theo.
Sau khi Chủ tọa phổ biến nội quy phiên tòa cho bà Phạm Thị Đoan Trang.
“Chủ tọa: Bị cáo hiểu rõ quyền và nghĩa vụ mình chưa?
-Tôi nghĩ bà chủ tọa cũng nên hiểu quyền và nghĩa vụ của bị cáo.”
Đốp chát như thế là cùng! Đến phần cáo trạng:
“Chủ tọa: Cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì?
-Trong cáo trạng ghi rồi
Chủ tọa: Bị cáo trả lời HĐXX
-Trong cáo trạng ghi rồi, không cần hỏi tôi nữa
-Bị cáo có đồng ý với cáo trạng không?
-Không có quốc gia nào quy định tội danh này, trừ Trung Quốc và Việt Nam!
Đây! Chỉ thẳng mặt bọn chúng và lật mặt nạ giả danh giả nghĩa của hai tập đoàn vô luân nhất trên thế giới!
Trong phần giám định, Chủ tọa lại hỏi:
“Bị cáo có ý kiến gì về các kết luật giám định hay không?
-Tôi nghĩ chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới có giám định tư tưởng. Tôi không biết họ là ai, trình độ tới đâu mà đi giám định những tài liệu như vậy…
-Bị cáo có quyền đồng ý hay không đồng ý nhưng không bình luận, phần này để dành qua phần tranh luận
-Tôi bật cười khi đọc kết luận giám định.”
Ngạo nghễ và anh thư biết chừng nào! Đây không phải là bị cáo mà là người phán xét. Chỉ có người phán xét mới đầy đủ năng lượng tự tin và hào sảng đến như vậy.
Tới phiên đại diện Viện kiểm sát cũng không khá hơn, tiếp tục ê chề với những câu vừa trả lời lại vừa hỏi vặn một cách đanh thép:
“-Bị cáo có ý kiến gì về kết luận giám định không?
-Tôi nhận thấy có những thuật ngữ rất ngu xuẩn. Những từ ngữ kiểu như “Chiến tranh tâm lý” là không được phép có trong thuật ngữ pháp lý…
Chủ tọa nhắc: Bị cáo có quyền trả lời nhưng không có quyền đặt lại câu hỏi lại
-Tôi là nhà báo, tôi thấy nhiều cáo buộc là sai, ngu xuẩn.
Chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo xưng tôi hoặc bị cáo
-Không, ngôn ngữ là do tôi kiểm soát, việc sử dụng thế nào là của tôi”
Và đây, cái nút thắt mà Phạm Đoan Trang cột cả tòa án:
“Kiểm sát viên: Động cơ của bị cáo khi phát biểu và đăng tải các thông tin lên mạng xã hội là gì?
-Vậy tôi xin hỏi ngược lại, khi hỏi tôi, động cơ của bà là gì?
Chủ tọa đề nghị đại diện Viện kiểm sát dừng việc xét hỏi.”
Vở kịch chỉ kết thúc, mà kết thúc một cách ê chề, khi Phạm Đoan Trang được tòa đề nghị nói lời sau cùng. Rất bình thản, tự tin Trang đã làm nên lịch sử khi đứng ngay tại tòa án lớn tiếng kết án cả một hệ thống công quyền tiếm danh và tàn bạo. Phạm Đoan Trang nói không ngưng nghỉ, trôi chảy và đầy thuyết phục, nguyên văn của biên bản ghi chép như sau:
LỜI NÓI CUỐI CÙNG CỦA BÀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG
“Tôi đề nghị các luật sư, trong phần lời nói cuối cùng của tôi, nếu bị ngắt giữa chừng thì mong các luật sư bảo vệ quyền được nói của tôi.
Bà Trang nói:
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.
Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến…
-Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!
Bà Trang tiếp tục: Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì?
-Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại!
Bà Trang vẫn tiếp tục: Con người văn minh phải biết tôn trọng quan điểm của người khác. Tôi là nhà báo, tôi phải lên tiếng vì người yếu thế. Tôi không thể làm khác được.
Nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.
-Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại!
Bà Trang lại tiếp tục: Ngày hôm nay các vị có thể kết án tôi với bất kỳ mức án nào và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ
-Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại…!
Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo dừng lại và vào phòng nghị án trong khi bà Trang đang nói.”
Có đọc biên bản ghi chép này người ta mới thấy được sự thông minh và tràn đầy năng lượng của một người đàn bà nhỏ bé mang tên Phạm Đoan Trang.
Không ai nghi ngờ khả năng phản biện của Trang nhưng hôm nay người Việt biết thêm một khía cạnh khác của một người cương trực như chị, như nhà văn Tạ Duy Anh cảm khái:
“Dù bị tuyên bởi một bản án khắc nghiệt thì Phạm Đoan Trang cũng chỉ là tù nhân trong 9 năm, trong khi những người kết án cô thì chắc chắn là tù nhân vĩnh viễn của lịch sử.”