Quán cơm cho người khó ở giáo xứ Vườn Xoài

10 giờ 30 quán cơm 2.000 đồng đông người đến ăn – Ảnh: Thanh Niên

Nếu hỏi bất kỳ ai ở Sài Gòn 2 ngàn đồng mua được gì thì có lẽ rất nhiều người sẽ không trả lời được. “Một gói xôi hay một ổ bánh mì chan nước sốt cũng cỡ mười ngàn đồng rồi. Hai ngàn thì mua được gì!”

Thế nhưng, cầm 2 ngàn đồng đến nhà thờ giáo xứ Vườn Xoài (P.12, Q.3), người lao động được ăn một bữa cơm trưa tươm tất.

Nói tươm tất là đúng, chứ không khoa trương. Một bữa cơm vừa no, vừa ngon làm cho người nghèo ấm lòng.

Một ngày ở đây bắt đầu từ 10 giờ 30. Những người bán vé số, chạy xe ôm, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn xếp hàng trật tự, bỏ 2,000 đồng vào thùng và nhận những phần ăn từ người phục vụ. Trong sân nhà thờ, nhiều người đến thưởng thức bữa ăn, đều lịch sự, người ăn xong nhường chỗ cho người đến sau nên dù khách đông nhưng quán không chật chội.

Mỗi phần ăn được bán với giá tượng trưng – Ảnh: Thanh Niên

Theo báo Thanh Niên, bữa trưa hôm đó có gà chiên, rau xào, canh chua. Ngày mai lại có món khác. Thực đơn do linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài) thực hiện, tự tay đi chợ mua nguyên liệu. Linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng cho biết cách đây 8 năm quán cơm 2.000 đồng được mở ở nhà thờ Giáo xứ Thánh Martinô (Q.Bình Thạnh). Tháng Chín 2022, sau khi chuyển về làm chánh xứ Vườn Xoài, linh mục tiếp tục duy trì quán cơm ý nghĩa này. Ông chia sẻ:

“Thành phố đông đúc, vẫn còn có người nghèo, những người nhập cư, người bán vé số, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quán cơm được mở ra mong mọi người yên tâm có bữa trưa. Tôi thấy vui vì được chia sẻ cho họ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, không sơ sài”.

Ông nói thêm, mức giá 2,000 đồng được đưa ra với ý nghĩa tượng trưng cho bà con không mặc cảm. Tất cả mọi người có thể đến ăn thay vì chỉ có giáo dân trong giáo xứ. Quán cơm được mở từ 10 giờ 30 – 12 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu. Chi phí thực hiện quán cơm được trích từ nguồn ngân sách giáo xứ và các nhà hảo tâm đóng góp.

Thùng tiền để người đến ăn cơm tự bỏ tiền vào đó rồi nhận cơm. Chẳng ai để mắt xem họ bỏ ít hay nhiều – Ảnh: Thanh Niên

Nhân viên quán không chỉ là giáo dân trong giáo xứ, mà cả những người không có đạo. Tất cả đến vì tấm lòng với người nghèo, họ chia nhau công việc với tinh thần tự nguyện, vui vẻ. Và đương nhiên, không ai lấy tiền công cả.

Vị linh mục cũng chỉ mong mọi người cùng làm với tinh thần sẻ chia, giúp cho người khó khăn bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Tiền tiết kiệm được từ bữa ăn trưa, c1o thể giúp họ dành tiền cho con cái ăn học.

Nhiều người nhiệt tình phục vụ tại quán ăn – Ảnh: Thanh Niên

Ông Nguyễn Thạch Hùng (52 tuổi, ở giáo xứ Thánh Martinô) là “bếp trưởng” của quán ăn. Ông gắn bó với quán từ khi còn được mở ở nhà thờ Thánh Martinô. Khi linh mục Phêrô chuyển về đây, ông vẫn tiếp tục tham gia góp sức. Ông nói: “Tôi biến tấu các món ăn mỗi ngày cho mọi người ăn không thấy chán. Tôi luôn cố gắng làm hết mình vì đến đây mới biết cuộc sống nhiều người không được trọn vẹn. Những người phục vụ như tôi thấy mọi người ăn ngon là vui rồi. Nhiều người cùng làm nên không thấy cực, vui vẻ. Lâu lâu tôi sẽ kiểm tra thùng rác để thấy những món nào còn sai sót, mọi người để lại nhiều sẽ điều chỉnh, làm kỹ hơn”.

Bà Phạm Thị Ngọc Lan (78 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) sau khi đi lễ ở nhà thờ ghé vào quán cơm ăn trưa. Bà nhận xét cơm rất ngon, mọi người đều vui vẻ chào hỏi nhau. Bà xúc động cho biết: “Già cả neo đơn, tiết kiệm được bữa nào hay bữa đó. Hôm nào có tiền tôi sẽ bỏ thêm chút đỉnh. Cảm ơn những người đã đem đến bữa cơm tình nghĩa thân thương, tôi thấy rất ấm áp, hạnh phúc”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: