Quảng Nam: Ăn cá muối ủ chua, mười người ngộ độc, một người tử vong

Bệnh viện Chợ Rẫy phải đem thuốc hiếm ra cứu người
Các bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Quảng Nam – Ảnh: NH/Dân Trí

Sau khi ăn cá chép muối ủ chua, liên tiếp mười người ở ba nơi khác nhau của tỉnh Quảng Nam đã bị ngộ độc botulinum nặng. Trong đó, có một trường hợp tử vong.

Nhóm ngộ độc thứ nhất gồm ba nữ và hai nam, ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Theo điều tra dịch tễ, năm người này trước đó đều ăn cá chép muối ủ chua. Ngày 5 Tháng Ba (sau khi ăn từ 12 đến 24 giờ), họ đều có chung triệu chứng đau bụng, nôn ói mệt và yếu dần tay chân nên nhập viện cấp cứu. Sau ba ngày điều trị, một phụ nữ 40 tuổi đã tử vong do diễn tiến quá nặng, bốn ca còn lại đã tạm ổn.

Nhóm ngộ độc thứ hai là một người phụ nữ 37 tuổi (ngụ xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn). Bệnh nhân ăn cá chép ủ chua ngày 14 Tháng Ba. Ngày hôm sau bị nôn ói nhiều, yếu dần tay chân nên nhập bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16 Tháng Ba, bệnh nhân bị suy hô hấp và hiện phải thở máy đến nay.

Tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, thăm bệnh nhân bị ngộ độc. Ảnh: Đắc Thành/VNExpress

Nhóm ngộ độc thứ ba là bốn người (gồm ba nam, một nữ) cùng gia đình (ngụ xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn), ăn cá chép ủ chua ngày 16 Tháng Ba. Ngày hôm sau họ phải nhập viện vì nôn ói nhiều. Đến ngày 18 Tháng Ba, có hai bệnh nhân trong số này bị liệt tứ chi, suy hô hấp phải thở máy. Hai trường hợp còn lại (gồm bé trai 12 tuổi và cô gái 24 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, hiện tự thở được.

Bệnh viện Chợ Rẫy phải đem thuốc hiếm ra cứu người

Trước những diễn biến khó lường, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về chuyên môn. Sau hội chẩn trực tuyến giữa hai bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử một đội gồm các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, hồi sức chống độc và dược đến bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam để cùng phối hợp điều trị bệnh nhân.

Đội hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy mang theo năm lọ thuốc giải độc. Đây là loại thuốc rất hiếm, thông thường Việt Nam không dự trữ hoặc cả nước chỉ có vài lọ.

Các BS BV Chợ Rẫy chẩn đoán 10 ca bệnh trên bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua. Có ba bệnh nhân nặng đang thở máy được chỉ định dùng ngay thuốc giải độc, theo dõi sát phản vệ trong và sau truyền cùng các biến chứng loạn nhịp tim. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt của bệnh nhân để quyết định có sử dụng thuốc giải hay không.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (bìa trái) hỗ trợ điều trị bệnh nhân ngộ độc tại Quảng Nam – Ảnh: NH/Dân Trí

Trước đó, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện đã xác định các bệnh nhân ngộ độc Clostridium Botulinum type E.

Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh. Sau khi nhiễm độc, bệnh nhân thường gặp triệu chứng đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Bệnh nhân ngộ độc nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong, liệt không hồi phục.

Sau khi được điều trị bằng thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), ba bệnh nhân ngộ độc nặng trong vụ ăn cá chép muối ủ chua trước đó hiện vẫn thở máy.

Món cá muối ủ chua của người dân miền núi Quảng Nam (trong ảnh là cá niên ủ chua) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Món đặc sản cá muối ủ chua trở thành thực phẩm giết người

Ông Hồ Văn Điền – Chủ tịch UBND xã Phước Đức (nơi xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua đầu tiên vào ngày 7 Tháng Ba) – cho biết cá muối ủ chua người dân tự làm, là món đặc sản của người dân ở đây từ xưa đến giờ.

Cách thức làm món này là cá được làm sạch, chặt khúc, ướp muối, trộn với cơm nguội rồi bỏ vào hũ để ủ chua. Ông Điền nói:

“Hơn mười ngày sau thì cá chín, có thể ăn được. Tùy theo cách ăn, có người để nguyên vậy ăn hoặc sẽ hâm nóng, nấu chín. Bất cứ loại cá nào cũng có thể làm ủ chua được, đặc biệt là cá rô phi, niên, trắm… Không riêng gì cá, người dân còn dùng thịt heo, da trâu, bò để ủ chua”.

Trong quá trình chế biến loại thức ăn này, cá được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 – 3 tuần mới lấy ra ăn, đây là yếu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Người bệnh khi ăn phải loại vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm đến tính mạng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: