Phú Quốc: Sáp nhập hành chính và mưu đồ của nhà cầm quyền

Toàn cảnh Phú Quốc nhìn từ trên cao. (Hình: Vũ Phương/VietnamNet

UBND thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang hiện đang có 9 phường, xã, vừa đề xuất hai phương án sáp nhập đơn vị hành chính.

Phương án 1: Giữ nguyên hiện trạng xã Thổ Châu có diện tích 13km2, dân số gần 2,000 người, sau sáp nhập sẽ đổi tên thành Đặc Khu Thổ Châu; 8 xã còn lại có diện tích 575km2, dân số gần 160 ngàn người, sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính, lấy tên là Đặc Khu Phú Quốc.

Phương án 2: Giữ nguyên hiện trạng xã Thổ Châu, đổi tên thành Đặc Khu Thổ Châu; các xã Gành Dầu, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Cửa Dương, Dương Đông, một phần xã Dương Tơ và xã Hàm Ninh nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc, có tổng diện tích 450km2, dân số gần 82 ngàn người sáp nhập thành một đơn vị hành chính, lấy tên là Đặc Khu Bắc Phú Quốc; Phường An Thới, một phần xã Dương Tơ và Hàm Ninh nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, có tổng diện tích 125km2, dân số 70 ngàn người sẽ sáp nhập thành một đơn vị, lấy tên mới là Đặc Khu Nam Phú Quốc.

Theo các phương án, thành phố Phú Quốc sau sáp nhập sẽ có từ hai đến ba đặc khu hành chính (không phải là đặc khu kinh tế,) lấy tên: Phú Quốc và Thổ Châu.

Năm 2018, Chính Phủ CSVN đề xuất Luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắt là Luật Đặc Khu). Vân Đồn-Quảng Ninh, Bắc Vân Phong–Khánh Hòa, và Phú Quốc-Kiên Giang là ba địa điểm được đề xuất trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Ngày 10 Tháng Sáu cùng năm, hàng chục ngàn người dân ở các tỉnh/thành Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai, VũngTàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… đồng loạt xuống đường biểu tình rầm rộ để phản đối dự thảo Luật Đặc Khu. Người dân lo ngại, các điều khoản trong dự thảo Luật này có nội dung cho nước ngoài thuê đất ở đặc khu lên đến 99 năm, nhà cầm quyền CSVN tạo điều kiện cho Trung Cộng vào Việt Nam thao túng kinh tế và cướp đất đai.

Một số nơi như Bình Thuận, ban đầu cuộc biểu tình ôn hòa nhưng sau đó trở thành bạo động, xảy ra xô xát giữa người dân và lực lượng Công An, đỉnh điểm là trụ sở UBND tỉnh và Công An tỉnh bị đốt phá. Hàng trăm người biểu tình bị bắt bớ, và nhiều người bị bỏ tù.

Trước áp lực của người dân, Quốc Hội CSVN ra quyết định hoãn thông qua Luật Đặc Khu vô thời hạn.

Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoãn binh để kéo dài thời gian, chờ đợi cơ hội thuận lợi hơn của nhà cầm quyền CSVN, bởi lẽ từ lâu nay họ vẫn tiến hành nhiều hoạt động để tiếp tục theo đuổi mục tiêu biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc thành những đặc khu kinh tế.

Và thời gian sắp tới, nếu đề xuất sáp nhập của UBND thành phố Phú Quốc được thông qua, Phú Quốc sẽ có những đặc khu hành chính hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tựa như đặc khu hành chính Ma Cao, Hong Kong của Trung Quốc.

Chưa rõ người dân Việt sẽ phản ứng ra sao với đề xuất sáp nhập để lập ra những đặc khu hành chính Phú Quốc và Thổ Châu. Tuy nhiên, với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, dự kiến sẽ không có những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ diễn ra như hồi năm 2018. Trước sự kiểm soát nghiêm ngặt, mạnh tay đàn áp của nhà cầm quyền, tinh thần đấu tranh của người dân có phần chùn bước. Mặt khác, lần này Phú Quốc chỉ đề xuất sáp nhập thành đặc khu hành chính, không có yếu tố cho nước ngoài thuê đất 99 năm, nên cũng không có nhiều lý do để người dân lo ngại nhà cầm quyền bán đất cho Trung Quốc.

Rất có thể đề xuất sắp xếp Phú Quốc và Thổ Châu trở thành đặc khu hành chính là bước đi thử nghiệm phản ứng của dư luận, đồng thời cũng là bước đi mang tính chiến lược có chủ đích của nhà cầm quyền CSVN. Ban đầu, họ tập trung quyền lực đưa ra lý do Phú Quốc cần cơ chế riêng để thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, phát triển hạ tầng cho xứng tầm đặc khu nên cần có những chính sách đặc biệt riêng về kinh tế, đất đai, thuế, đầu tư… rồi sau đó “lách luật” dọn đường cho đặc khu kinh tế quay trở lại, đặt chuyện đã rồi khi hợp thức hóa xong đặc khu hành chính.

Công bằng mà nói, mô hình đặc khu từng giúp cho nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, UAE hay Singapore thành công trong việc thu hút vốn đầu tư, nhưng hiện nay với xu thế phát triển của thế giới có nhiều thay đổi nên các mô hình đặc khu, đặc biệt là những đặc khu kinh tế đã lạc hậu, không còn phù hợp và nguy hiểm hơn là trở thành tụ điểm của những băng nhóm tội phạm.

Năm 2016, Chính Phủ Mexico thành lập bảy đặc khu kinh tế nhưng đến năm 2021 phải hủy bỏ bởi do hoạt động kém hiệu quả, thâm hụt ngân sách. Chính Phủ Sri Lanka từng cho Trung Quốc đầu tư và xây dựng các đặc khu kinh tế, sau đó do không trả nổi nợ nên đã phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc thuê 99 năm.

Phú Quốc trở thành đặc khu, giá đất sẽ tăng vọt, các ông lớn bất động sản của Việt Nam như Sun Group, Trung Nam Group, Vin Group, FLC Group… hoặc các ông lớn bất động sản nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc nhảy vào dưới danh nghĩa là nhà đầu tư, chiếm đất đai của người dân địa phương để lập ra những dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp.

Cũng có thể, các nhà đầu tư cấu kết với quan chức địa phương hình thành những nhóm lợi ích mới, từ Phú Quốc sẽ lay lan ra Bắc Vân Phong, Vân Đồn và sẽ nhiều nơi khác nữa cùng áp dụng để thành lập đặc khu kinh tế mà không cần Quốc Hội phải thông qua Luật Đặc Khu.

Hơn nữa, khi một khu vực tách khỏi sự giám sát chặt chẽ của tỉnh, cơ chế đặc khu sẽ cho phép bộ máy quản lý tại đây có quyền lực lớn hơn, có thể đưa ra những quyết định mang tính đặc thù thì các cơ quan chức năng ở tỉnh gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm soát.

Trung Quốc từng gây sức ép để Campuchia giữ đặc khu Sihanoukville và ép Lào phải cho thuê đất dài hạn, Việt Nam khả năng cũng khó tránh khỏi số phận tương tự. Rõ ràng, sự hình thành các đặc khu không chỉ đặt lợi ích quốc gia và dân tộc vào tình thế nguy hiểm mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài. Nhà cầm quyền CSVN chắc chắn hiểu rõ điều này, nhưng khi lợi ích nhóm được đặt lên trên tất cả, họ sẵn sàng bất chấp đối đầu với nhân dân.

Một khi nhà cầm quyền quyết tâm theo đuổi mô hình đặc khu, bất chấp tiếng nói phản đối và sẵn sàng đàn áp để phục vụ lợi ích ngoại bang, thì hiện tại, người dân Việt chưa đủ sức để làm thay đổi tình thế. Điều duy nhất họ có thể làm là lên tiếng, tác động và cố gắng đấu tranh để hạn chế phần nào đó thiệt hại có thể xảy ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo