Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, nhiều mẫu rau quả và trái cây tại chợ đầu mối ở Sài Gòn phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, phát hiện hoạt chất Carbendazim trên các sản phẩm cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền. Phát hiện hoạt chất Permethrine trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất Cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt và hoạt chất Imidacloprid trên cải ngọt, cà chua.
Với sản phẩm thủy sản, phát hiện các hoạt chất Chloramphenicol, Ciprofloxacin và Enrofloxacin; ngoài ra là hoạt chất kháng sinh không bảo đảm an toàn tập trung ở khâu nuôi trồng. Đặc biệt, qua kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tươi sống tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở Sài Gòn, kết quả còn khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình.
Kết quả, có 271/570 mẫu rau quả và trái cây phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chiếm tỷ lệ 47.54%. Trong đó, 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép, 58 mẫu (tỷ lệ 10.2%) không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu (tỷ lệ 3.5%) vượt mức giới hạn cho phép.
Về thuỷ sản đánh bắt, phát hiện 42/100 mẫu (tỷ lệ 42%) có chỉ tiêu kim loại nặng Cadmi vượt mức cho phép; trong đó có 36 mẫu mực và sáu mẫu bạch tuộc.
Về các sản phẩm rau, quả, trái cây, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất, trong đó có sản phẩm phát hiện đến bảy hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả, đặc biệt tại các tỉnh chưa có hiệu quả, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát. Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép và thiếu quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, việc công bố con số về tỷ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật là bởi đơn vị này xác định không thể cứ mãi để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu còn giải quyết.
Theo Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam chi gần $505 triệu nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ $446 triệu.
Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2022 là 3,794 lô với tổng trọng lượng thuốc thành phẩm nhập khẩu hơn 42,662 tấn, tăng 23.1% so với cùng kỳ năm ngoái.