Rước dịch vào nhà?

Du khách Trung Quốc tại Việt Nam (vietnamnet)

Sau ba năm đóng cửa với thế giới để chống Covid-19, việc mở cửa lại cho phép người dân Trung Quốc tự do đi lại đang làm cho nhiều nước Đông Nam Á khấp khởi vui mừng vì lượng du khách Trung Quốc sẽ thúc đẩy kinh tế quốc gia họ.

Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia và ngay cả Singapore đều tuyên bố sẽ không kiểm tra Covid ở cửa khẩu có thể làm khó cho du khách đến từ Trung Quốc, mặc dù số bệnh nhân Trung Quốc lây nhiễm hay chết vì Covid đang khó kiểm soát trong chính đất nước của họ. Việt Nam thì khác, quyết định kiểm soát du khách Trung Quốc từ cửa khẩu thông qua việc kiểm tra Covid là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay, tuy nhiên vẫn không ít người không hài lòng vì biện pháp có vẻ lỏng lẻo của chính quyền Việt Nam xem ra “làm lấy có”, bởi hàng triệu người vẫn còn ám ảnh cách phòng chống Covid trong thời gian vừa qua gây không ít hậu quả xấu vì cách chống dịch duy ý chí, bạo lực và cực đoan.

Các biến thể phụ XBB, XBB 1.5 của biến chủng Omicron vốn lây lan rất nhanh ở hơn 60 nước trên thế giới đã và đang hoành hành tại Trung Quốc, vì vậy du khách Trung Quốc khi du lịch các nước EU hay Mỹ đều phải chứng minh là không bị lây nhiễm bất cứ biến chủng Omicron nào, đặc biệt là Maroc, một nước Bắc Phi có ngành du lịch rất thành công đã cấm hẳn không cho du khách Trung Quốc vào đất nước của họ.

Trả lời báo VnExpress, ông Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá các ca bệnh xâm nhập là điều khó tránh khỏi. Riêng ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Việt Nam không đòi hỏi phải xét nghiệm PCR đối với khách đến hay về từ Trung Quốc mặc dù nhiều nước trên thế giới đang áp dụng biện pháp này để kiểm soát dòng người nhập cảnh từ Trung Quốc.

Tuyên bố không xét nghiệm PCR như các nước phương Tây đang làm cho nhiều người chống đối. Phương pháp PCR được xem là tối ưu trong việc xét nghiệm các loại virus nguy hiểm với độ chính xác cao, nhanh chóng cho kết quả và rất hữu hiệu tại các cửa khẩu của các nước Tây phương. Điều khó khăn khi sử dụng PCR là giá thành của xét nghiệm PCR khá cao, xét nghiệm PCR đòi hỏi trình độ của kỹ thuật viên, bác sĩ phải là người có trình độ chuyên môn cao và nhất là đòi hỏi trang thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại.

Tại Hội nghị “Các giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam” nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các giám đốc Sở du lịch thay nhau bàn bạc cách thu tiền của du khách Trung Quốc mà không có một ai tỏ ra lo ngại việc “nhập khẩu dịch bệnh” từ nước này. Tư duy kiếm tiền bất chấp hậu quả của một số đơn vị nhà nước cũng như các tổ chức du lịch lữ hành đang làm mờ nhạt bức tranh dịch bệnh. Tâm lý sợ hãi ngày một nhạt dần vì viễn ảnh kiếm tiền từ du khách đang làm cho Việt Nam mất định hướng.

Nội các của Thủ tướng Chính phủ chưa có ai tỏ ra quan tâm, ngay cả ông Phạm Minh Chính cũng chưa thấy có dấu hiệu nào, khi dịch bệnh và đồng tiền kiếm được từ du khách Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong những ngày trước Tết. Thủ tướng Chính phủ cần nhất trong lúc này là mở phiên họp khẩn cấp gồm những người trách nhiệm trong vấn đề này hầu tìm giải pháp tối ưu, vừa thúc đẩy kinh tế vừa ngăn ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.

Buổi họp ấy phải đặt ra những vấn đề thực tế hơn là những tâng bốc có tính cách làm lệch lạc sự thật. Những chuyên gia dịch tễ học phải đưa ra những biện pháp gì nhằm thay thế PRC nhưng vẫn đảm bảo tính nhanh nhạy cơ động của việc xét nghiệm. Những tổ chức nào có nhiệm vụ phản ứng nhanh khi phát hiện ra những nhóm du khách có lây nhiễm tập thể và lúc ấy phải đối phó ra sao?

Có nên phân phát kit test nhanh cho các nhóm lữ hành tập trung khách Trung Quốc cùng sinh hoạt chung trong thời gian du lịch? Đơn vị nào theo dõi, giải quyết các nhóm du khách có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh? Khu vực cách ly du khách đến từ Trung Quốc sẽ được triển khai ở đâu và cơ quan nào trách nhiệm quản lý? Phải giải quyết những người buôn bán, du khách đi lẻ từ các cửa khẩu phía Bắc hay Đông Nam nếu những người này vào Việt Nam mà không ai biết họ sẽ đi đâu và sinh hoạt thế nào?

Việt Nam không thể như Maroc cấm cửa hẳn người Trung Quốc nhưng cũng không thể như các nước trong khu vực quá tự tin vào việc chống dịch của họ. Ngăn sông cấm chợ không phải là cách hay nhất để giải quyết vấn đề dịch bệnh nhưng vừa ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả vừa giải quyết yêu cầu của công nghiệp không khói đang cần nhiều cái đầu cùng suy nghĩ và thực hiện.

Chúng ta còn nhớ thời gian dịch bệnh hoành hành ba năm trước, cả nước như đang trong trại giam, mọi sinh hoạt đều bị khống chế. Đừng lập lại những bi kịch trong quá khứ chỉ vì tham nhân dân tệ. Hãy nói không với họ khi chưa thiết lập được hàng rào chống dịch bất kể sức ép nào từ người bạn phương Bắc. Tại sao Bắc Kinh đòi hỏi người nào tại Việt Nam sang Trung Quốc đều phải có mã sức khỏe trong khi chúng ta lại làm ngơ trước vấn đề cốt lõi này?

Đây là lúc báo chí phải có lương tâm trong khi phân tích lợi và hại khi du khách Trung Quốc vào thăm Việt Nam. Bất cứ bài viết nào cũng phải đặt trên tính khoa học, được minh chứng bằng những cơ quan y tế thế giới, đừng ỡm ờ loan tải những tin tức chưa qua kiểm chứng chỉ thấy lợi trước mắt mà di hại vô cùng khốc liệt.

Nhà nước chưa cho người dân hoàn hồn bao lâu thì đưa ra quyết định đón khách Trung Quốc mà không có một sự chuẩn bị nào thì không khác rước dịch vào nhà. Giặc vào nhà còn thấy mà đánh, dịch bệnh vô hình lại tàn khốc hơn giặc nhiều, đừng để cả nước lâm vào cảnh chết không có hòm mà chôn trong khi những kẻ to tiếng rước dịch vào nhà qua chiêu bài du lịch đã cao bay xa chạy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: