Phận đời của những nữ phu xe thồ hàng thời nay

Chợ đầu mối trái cây mang tên Long Biên ở quận Ba Đình, Hà Nội là nơi có nhiều phụ nữ làm nghề thồ hàng vất vả – Ảnh: Dân Trí

Long Biên là chợ đầu mối trái cây ở quận Ba Đình, Hà Nội, chuyên hoạt động từ nửa đêm đến rạng sáng. Ở đây việc thồ hàng từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài vào trong, hầu hết đều do phụ nữ đảm trách, chiếm 70-80% số lượng phu xe thồ hàng.

Trong một phóng sự ảnh ngày 20 Tháng Mười 2023, Dân Trí cho biết có lúc tại chợ này có đến 800-1,000 phụ nữ chuyên thồ hàng bằng cách kéo xe hoặc gánh. Họ có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đa số tầm trung niên đến lớn tuổi, đến từ nhiều tỉnh lân cận Hà Nội, như Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương.

Họ miệt mài làm việc cả tuần, kể cả lễ tết. Đối với họ, không có ngày 8 Tháng Ba cũng như không có ngày 20 Tháng Mười – ngày mà phụ nữ Việt Nam nhao nhao đòi quà và khoe quà trên mạng xã hội.

Ghi nhận của Dân Trí lúc một giờ sáng 20 Tháng Mười ở chợ Long Biên cho thấy người mua, kẻ bán ra vào chợ không ngớt, còn xe tải xếp thành hàng dài chờ bốc hàng vào chợ. Đây cũng là thời gian làm việc của những phu xe, bốc vác mưu sinh tại chợ.

Thật không tưởng tượng nổi là những phụ nữ hành nghề thồ hàng ở chợ này có thể kéo xe hàng nặng 300-400kg, chẳng kém gì đàn ông.

Người gánh, người kéo, không chỉ có phụ nữ trung niên mà còn có cả người lớn tuổi – Ảnh: Dân Trí

Bà Minh Tâm (42 tuổi, quê Hưng Yên) kể, lúc chiều tối chồng và con gái có gọi điện thoại chúc mừng mẹ và dặn mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Bà thổ lộ rất nhớ nhà, nhớ con, muốn về nhưng không có tiền, nhiều chi phí quá nên phải cố.

Nỗi khổ nhất trong nghề của họ là phải oằn mình kéo xe hoặc gánh oằn vai cả tạ hàng qua con dốc ở đầu chợ Long Biên. Hai giờ sáng, tiết trời se lạnh mà mồ hôi vẫn nhễ nhại trên khuôn mặt của những phụ nữ thồ hàng.

Bà Mai Tâm (46 tuổi, quê Hưng Yên) than thở bà ngán nhất con dốc này, nhưng vẫn phải cố. Có lần xe hàng nặng quá không kéo qua được con dốc, bà ngã xuống đường, xước hết hai đầu gối.

Một nhân viên bảo vệ tại chợ Long Biên cho Dân Trí biết, khoảng 70-80% phu xe ở chợ Long Biên là nữ. Lúc cao điểm, tại chợ Long Biên có khoảng 800-1,000 phụ nữ kéo xe.

Lạ lùng là Dân Trí bỏ qua chi tiết về thu nhập của những phu xe thồ hàng này.

Từ các vùng quê nghèo thuộc nhiều tỉnh lân cận Hà Nội, nhiều phụ nữ chấp nhận nghề vất vả này vì họ có thu nhập ổn định – Ảnh: Dân Trí

Lao Động Công Đoàn ngày 20 Tháng Ba 2021 cũng làm phóng sự ảnh về những phụ nữ thồ hàng ở chợ này, cho biết mỗi xe kéo của họ xếp vài chục thùng trái cây, vượt cao hơn người, họ phải trang bị bao tay để chống trơn trượt; còn thúng hai bên thì chất đến không còn chỗ chứa, đòn gánh cong oằn trên vai họ.

Bất chấp thời tiết thế nào, những người thồ hàng thuê cũng không nghỉ, liên tục di chuyển hàng từ chỗ xe tải vào từng sạp hàng trong chợ.

Không đủ tiền sắm xe kéo thì xin vai đẩy hàng từ phía sau, thu nhập bằng nửa người có xe kéo – Ảnh: Lao Động Công Đoàn

Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Hai 2014 cung cấp nhiều chi tiết nhất về nghề này, nhưng số liệu e đã cũ, không còn chính xác.

Tuy nhiên, những mô tả về nghề nghiệp này vẫn đúng đến ngày nay: Vài trăm người phu xe thồ hàng ở chợ Long Biên hầu hết là phụ nữ nghèo từ nhiều tỉnh lân cận Hà Nội.

Chiếm số đông là phụ nữ nghèo ở Làng Gạo (xã Hồ Tùng Mậu, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ những năm 1990 những người dân nghèo ở đây đã ra Hà Nội làm đủ thứ nghề từ nhặt rác, bốc vác đến kéo xe, thồ hàng, ai thuê gì làm nấy. Dần dần thấy nghề kéo xe ở chợ tuy vất vả nhưng có thu nhập ổn định nên họ quyết định gắn bó. Có người làm nghề này đã ngót 20 năm, có gia đình cả nhà cùng làm…

Hành trang của những phụ nữ thồ hàng chỉ là một chiếc xe kéo hai càng (hoặc một đôi quang gánh) và một túi cước nhỏ để đồ vặt vãnh, công việc bắt đầu từ 22 giờ đến tảng sáng, bất kể mưa nắng hay tiết trời giá lạnh mùa Đông.

Những phụ nữ thồ hàng làm việc mỗi ngày bất kể mưa nắng, thời tiết giá lạnh – Ảnh: Lao Động Công Đoàn

Một phụ nữ 48 tuổi, quê Xuân Trường (tỉnh Nam Định) có vẻ mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, nước da đen nhẻm là bà Nguyễn Thị Hòa đang oằn mình kéo chiếc xe chở hơn 500 ký xoài xanh qua các con dốc lởm chởm đất đá, khúc khuỷu.

Hơn chục năm nay, đêm nào bà cũng có mặt ở chợ từ 22g đến sáng. Chiếc xe kéo hai càng bà mua từ lúc mới vào nghề với giá 3 triệu đồng nay đã hoen gỉ, biển số đã mờ gần hết.

Đôi tay sần sùi những vết chai, bà kể những ngày đầu mới vào nghề bà sợ lắm, chân tay phồng rộp hết cả, mỏi mệt đến mức mở mắt không nổi, thế rồi chịu khổ mãi bà cũng quen dần.

Mỗi một thùng trái cây, bà được trả công 2,000-3,000 đồng, kéo một xe chỉ được 30,000 đồng; cả đêm làm liên tục mới được 200,000-300,000 đồng. Kiếm được tiền, bà Hòa chỉ dám tiêu rất ít, phần lớn đều dành dụm gửi về quê nuôi ba đứa con với cha mẹ già, vì chồng bà mất sớm.

Có những đêm con gọi điện xin tiền đóng học phí mà bà chưa có thì dù có ốm nặng bà vẫn cố ra chợ để kéo xe, với ước mơ một ngày các con ăn học nên người, không phải kéo xe như bà.

Thời tiết đêm giá lạnh mà mồ hôi của những phụ nữ thồ hàng đổ ra như tắm – Ảnh: Dân Trí

Bên cạnh những phụ nữ có tiền sắm xe kéo thì cũng có những người chỉ có thể đẩy hàng thuê cho người có xe. Mỗi chuyến đẩy xe họ được chia 1/3 tiền công, khoảng 7,000-10,000 đồng/chuyến. Mỗi đêm vắt kiệt sức thì những người này cũng chỉ kiếm được 100,000-150,000 đồng.

Nỗi ám ảnh lớn nhất với những phụ nữ thồ hàng ở đây là con dốc giữa cổng chợ và gầm cầu: Dốc cao lại lởm chởm đất đá, nhiều lúc kiệt sức không kịp thắng, chiếc xe nặng vài tạ đổ ập là chuyện thường.

Với thâm niên 12 năm bám chợ, bà Hoàng Thị Liên (45 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội) đã chứng kiến nhiều cảnh vấp ngã, đổ máu do trượt tay, xe hàng nặng 4-5 tạ đổ vào người, nặng thì gãy chân gãy tay, nhẹ thì trật khớp, trầy gối của những phu xe.

Nhiều người ở chợ còn truyền tai nhau câu chuyện một phụ nữ quê Hưng Yên trở dạ đau đẻ khi đang kéo xe ngoài chợ, người khác thì do lao động nặng quá nên chẳng thể sinh con, có người bị cong cột sống phải bỏ nghề, người thì sinh con thiếu tháng… Đó là hậu quả mà phụ nữ thồ hàng ở chợ đêm Long Biên phải gánh chịu.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đức, Trưởng ban quản lý chợ Long Biên lúc đó, cho biết chợ cấp biển số cho 300 xe kéo, thu phí mỗi xe 5,000 đồng/đêm, và không cấp thêm biển số mới. Ban quản lý chợ không quản lý số phu xe mà chỉ quản lý số xe kéo và tình hình an ninh trật tự chung của chợ, nên không rõ cuộc sống của những phu xe.

Phu xe thồ hàng ở chợ Long Biên chỉ một lát cắt về sự khổ cực vất vả của phụ nữ Việt Nam nói chung.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: