Sài Gòn giới nghiêm thời bình đã đánh thức rất nhiều kỷ niệm buồn của hàng triệu người Sài Gòn cho dẫu họ có ly hương tị nạn khắp thế giới sau 1975.
Tôi đến Sài Gòn năm 1973. Một đứa thiếu niên tỉnh lẻ như tôi được sống ở một đô thị lớn văn minh, phồn vinh dù nhiều địa phương miền Nam đang trong khói lửa bom đạn chiến tranh. Nếu hỏi, tôi cảm nhận ra sao khi sống trong lệnh giới nghiêm của chính quyền VNCH vào những ngày Việt cộng sắp tấn công Sài Gòn, tôi chỉ biết thưa rằng: chỉ nhớ là cả chị em tôi không quan tâm vì bận lo cơm nắm, thức ăn, y phục để nếu nguy cấp thì mặc kệ lệnh giới nghiêm cứ theo đám đông mà chạy giặc. Chạy đi đâu? Không ai biết!
Như cảm giác bản năng động vật trước cảnh cháy rừng phải chạy về hướng chưa bừng lửa khói, hướng đó cái chết chưa đuổi tới, cái chết được gọi tên là giặc có thể sẽ đuổi kịp; cảm giác mặc kệ lệnh giới nghiêm mà chạy tìm sự sinh tồn, vừa có tính hoang dã mong manh lại vừa mạnh mẽ thiêng liêng!
Giờ đây, trớ trêu thay, tôi lại phải sống dưới chế độ của những người Việt cộng. Chế độ hoang dã hơn chính bản năng của cái thời tôi, gia đình, hàng xóm Sài Gòn của tôi vào ngày trước 1975. Giờ đây, lần đầu tiên, sau hơn 40 năm, tôi lại sống trong lệnh giới nghiêm để phòng chống dịch. Thật ra lệnh phong thành theo lệnh 15 hay 16 cũng đều là một dạng giới nghiêm của thời chiến tranh. Nhưng khi 0 giờ ngày 27 Tháng Bảy lệnh cấm dân ra đường, buộc dân tự nhốt ở nhà 100% từ 18h tối đến 6h sáng, đang làm tăng thêm cái cảm giác muốn phát điên vì bị bỏ tù.
Nhưng lần này, dẫu vẫn tích trữ thực phẩm phòng thân, dẫu sợ hãi hơn, dẫu biết giặc là coronavirus nhưng không thể mặc kệ lệnh giới nghiêm, không thể định hướng đâu là nơi an toàn để chạy, toàn bộ bản năng sinh tồn bị nhào trộn chung với ý thức về quyền được sống của con người thành một thứ bùn đen dưới ống cống. Cái cảm giác đi, đứng, nằm, ngồi bất lực chờ đến lượt mình dương tính với virus như chờ sát thủ vô hình; giống như nhân vật đấu sĩ đấu bò nằm quay mặt vào tường bất động ở nhà trọ, chờ sát thủ chưa rõ mặt đến hạ sát mình trong câu chuyện của văn hào Hemingway.
Có khác chăng là không có người lạ tốt bụng nào đến nhắc ai đó phải chạy trốn, người thân thiết cũng không khóc la đòi phải chạy trốn, chỉ có từng người tự hỏi mình sao không chạy trốn – tự hỏi để rồi bản năng và lý trí cùng mơ hồ ngay trước cửa nhà mình, cùng tình trạng buông xuôi ngay trong từng nhịp tim loạn nhịp của mình.
Sáng nay, ngày đầu của lệnh giới nghiêm ở Sài Gòn, nhà văn Cung Tích Biền ở Mỹ có để lại bình luận trên trang facebook của nhà văn Nguyễn Viện, khi ông Viện đang lo lắng vì chúng cư mình ở vừa có thêm ca nhiễm. Ông anh Cung Tích Biền khuyên: “Tôi ở Mỹ, cũng đúng một thời lo lắng, khổ ải. Rồi một hôm chợt nghĩ ra, khỏe ra, khỏi sợ bị covid nữa. Xem như mình bị dương tính rồi. Nó có sẵn trong người mình rồi. Hồi nào nó phát ra kệ cha nó. Vậy nên luôn mừng. Một tuần rồi chưa thấy nó phát ra. Một ngày mừng một ngày. Một tháng mừng một tháng. Ngày nào cũng vui. Bịnh chưa phát ra là vui. Khỏi lo nó sẽ tới. Vì nó có sẵn trong ta rồi…”
Vậy đó, kẻ cai trị có lệnh giới nghiêm cũng chỉ là cứu chế độ khỏi sụp đổ hoặc phá sản kinh tế vì dịch bệnh. Chớ thật ra mỗi người nhất là người lớn tuổi dễ tổn thương vì dịch bệnh dù không thể chạy trốn, nhưng phần chắc đều có sẵn đường chạy bằng cách tự kỷ ám thị coi như mình đã bị dương tính.
Điều đó thoạt nghĩ có khi là không tưởng, gây cảm giác buồn cười đến rơi nước mắt, nhưng bạn có gì khác à? Vaccine ư? Chẳng phải là các “ông ngoại đỏ” của chế độ đang đoạt thuốc ngừa Mỹ, Nhật cho con, cháu, người thân… sao? Trong thời gian dân đen phải chờ vaccine, thì có chắc virus cùng chờ chăng?
Đêm qua, trước giờ Sài Gòn bị giới nghiêm, tôi gửi một tin nhắn cho cậu em nhà báo đã về hưu, tin lạnh như cơn gió trống hoác đến từ các đường phố không bóng người: “Lúc 11 giờ: Chương trình tivi tối nay toàn tin tích cực, các bệnh viện sạch sẽ, công tác chống dịch nhiệt tình… v.v… Mình xem mà thấy yên tâm về tình hình chống dịch của nhà nước”.
Xem xong tivi thì cậu em nhà báo quen thân đó, gởi cho tôi xem một clip: những chiếc xe cấp cứu đang chen nhau ngay cổng nghĩa trang Bình Hưng Hòa!
Sài Gòn
27 tháng Bảy 2021