Phạm Đoan Trang, người tự do ngay cả khi bị cầm tù

Bà Phạm Đoan Trang tại phiên tòa ngày 14 Tháng Mười Hai 2021

Cuối cùng thì bản án bỏ túi cũng được rút ra để đọc sau một ngày người ta bày biện cái gọi là “phiên tòa sơ thẩm” để kết tội nhà báo Phạm Đoan Trang. Bản án chín năm tù giam cho cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” xem ra không làm công luận ngạc nhiên. Có chăng, chỉ khiến những người sắm vai thành viên trong Hội đồng Xét xử, hoặc những kẻ không lộ diện nhưng nắm quyền quyết định vận số của phiên tòa, thêm bẽ mặt. Thay vì tuyên án bảy hoặc tám năm tù giam như Viện Kiểm sát đề nghị, tòa án Hà Nội đã “khuyến mại” cho Phạm Đoan Trang thêm một năm nữa thành chín! Đó là một ngoại lệ hiếm thấy. Không biết có án quản chế sau khi mãn hạn tù không vì chưa thấy luật sư hay báo chí nào nhắc đến.

Tôi và nhiều người khác tin rằng, sở dĩ Trang được “khuyến mại” thêm một năm tù nữa là vì cô đã thằng thừng “vỗ” vào mặt tòa. Chứ gì thì gì, chế độ XHCN Việt Nam nói chung, nhất là ngành tòa án nói riêng, tuy ác, nhưng rất thích diễn vai nhân đạo. Đấy, cứ theo dõi các vụ án xét xử các lãnh đạo, quan chức tham nhũng, phạm tội, bao giờ chả có màn: “xét thấy bị cáo từng có công với cách mạng,….”, hay “vì bị cáo là người có nhiều thành tích phòng chống tội phạm, đóng góp nhiều công sức cho ngành công an…”, hoặc “bị cáo đã ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại hàng chục tỉ đồng…” v.v…, nên “vì sự khoan hồng của đảng, của chế độ XHCN, bị cáo được hưởng mức án.. bla bla…, để sớm được về đoàn tụ với gia đình, trở thành công dân tốt cho xã hội”.

Phạm Đoan Trang không được may mắn, hay chính xác hơn là cô đã “tước” mất cơ hội thể hiện màn kịch “khoan hồng” của những kẻ ngồi trên công đường xét xử cô. Nhiều năm hoạt động nhân quyền, theo dõi và nghiên cứu nhiều vụ án xét xử người bất đồng chính kiến, Phạm Đoan Trang hiểu rõ về những chiêu trò, thủ đoạn mà chế độ đã sử dụng trong các phiên tòa. Chính vì thế, khi gặp luật sư, cô đã chuẩn bị trước “lời nói cuối cùng” của mình và nhờ luật sư ghi lại, phòng khi ra tòa cô không được nói. Đúng như Trang dự đoán, khi đang nói “lời nói cuối cùng”, cô liên tục bị thẩm phán cắt ngang. Những tuyên bố đanh thép và đầy trí tuệ mà Luật Khoa Tạp Chí đăng tải dưới đây, được chú thích là “lời nói cuối cùng” của Phạm Đoan Trang trước phiên tòa hôm nay, ngày 14 Tháng Mười Hai 2021:

“Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: Chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả sáu tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

“Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến, người viết sách, viết báo, người phản biện xã hội, người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

“Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì? Văn minh nhất là chính quyền đó không làm gì cả bởi vì con người văn minh là phải biết cách tôn trọng quan điểm và lợi ích của người khác. Trong trường hợp tệ hơn, nếu chính quyền đó có máu độc tài và thấy rằng những điều công dân đó nói là không thể chấp nhận được, thì chính quyền có thể chỉ đơn giản là viết lên những cuốn sách, những bài báo phản bác lại quan điểm của công dân đó, thậm chí mạnh dạn liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí nước ngoài để xin họ bố trí cho một cuộc phỏng vấn, trong đó người của chính quyền có thể nói lên những quan điểm của mình, phản bác quan điểm của công dân kia. Nhưng Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã không làm như thế mà chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

“Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

“Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được. (Hết trích).

Chắc là quan tòa cũng thuộc diện “bản lĩnh phi thường” mới đủ kiềm chế để không “phọt – mô- sa” ra con số 12 năm kịch khung, điều (có lẽ) chưa có tiền lệ đối với các vụ án chính trị thời đại Internet. Như thế, kể cũng đáng khen.

Mà có phải mỗi “bị cáo” đáng ghét đâu. Đã nhân đạo đến mức cho phép mẹ và anh trai “bị cáo” vào tham dự phiên tòa, vậy mà còn không biết điều. Đây, xin xem ông Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư của Phạm Đoan Trang viết trên trang Facebook cá nhân:

Mới mở đầu phần thủ tục phiên tòa, hội đồng xét xử đã phải vào trong hội ý vì luật sư nêu ra hàng loạt (!!!) cho phiên tòa đã chưa được thực hiện. Tranh thủ, Đoan Trang quay lại nhìn về phía người mẹ đang ngồi cách mình khoảng sau 5m. Người mẹ, tuổi đã trên bát tuần đưa ngón tay cái “number one” động viên con. Vắn tắt, đơn sơ, nhưng qua đầy đủ cho một cử chỉ động viên con gái mình đang đối diện với nghịch cảnh cuộc đời. Có lẽ, chỉ có dòng máu anh thư chảy trong quản người mẹ Việt mới có thể luân chuyển, hun đúc nên tinh thần kiên cường của một Đoan Trang mà chúng tôi phải ngả mũ từ rất xa”. (Hết trích).

Buổi chiều, sau khi nghe Phạm Đoan Trang nói xong lời sau cùng, anh trai cô là ông Phạm Chính Trực đã đứng dậy vỗ tay rồi nói to giữa tòa rằng gia đình luôn tự hào về Đoan Trang. Đồng thời, ông cũng tỏ thái độ phản đối việc tòa án xét xử bất công đối với em gái mình. Ngay tức khắc, ông Trực bị xốc nách tống ra ngoài và không kịp nghe bản án dành cho Trang. Hôm nay, không chỉ có gia đình và những người ủng hộ thấy tự hào về Phạm Đoan Trang. Hẳn là cô cũng đã rất tự hào về mẹ và anh trai mình.

Sau khi Toà tuyên án, cô Đoan Trang quay lại nhìn mẹ đang đứng một mình giữa phòng xử nói lớn: “Mẹ ơi! Con yêu Mẹ! Con không sợ gì đâu. Mẹ giữ sức khỏe nhé!” Nói xong, cô Đoan Trang bị hai nữ công an xốc nách kéo đi giữa một rừng công an – lời kể của luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong năm luật sư nhận bào chữa cho cô Phạm Đoan Trang.

Trong phiên xử Trang, đại diện các đại sứ quán Mỹ, Canada, Đức và Liên minh Châu Âu (EU) được vào quan sát phiên xử. Trong khi đó, theo Luật Khoa Tạp Chí, đại diện của Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Hà Lan, Anh và Pháp thì bị ngăn cản. Sau khi tranh cãi một hồi lâu thì tòa cho họ vào dự. Nhưng sau giờ nghỉ trưa, tòa lại không cho các viên chức ngoại giao này tiếp tục vào tham dự nữa. Không biết vào giờ chót thì họ có được mời vào không hay lại phải ra về giữa chừng?

Xin lưu ý là, nhà nước CSVN thường từ chối yêu cầu hoặc ngăn cản các phái đoàn quốc tế tham dự các phiên xử những người bất đồng chính kiến. Nếu vì lý do nào đó bắt buộc phải đồng ý, thì các “quan sát viên” ngoại quốc này đều được sắp xếp ngồi tại một phòng khác trong trụ sở tòa án và theo dõi phiên xử qua màn hình, nơi mà hình ảnh của “bị cáo” sẽ không được rõ nét hay đẹp đẽ gì cho lắm. Trong khi đó, micro sẽ liên tục gặp “sự cố” như âm thanh rè, không rõ hoặc mất tiếng mỗi khi đến phiên “bị cáo” và luật sư biện hộ được nói.

Hôm nay và hôm qua, Phạm Đoan Trang và những người cùng chí hướng với cô chấp nhận đứng ở vị trí “tội nhân” trước chế độ cộng sản Việt Nam là để ngày mai, những phiên tòa đáng xấu hổ như thế sẽ không được phép hiện diện trên đất nước này nữa. Tự do không nói suông mà có. Những người từng hoặc đang dấn thân cho Tự do đều biết điều ấy. Không ai muốn đi vào lịch sử bởi những biến cố đau thương này. Nhưng lịch sử mai sau nhất định sẽ ghi lại những gì xảy ra hôm qua, hôm nay. Nhiều người nói rằng, đấu tranh chẳng mang lại điều gì ngoài những bản án tù dài đằng đẵng. Đấu tranh mà bị tù là sự thất bại. Tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng những người vì Tự do mà tranh đấu, những người vì Dân tộc mình mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại. Nếu vì tự do, vì những giá trị tốt đẹp của con người mà tranh đấu để rồi bị bắt thì càng phải đấu tranh chống lại thế lực cầm quyền, những kẻ đã đàn áp và bỏ tù mình.

Phạm Đoan Trang đã dấn thân cho Tự do. Cô ấy luôn là người Tự do ngay cả khi bị cầm tù.

***

ĐỌC THÊM:

Những lời tâm sự của bà Phạm Đoan Trang

“Luật” cho Phạm Đoan Trang

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: