Đêm 29 Tháng Tư, Sapa đón nhận những trận mưa lớn, khiến nhiều nơi ngập nặng.
Một số tuyến đường khu vực trung tâm thị xã Sapa, trong đó đường Lương Định Của ngập sâu khoảng 30 đến 50 cm khiến nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy. Nhiều du khách lên đây sớm với ý định tận hưởng không khí mát lạnh nhiều hơn khi chưa có nhiều người lên, đã thở dài thất vọng.
Chị Nguyễn Trà My, du khách từ Hà Nội lên Sapa, cho biết đang rất buồn vì chị và chồng lên Sapa du lịch, nhưng từ đêm 29 Tháng Tư thì gặp mưa lớn, nhiều tuyến phố “ngập như sông” nên không thể “mặc áo lạnh, tay trong tay” xuống phố được.
Không chỉ ở Sapa bị ngập lụt, theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết từ tối 28 đến tối 29 Tháng Tư, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40 – 80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Văn Chấn (Yên Bái) 134mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 85mm, Hòn Dấu (Hải Phòng) 88mm, Môn Sơn (Nghệ An) 98mm, Sơn Kim 2 (Hà Tĩnh) 123mm… Trong tối 28-4, tại Mường Khương, Sa Pa (Lào Cai) có mưa đá.
Những trận mưa này đã làm hơn 1,600 nhà dân bị hư hỏng do mưa đá, dông lốc tại các tỉnh miền Bắc.
Thống kê nhanh của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ, Tuyên Quang, mưa dông, mưa đá từ tối 28 đến ngày 29 Tháng Tư làm 1,635 ngôi nhà hỏng mái và tốc mái, 2,538 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại và 11 trường học bị ảnh hưởng…
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết không khí lạnh ảnh hưởng cũng khiến nền nhiệt tại các địa phương ở Lào Cai giảm thấp trong ngày 30 Tháng Tư.
Lạnh nhất tại Sa Pa, trời chuyển rét đậm với nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Từ ngày 1 Tháng Năm trở đi, mưa giảm về lượng và diện, nhiệt độ gia tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số khu du lịch như Sa Pa, Y Tý vẫn có xu hướng mưa, chủ yếu về đêm.
Một chuyên gia về khí tượng thủy văn (không nêu danh tính) cho biết sở dĩ Sapa nhanh chóng bị ngập khi gặp mưa lớn là do hệ thống tiêu thoát nước rất kém, “thậm chí chúng ta có thể nói chính quyền đã bỏ mặc việc tiêu thoát nước cho thiên nhiền, họ nói chẳng cần xây dựng chúng vì nước mưa tự trôi xuống dưới xuôi!”
Một lãnh đạo thị xã Sapa có vẻ khó chịu về lời phát biểu của chuyên gia này, ông phủ nhận và cho rằng nguyên nhân khiến Sa Pa ngập là do mưa lớn trong thời gian ngắn nên ngập ứ cục bộ ở các vùng trũng trên một số tuyến phố của thị xã. “Do Sapa ở trên cao hơn 1,500 mét, độc dốc lớn nên chỉ ngập cục bộ một số điểm rồi thoát rất nhanh.”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính lời phát biểu của lãnh đạo thị xã mới vô trách nhiệm. Một kiến trúc sư (giấu tên) chia sẻ, nguyên nhân ngập lụt ở Sa Pa trước mắt ai nhìn cũng thấy là do mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn, nhưng đó không phải là nguyên nhân sâu xa.
“Việc chặt cây, phá rừng xây nhà hàng, khách sạn, làm đường vào các thung lũng… làm nước dồn từ trên cao xuống; quy hoạch nghiệp dư; bê tông hóa bề mặt làm giảm khả năng thẩm thấu của nước… là nguyên nhân khiến Sapa ngập lụt.”
Dù kiến trúc sư này không đổ lỗi cho ai, nhưng người dân cũng thấy rõ “vì ai nên Sapa mới ra nông nỗi này?”