1-
Có nơi đâu?
Con Người nào?
Thảm thiết Việt Nam!
2-
An Lộc tháng Năm sôi vũng lửa
Chết không mồ, hồn gào vỡ cõi âm
“Giải phóng nào”!
Giết đồng bào không ghê tay
Dẫu da vàng, máu đỏ
Hở Bắc quân!
3-
Vẫn thấm hiểu sống lâu thêm tận khổ
Phận con người khốn khó cũng nên quen
Thân trần thế lưỡi nhọn đâm ghê sắt
Con Trời kia hằng phải chịu mão gai
Buổi khởi cuộc vỡ bi ai khóc ngất
Lần ra đi phải bỏ cuộc xuôi tay
Còn gì nào?
Kiếp đoạn thoáng mây bay…
4-
Vâng, rất biết nơi nầy là cõi tạm
Vẫn làm sao cố sống tận hôm nay?
Những tưởng trời cao kia có mắt
Hóa ra hằng nhắm chặt, buông tay
Cứ ngỡ cuộc tình kia tốt đẹp
Cuối cùng giăng tử huyệt chết không hay
…
Nhìn suốt tận chân mây thăm thẳm
Có hay không chớp ngắn tại bây giờ?
Thắc thỏm tử/sinh không là đáng sợ
Hơi thở dài vụt tắt – Một cơn mơ
…
Nơi xứ xa dội bom nổ súng
Nhân loại toàn cầu khẩn tiếng thương tâm
Dân tôi thảm khốc dầm thân vũng lửa
Nào mấy ai chia nhẹ nỗi oan hờn
Việt Nam!
Ôi vô vàn thống khổ!
Ác độc dựng tua tủa
Từ nhà mồ,
Nơi Hà Nội,
“Sự Thật” có hay không?
5-
Viết lại lời thơ nhớ buổi Tháng Tư,
Năm mươi năm xưa oán hờn chạy loạn
Thây ngã chết chật chín cây số đường kinh hoảng
Xương, thịt người kẹt nghẽn xích xe tăng
Pháo Bông Lau rầm rập bắn (*)
Xung phong!
(*) Pháo đoàn Bông Lau/CSBV lập thành tích “Diệt Gọn” trên chín cây số Đại Lộ Kinh Hoàng. Quảng Trị, 29/4/1972
6-
Ngày trên đất Việt bắt đầu với nỗi khổ
Chung quanh thiên hạ khóc như mưa
Giọt nóng cháy bỏng tưởng hơ lửa
Càng khóc càng thấm hiểu đoạn trường
7-
Tháng Ba uất hận tới xương
Tháng Tư cởi áo gục đau lề đường
Cắn môi, thấm máu uất hờn
Lính, dân lâm tử cùng lần quê hương
8-
Đêm Sài Gòn sau Tháng 4, Bảy-lăm
Bà ngoại ẩn thân thâu bóng đêm,
Sợ ngày trời sáng
Lên công an phường nộp phạt,
Tường trình con bế cháu vượt biên.
9-
Trên Thập Giá đời, mỗi đồng bào tôi vác nặng
Ôi nợ Con Người, trả mãi không xong
Từng giây phút, trẻ thơ gào khóc đói
Ngày ngày uống Chén Khổ thất thanh!
Phan Nhật Nam
Viết trong lửa Tháng 3,4,5 | 1972 Ở An Lộc, Quảng Trị; Và sau 30 Tháng 4 | 1975 tại Sài Gòn.