Không chỉ ở Sài Gòn, ngày 24 Tháng Hai, Viện Pasteur Sài Gòn đã cảnh báo 20 tỉnh thành phía Nam cảnh giác và chuẩn bị phương án đối phó với cùm gia cầm A/H5N1.
Cảnh báo quan trọng này được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Prey Veng của Campuchia, có đường biên giới với Việt Nam, ghi nhận hai ca nhiễm H5N1 độc lực cao, trong đó một ca tử vong, và một số trường hợp nghi nhiễm. Trước đó một ngày, cơ quan y tế Campuchia ghi nhận 12 ca nhiễm H5N1 và một bé gái tử vong do virus này.
Hôm Thứ Bảy, 25 Tháng hai, UBND TP.HCM tiếp tục gửi văn bản khẩn đến các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện để tăng cường công tác phòng, chống cúm A/H5N1 xâm nhập.
Cơ quan y tế sẽ tiếp tục giám sát phát hiện và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh đối với các trường hợp viêm phổi do virus, bệnh cúm hoặc viêm hô hấp như số, ho, đau ngực, khó thở không rõ nguyên nhân.
Hiện nay, dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm hoạt động ngày nhiều. Với lực lượng ít, chưa kể có sự tiếp tay giữa bộ đội biên phòng và bọn buôn lậu, mỗi ngày có hàng trăm chuyến vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào Việt Nam và tỏa đi nhiều tỉnh thành, trong đó có Sài Gòn. Điều này làm cơ quan chức năng lo rằng, nếu không kiểm soát được con đường nhập lậu, dịch cúm gia cầm A/H5N1 sẽ mau chóng lan truyền khắp miền Nam trong một ngày không xa.
H5N1 là một chủng của virus cúm A, có thể gây bệnh cho người và nhiều loài động vật khác. Đây là tác nhân gây bệnh ở nhiều quần thể gia cầm, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.