Nhiều quán ăn/nhà hàng ở Sài Gòn đang nghỉ chơi với app giao hàng vì chiết khấu quá cao.
Với mức chiết khấu lên đến 20 – 25% một đơn hàng thức ăn hoặc thức uống, nhiều nhà hàng, quán ăn ở Sài Gòn than bị lỗ, nghỉ hợp tác với các app giao hàng như Baemin, GrabFood, GoFood, ShoppeFood, BeFood. Đó là phản ảnh của Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Mười 2023.
Với một đơn hàng, ứng dụng (app) của các hãng công nghệ lấy được tiền chiết khấu từ quán ăn/nhà hàng (từ 20-25%) lẫn tiền chiết khấu (gần 30%) của shipper. Vì thế, đang có làn sóng rời bỏ app của các quán ăn/nhà hàng.
Một ông chủ điều hành khoảng 10 quán ăn nhà hàng là Ngô Văn Hà (quận Bình Thạnh, Sài Gòn) cho biết từng đề nghị các app giảm chiết khấu xuống 12 – 15%, bù lại sẽ tăng quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều app không chấp nhận, vẫn thu đủ 20 – 25%.
Vận hành hơn 20 chi nhánh bán đồ ăn xứ Quảng, ông Nguyễn Đỉnh (quận Tân Bình) kể chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 – 27.5%. Phí này những năm trước chỉ ở mức 15 – 20%, sau đó tăng dần.
“Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách. Mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 – 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Càng phụ thuộc app, chi tiền khuyến mãi quá nhiều, doanh thu cao nhưng lợi nhuận giảm” – ông Đỉnh phàn nàn. Chính vì vậy, ông Đỉnh đã ngưng hợp tác với vài ứng dụng.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc công ty hải sản Hoàng Gia, từng có được mức chiết khấu từ 5 – 10% của các app. Tuy nhiên, gần đây nhiều app đòi tăng lên 15 – 20%, thậm chí 25%, nên công ty của ông phải giảm giao hàng qua app.
Lý do chính là so mọi năm, đơn hàng đang giảm 20 – 30%, giờ lại “nuôi” thêm app với chiết khấu cao nữa thì khó sống. Một lý do khác là sau dịch, thay vì đặt đồ ăn giao tới nhà, giờ nhiều người ra quán ăn tại chỗ vì giá rẻ hơn.
Ông Trường còn tính toán, với 13 cửa hàng và đang dự tính mở thêm, mỗi ngày hệ thống có đến hàng trăm đơn hàng, việc chia 10 – 15% cho các app là số tiền lớn. Vì thế, ông Trường cho biết về lâu dài phải chủ động xây dựng kênh bán hàng riêng, ưu đãi cho khách như miễn phí vận chuyển khi đặt hàng trực tiếp.
Người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận) là ông Trần Quốc Thịnh cho biết nhờ hợp tác hơn chục năm với nhiều app nên có mức chiết khấu ưu đãi từ 17 – 20%, thay vì 25% như quy định của nhiều app.
Tuy nhiên, ông Thịnh phân tích: Tiền mặt bằng chiếm 15%, nhân viên 12%, nguyên vật liệu 40 – 45%, các chi phí khác 10%. Như vậy, nếu phải trả 20 – 25% chiết khấu trên mỗi đơn hàng cho app, nhà hàng chỉ lãi được 2-5%, thậm chí có thể lỗ.
Vì thế, ông Thịnh cho hay phải khống chế số lượng giao hàng qua app chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng doanh thu, nếu muốn có lời.
Để có được 80% doanh thu của quán từ lượng khách hàng trực tiếp, ông Thịnh chia sẻ công ty phải xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng, tạo Fanpage, website, hotline… để tương tác với khách, thà lấy phần trăm trả app để giảm giá bán, miễn phí giao hàng… cho khách trực tiếp.
Điểm trừ nữa là các ứng dụng giao hàng hiện nắm thông tin khách hàng và không chia sẻ cho chủ quán, khiến các tiệm gần như không tương tác trực tiếp được với khách.
Tương tự như ông Trường và ông Thịnh, ông Hà Bình Kha, chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp), cũng tìm cách kéo khách đến trực tiếp bằng cách tăng giá 10% nếu khách đặt hàng qua app. Còn khi khách đến mua trực tiếp thì giảm giá bán, đồng thời miễn phí giao hàng…
Ngoài ra, phí ship cũng là cản ngại với khách thỉnh thoảng mới đặt đồ ăn bên ngoài. Chị Thiên Kiều, chủ quán bún bò trên đường Vạn Kiếp (TP.HCM), kể là ngoài tiền đặt đồ ăn, khách còn tốn thêm phí ship ít nhất 14,000 – 20,000 đồng cho cự ly dưới 5km nếu đặt qua app. Đặt nhiều món thì đỡ chứ đặt một món thì thà khách tới quán để ăn sẽ rẻ hơn.
Để không phải chia sẻ lợi nhuận với các app, nhiều chủ quán ăn/nhà hàng đang tìm mọi cách để có nguồn khách trực tiếp. Một trong những cách họ áp dụng là thay vì trả 25% chiết khấu cho app giao hàng, họ dùng số tiền này để quảng bá, khuyến mãi cho khách đến ăn uống hoặc mua về.
Mặc dù app công nghệ thu tiền chiết khấu hai đầu – bên chủ quán và bên shipper, thế nhưng nhiều ứng dụng công nghệ vẫn kêu khó, gặp lỗ.
Mới nhất là ứng dụng đến từ Hàn Quốc Baemin. Sau hơn ba năm hoạt động tại Việt Nam, ứng dụng này phải thu hẹp quy mô, thậm chí tính rời thị trường. Loship thì đối diện phản ứng của nhiều chủ quán ăn, cửa hàng vì giam tiền hàng, hoàn trả chậm…
Theo các app, áp lực to lớn cho thị trường giao thức ăn tới từ nhà đầu tư đổ tiền xây dựng app, trong khi khách hàng lại quen được khuyến mãi. Việc “vung tiền” chiếm thị trường, cạnh tranh với đối thủ khiến các ứng dụng giao hàng lâm vào thế khó. Dân thắt lưng buộc bụng, các app cũng phải cắt giảm khuyến mãi do khó khăn, ngay bản thân doanh nghiệp vẫn lỗ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một app giao thức ăn cho hay phải liên tục “bơm tiền” đầu tư công nghệ và vận hành hệ thống. Nhưng sau thời gian kỳ vọng bùng nổ, thực tế sức mua giảm, khiến doanh thu sụt giảm từ đầu năm nay.
Mặt khác, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao cũng là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng.
Là người tiêu dùng, độc giả Đoàn Hòa bình luận: “Tôi đặt một ly trà sữa của một thương hiệu nổi tiếng cách nhà 800m qua một app. Thông dụng giá ly trà sữa 70,000 đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí phải trả là 94,000 đồng. Ngoài tiền ship, tôi không hiểu cộng cái gì nữa vào thành ra 94,000 đồng? Theo tôi, ăn như vậy quá dày”.
Độc giả Huy Trần bổ sung: “Ghét nhất cái phí duy trì, cái này là của bên app với tài xế nhưng bên app lại tính luôn vô khách hàng!”.
Phân tích, độc giả cauvongxanh viết: “Trước giờ có một nghịch lý đó là mua trực tiếp lại mắc hơn mua qua app. Điển hình là bánh pizza. Khi tôi mua trực tiếp không được khuyến mãi, còn mua qua app thì được khuyến mãi, lại không bị tính ship nên khách tội tình gì phải lặn lội ra mua trực tiếp”.
Theo độc giả này: “Đây là kiểu kinh doanh thiếu tầm nhìn lâu dài của các cửa hàng ăn uống bởi bị các app chiêu dụ lúc đầu có doanh số cao khi bán qua app nên có nhiều bất công cho khách mua trực tiếp.
Đến khi khách quen mua qua app và ổn định với lượng khách đông đảo và các cửa hàng ăn uống lệ thuộc vào app cao thì các app bắt đầu quay ngược lại chèn ép các đối tác. Âu đó cũng là do các cửa hàng tự chuốc lấy phần thua thiệt khi chỉ biết ăn xổi ở thì, vì thiếu tầm nhìn mà ra…”.
Đứng ở góc nhìn của dân công sở, buổi trưa nghỉ có một tiếng không thể đi xa ăn uống, độc giả Mai viết: “Mình đặt qua app rẻ hơn nhiều so với ăn tại chỗ nếu đặt nhiều phần cho cả phòng. Nhiều lúc ăn tại chỗ giá 50,000 đồng nhưng đặt qua app có mã khuyến mãi vào sẽ chỉ còn khoảng 30,000 đồng”.
Nói chung, việc đặt thức ăn thức uống qua app có vẻ tiện lợi và cần thiết với dân công sở, làm việc tại văn phòng, chứ còn với người làm việc tại nhà thì đặt hàng qua app vừa đắt (nhiều quán ăn/nhà hàng nâng giá bán khi bán trên app) vừa tốn phí ship. Tuy nhiên, đôi khi app chính là “đôi chân” của nhiều người khi muốn thay đổi khẩu vị mà ngại đi xa.
Thật ra, chỉ có những quán ăn/nhà hàng có mặt bằng rộng rãi, khách đến ăn uống trực tiếp được mới nghỉ chơi với app, chứ hiện có những quán ăn/nhà hàng mở ra chỉ bán online thì 100% phụ thuộc vào các app giao hàng, có chiết khấu cao cũng đành chịu!
Gì chứ với nạn kẹt xe kinh khủng như ở Sài Gòn và Hà Nội hiện nay, app giao hàng là không thể thiếu.