7h30 sáng, thành phố đông dân nhất nước im lắng trong cơn mưa, gần như cả thành phố chỉ có tiếng mưa, nhưng đâu phải tôi lại đang sống giữa đồng ruộng quê nhà yên bình vào thế kỷ trước, mà do đô thị bêtông giữa đỉnh điểm dịch bệnh này đang phủ trùm sự im lặng như thể nhắc nhở, như thể che chở từng phận người chờ đợi, chờ đợi ánh nắng lại lên, và hy vọng trở lại với dòng thác âm thanh quen thuộc của người, xe náo nhiệt. Lúc này tôi tự trách mình, dòng âm thanh sôi động của sự sống đó, sao lúc chưa có dịch bệnh, mình lại chán ghét nó.
Tôi là người sợ độ cao đến mức coi phim thấy diễn viên đứng ở mép các tòa nhà chọc trời tôi cũng rùng mình, run chân… Nhớ lúc đi Mỹ, ngồi trên phi cơ bay hàng giờ trên không, có lúc nghĩ: Trời, rủi nó chết máy thì sao. Lập tức nỗi sợ ập đến. Nhưng khi nhìn thấy các cô, các anh tiếp viên hàng không đi tới đi lui: À, họ ngày nào cũng lơ lửng trên trời, vẫn nói, cười, làm việc của mình, tôi lại trấn tĩnh và thầm cám ơn họ.
Tôi không cường điệu về phẩm chất hay chức năng công việc của họ. Và dẫu cho họ chỉ làm công việc để kiếm sống như hàng triệu người khác thì sự tự nhiên làm việc của một người phải sống: Sự tự nhiên đó có một sức mạnh để là điểm tựa tinh thần cho người yếu đuối, có nhiều tật chứng khiếm khuyết.
Viết đến đây, trong cơn mưa, tiếng còi xe cứu thương lại vang dội ngoài đường. Phải nói là đó là loại âm thanh được nghe thấy nhiều nhất, náo động nhất trong những ngày thành phố bị phong tỏa vì dịch bệnh. Những ngày đầu phong tỏa, tiếng còi hụ xe cứu thương kéo theo cơn sợ hãi cho người nghe, một thứ sợ hãi được từng người che đậy với điều mong muốn âm thanh đó phải ở xa phố mình, hẻm mình, nhà mình.
Nhưng giờ đây, khi dịch bệnh đang dần vượt qua sự kiểm soát của hệ thống chống dịch của chính quyền, không người dân nào đoán được lúc nào sẽ tới lượt mình. F0, hay F1, trong nỗi sợ không thể thoát nhiễm bệnh, thì lúc này, tiếng còi hụ xe cứu thương ấy trở thành một tín hiệu trấn tĩnh, rằng âm thanh ấy sẵn sàng đến giúp mình, sẵn sàng vượt nhanh để đưa mình qua thời khắc nguy nan, sẵn sàng đưa mình đến bệnh viện nơi mà mình gởi trọn hy vọng sinh tồn.
Cá nhân tôi như hàng triệu người khác phải nhốt mình ở nhà 14 ngày qua vì lệnh của Chỉ thị 16. Tôi đọc báo, coi tivi và ý thức rằng, một người dân bình thường luôn mang sự kính trọng những bác sĩ, y tá, nhân viên ở các bệnh viện điều trị cho hàng ngàn người F0 ở Sài Gòn. Sắp tới đây, số bệnh nhân còn nhiều hơn nữa. Họ được hệ thống cai trị dùng từ ngữ kêu vang, kiểu như “chiến sĩ chống dịch tuyến đầu” và lồng ghép các danh hiệu đậm màu chính trị của chế độ, nghe như một đội quân tiền phương-xung kích của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.
Thôi thì tuyên truyền chế độ gọi tên là gì, ca ngợi gì, cũng không xứng nổi với tấm lòng gần như tuyệt đối cao thượng của các vị bác sĩ, y tá, nhân viên đó, những người hết lòng hết sức làm việc của mình, một công việc mà số mệnh họ, theo cách trừu tượng, là được Thượng Đế ân sủng ban cho, theo cách thực tế, là tính chuyên nghiệp cao nhất: LÀM NGƯỜI để CỨU NGƯỜI.
Chỉ biết gửi đôi lời đến họ. Kính thưa các bác sĩ, y tá, nhân viên…, các vị không chỉ đang cứu người chẳng may bị nhiễm virus yêu quái ở các bệnh viện khắp Sài Gòn và khắp tỉnh thành Việt Nam, các vị thật sự còn đang từng giây từng phút gián tiếp điều trị tinh thần và là điểm tựa vững như núi giúp trấn tĩnh, an tâm, là nguồn hy vọng cho cả dân tộc đang trong lúc khủng hoảng này.
Vượt ra ngoài mọi ngôn từ sáo rỗng và những mệnh lệnh rối rắm, dân Sài Gòn chỉ biết nói rằng, cám ơn người đã cứu người.