Phiên tòa của bọn “đại ma đầu” xử bọn cướp cạn

Phiên tòa của bọn “đại ma đầu” xử bọn cướp – Minh họa: VTC

Nghe ông (cựu) tướng công an Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nội, tự bào chữa trong vụ án “chuyến bay giải cửu”, thấy mà thương!

Thương cho cái kiếp công an, leo đến gần cuối đời, lấy được chữ Thiếu (tướng) thì ngã ngựa.

Có người nói “tại thằng chả thiếu đức”. Người khác vặn vẹo lại “Có đức đâu mà thiếu? Mà người có đức độ thì chắc họ không làm công an”. Nghe cũng đúng!

Từ “đổ vỡ niềm tin”…

Trước tòa, ông Tuấn nói, ông “đau đớn” vì tin tưởng cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng. Từ đó, ông “đổ vỡ niềm tin” nên khai “toạc móng heo” toàn bộ vụ chạy án.

Trong suốt một tiếng đồng hồ tự bào chữa, ông Tuấn kể lại kế hoạch chạy án với Hưng như thế nào, những lần đưa tiền (toàn là đôla Mỹ) cho Hưng ra sao, rồi ông dùng lý lẽ công an để “giải mã” trong cái cặp khóa số ông đưa cho ông Hưng là 450 ngàn đôla Mỹ chứ không phải 4 chai rượu vang như lời khai của Hưng. Ông lý giải như thế này:

“Anh Hưng nói trong cặp số là mấy chai rượu thì không nghe được. Chả ai bỏ rượu vào cặp số mang đi, nói thế trơ tráo quá. Anh em mình được biếu hàng trăm, ngàn chai rượu chưa ai bỏ vào cặp số cả. Anh em mình cũng đi biếu hàng trăm, hàng ngàn chai rượu cũng chưa bao giờ bỏ vào cặp số. Vì mang tiền lên Trần Bình Trọng nên phải bỏ vào cặp số”.

Nghe thì hữu lý. Ai đời có mấy chai rượu vang mà lại bỏ vào chiếc cặp khóa số “xịn sò” như thế? Nhưng nếu có dò kính lúp tìm trong bộ luật hình sự, hoặc trong bộ luật bất thành văn của công an, chẳng có điều nào cấm người ta bỏ rượu vào cặp có khóa số cả!

Thế nên, người ta gọi đó là thứ lý luận cùn của công an. Thứ lý luận của ông Tuấn giống y tên kiểm sát viên giữ quyền công tố: Ông Tuấn chẳng có tư thù gì với ông Hưng cả, thế nên những lời khai của ông Tuấn về chuyện đưa 450 ngàn đôla Mỹ cho ông Hưng đương nhiên là… đúng!

Làm công tố dễ thế thì ai cũng làm được.

Ông Tuấn nói ông quá hối hận vì giúp bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu phó giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) chạy án. Ông phân trần tại ông vừa thương người em gái kết nghĩa, lại vừa tin Hưng, người ông xem như em làm ở Cục An ninh Điều tra, nên mới xảy ra cớ sự. Ông nói ông không có động cơ mục đích hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Hằng, “mọi người tin cậy mình trung gian đứng ra giúp chứ không sung sướng gì cả”.

Tự bào chữa, cựu phó giám đốc công an nói lý do khai ra vụ chạy án liên quan Hoàng Văn Hưng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đấy! Cái kiểu lý luận của ông Tuấn cứ trơn tuột như lươn để chứng minh rằng ông bị oan, rằng ông bị mất niềm tin vào tình đồng chí, rằng ông bị phản bội,…

Ông quên mất một điều, trong số tiền bà Hằng nhờ ông giao cho Hưng, ông có giữ lại 400 ngàn đôla Mỹ. Chẳng biết ông giữ lại số tiền đó với động cơ mục đích gì,… Khó nói nhỉ? Há miệng sẽ mắc quai, nên thôi, quên đi.

Nhưng nói cho cùng thì số tiền “cò” ấy cũng chưa đến 20% tổng số tiền ông Tuấn khai đã giao cho Hưng. Tính ra cũng còn rẻ, nhưng thà cứ “sòng phẳng” với nhau, chứ cứ đưa chuyện nhân nghĩa, tình cảm vào đây, chỉ tổ làm cho người ta ghét.

Ông Tuấn vẫn luôn một mực cho rằng ông ta chỉ giúp bà Hằng vì thương người. Ông nói ông “ngu thì phải chịu, sai thì phải chịu, thương người thì phải chịu, quá tin em (ý nói Hưng) thì phải chịu. Còn em như thế nào thì không biết”.

Ông Tuấn là đảng viên cao cấp, mà lại có “niềm tin” về con người cộng sản (như ông Hưng) như thế cũng là lạ. Vì đã từ lâu, khi hỏi bất cứ người dân thường nào, họ có tin cán bộ đảng viên có chức có quyền trong sạch không, thì ngay cả người bệnh tâm thần cũng trả lời là “Không!”

… đến ‘khắc phục hậu quả’ quá tay

Ông Tuấn cho biết, ban đầu khi bị bắt tạm giam và khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông đã có ý kiến bởi ông không có hành vi trên. Sau đó, cơ quan điều tra đã chuyển đổi tội danh của ông Tuấn thành Môi giới hối lộ.

Theo khai báo của ông Tuấn, và bà Hằng, ông Tuấn đã đưa cho ông Hưng 2.650.000 đôla Mỹ. Tuy nói giúp bà Hằng vì thương người, nhưng ông cũng giữ lại cho mình 400.000 đôla Mỹ. Xem như đó là tiền môi giới.

Ông Hưng dứt khoát không nhận bất cứ tội nào do Viện kiểm sát đưa ra, không nhận đã cầm 2.650.000 đôla Mỹ như lời khai của ông Tuấn, bà Hằng và ông Sơn (Giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh).

Bởi thế cho nên, trong chương trình giúp các bị cáo giảm bớt tội bằng cách nộp lại tiền hối lộ để khắc phục hậu quả, ông Hưng không nộp đồng nào cả. Ông nói, ông không nhận tiền thì lấy đâu mà nộp lại!

Chương trình “nộp tiền khắc phục hậu quả” được hiểu đại khái như thế này: Hội đồng Xét xử sẽ tác động các bị cáo, nói rằng tội mấy anh, mấy chị nặng lắm, chúng tôi sẽ ra án “kịch khung”. Tuy nhiên, để giúp các anh chị “sớm trở về với nhân dân, với gia đình”, chúng tôi có chương trình giảm bớt án bằng cách đóng tiền. Đóng càng nhiều tiền, càng được xem xét giảm án nhiều, ai ngoan cố không đóng thì coi như cứ xác định “một đi không trở lại”.

Đấy! Quan tòa mà nói thế thi thằng tù nào mà không sợ. Thôi thì thà đổi tiền lấy ít năm tháng cuối đời sống bên ngoài, chứ tiền nhiều mà ở trong tù thì có xài được đâu.

Thế là cả đám thi đua lập thành tích nộp tiền khắc phục hậu quả. Kết quả “phấn khởi” lắm:

Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng. Gia đình ông Kiên đã nộp 35 tỷ đồng với mong muốn giảm mức án từ tử hình xuống tù chung thân cho ông Kiên.

Bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Ảnh: VTC

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, gia đình bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả 16,2 tỷ đồng. Ông Dũng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù.

Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) bị cáo buộc nhận hối lộ 4,3 tỷ đồng, nhưng lại nộp 4,47 tỷ đồng. Chắc bị cáo tính luôn phần tiền lời.

Ai cũng nộp tiền vào để mong tòa xem xét họ có thành ý chuộc lại lỗi lầm, giảm án tù kha khá để kịp về dưỡng già.

Riêng trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn mới lạ. Ông bị cáo buộc tội môi giới để bà Hằng đưa hối lộ cho ông Hưng 2,6 triệu đôla Mỹ. Ông nhận 400.000 đôla Mỹ, xem như tiền “cò”, nhiều người nghĩ giờ nộp lại là xong. Với mức án đề nghị 6-7 năm tù, chắc ông Tuấn chỉ ngồi tù thêm một năm nữa là xong.

Đời mà đơn giản thế thì còn gì vui.

Chẳng biết dựa vào đâu, Viện Kiểm sát buộc ông Tuấn phải chịu trách nhiệm về số tiền 2,6 triệu đôla Mỹ. Người ta cũng chẳng biết ai xúi, hoặc bị sức ép, cũng có thể sợ quá hóa lú lẫn, ông Tuấn nộp vào tới 1,8 triệu đôla Mỹ để khắc phục hậu quả (!?) Ông Tuấn nói trước tòa như thế này:

“Tổng số tiền anh em cho vay để nộp khắc phục là 1,8 triệu đôla Mỹ, hơn 40 tỉ. Tôi không hưởng lợi mà phải chịu trách nhiệm dân sự 40 tỉ. Nhưng tôi ngu phải chịu. Tôi sai lầm phải chịu, tin em mình phải chịu”.

Chưa hết, khi khám nhà ông Tuấn, cơ quan điều tra tạm giữ 210.000 đôla Mỹ và 146 lượng vàng. Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục tạm giữ số tài sản này và phong tỏa 1 tỷ đồng trong tài khoản của ông Tuấn để bảo đảm thi hành án.

Tài khoản Phạm Văn Sanh viết trên Facebook: “Chẳng biết anh em của ông Tuấn là ai mà tốt với ông như thế. Tôi không tin. Có thể đây là tiền ông Tuấn ‘chặn hầu, bóp cổ’ nhiều người mới có được trong suốt thời gian làm công an, chứ chẳng có anh em nào ở đây cả. Giờ ông nhận quả báo cũng đúng thôi”.

Phiên tòa của  bọn “đại ma đầu” xử bọn cướp

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng dứt khoát không nhận tội – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nếu hỏi cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng có nhận 2,6 triệu đôla Mỹ để chạy án cho bà Hằng, ông Sơn hay không, thì đa số sẽ trả lời “Có”. Tuy nhiên, để chứng minh ông Hưng phạm tội, bên công tố cần phải có chứng cứ xác đáng, chứ không thể dựa vào lời khai của một vài người “cùng phe”, và một thứ lý luận “giẻ rách” được.

Nếu chịu khó nghe Viện Kiểm sát đặt câu hỏi với các bị cáo ngay tại phiên tòa, người ta sẽ thấy sự ngu xuẩn, dốt luật của các kiểm sát viên. Đó là lý do để tay điều tra kỳ cựu Hoàng Văn Hưng dễ dàng phản bác lại những lời buộc tội.

Nhiều người dự đoán rằng, cuối cùng bị cáo Hưng cũng bị buộc tội và ngồi tù dù bên công tố chỉ đưa ra được những lời khai vô nghĩa. Nếu quan tòa không dùng một rừng luật để buộc tội anh được, thì họ sẽ dùng luật rừng.

Bà Cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị VKS đề nghị 18-19 năm tù về tội Nhận hối lộ với số tiền 25 tỷ đồng. Bà đã nộp khắc phục 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản của bà Lan bị kê biên thu giữ khoảng 29 tỷ đồng. Thế không phải là bị bọn “đại ma đầu” trấn lột thì gọi là gì? – Ảnh: VNExpress

Chương trình nộp tiền khắc phục hậu quả để nhận sự khoan hồng của luật pháp, nghe qua có vẻ như đó là một chương trình giúp các bị cáo mau chóng trở về với gia đình, xã hội. Nhiều người trên mạng xã hội lại cho rằng đó là cách bọn “đại ma đầu” xử bọn cướp.

Họ nói, đó chẳng qua chỉ là thủ thuật, chiêu trò của bọn “đại ma đầu” khi muốn moi tiền của bọn cướp mà thôi. Bọn cướp trấn lột người dân, bọn “đại ma đầu” trấn lột lại bọn cướp. Cuối cùng, số tiền đó đi về đâu sẽ không ai biết. Chẳng bao giờ có chuyện bồi thường cho nạn nhân của hàng ngàn “chuyến bay giải cứu”, vì đây là phiên tòa không có bị hại, mà chỉ toàn bọn cướp và bọn ma đầu mà thôi. Chúng phải xử nhau để tồn tại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: