Đó là lời than vãn của anh Nguyễn Ngọc Hiếu, chủ cửa hàng xe máy Bảo Anh (quận Phú Nhuận, Sài Gòn), khi nhiều của hàng buôn bán xe máy cũ rơi vào tình trạng khó khăn sau thời điểm chính thức áp dụng biển số xe định danh, từ ngày 15 Tháng Tám, 2023.
Anh Hiếu cho biết, từ ngày đó, thị trường xe máy ế ẩm trở lại, cả trăm cửa hàng xe máy cũ ở quận Phú Nhuận đều vắng khách thường xuyên. Thậm chí, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không thể tiếp tục gồng lỗ. Anh nói, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng đã gần 30 triệu đồng/tháng, thêm tiền lương cho nhân viên, tiền điện, nước… Tổng cộng mỗi tháng anh phải bù lỗ khoảng 45 triệu đồng! “Chúng tôi chỉ còn chờ phá sản!”
Một chủ đại lý xe máy cũ trên đường Phan Đăng Lưu than phiền với phóng viên báo Tiền Phong:
“Ế lắm! Giá xe cũ giảm 30%-40% so với mấy tháng trước. Chẳng hạn, chiếc Yamaha Sirius giảm từ 17 triệu đồng xuống 11 triệu đồng cũng chẳng ai mua. Cả tháng qua, cửa hàng tôi chỉ bán được 2 chiếc xe, mà phải bao thủ tục sang tên cho khách, trong khi trước đây mỗi tháng bán được hàng chục chiếc”.
Ngay cả những chiếc xe máy có giá dưới 10 triệu đồng cũng chẳng ai mua.
Theo anh Trần Hải, chủ cửa hàng xe máy Tịnh Hải (quận Phú Nhuận), quy định mới sang tên biển số xe không đơn giản nên nhiều người có tâm lý ngại ngần. Chẳng hiểu Bộ Công an nghĩ thế nào mà ra quy định, với người có gia đình, khi làm thủ tục ra công chứng phải có mặt đầy đủ cả vợ, chồng (?!) Với người độc thân, cần làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tài sản trước hôn nhân…
Trong khi đó, trước đây, chỉ cần chủ xe làm giấy tờ mua bán với cửa hàng và có công chứng thì cửa hàng có thể làm đại diện cho chủ xe để thực hiện thủ tục sang tên cho khách. Bây giờ, muốn bán xe cũ, chủ cửa hàng phải tìm chủ cũ để nhờ họ đến cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên, điều này đôi khi còn “khó hơn lên mặt trăng”. Anh Hải nêu thực tế:
“Muốn tìm chủ xe cũ rất khó vì có thể họ đổi nơi ở, đi nước ngoài… Có khi tìm được chủ xe nhưng cũng không thể bắt buộc họ đến cơ quan chức năng để làm thủ tục bởi lý do họ không sắp xếp được thời gian”.
Hà Nội: Hơn một tháng, chưa có khách hàng nào sang tên xe thành công
Tình hình ở Hà Nội cũng chẳng khá hơn Sài Gòn. Sau gần một tháng triển khai biển số định danh, nhiều cửa hàng xe cũ ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm. Thậm chí, họ không dám nhập xe cũ nhiều đời chủ do lo ngại khó khăn trong quá trình sang tên đổi chủ.
Anh Lã Văn Hòa, chủ cửa hàng mua bán xe cũ tại Dịch Vọng, Cầu Giấy nhận được nhiều nhất không phải là “xe này giá bao nhiêu”, mà là “xe mua xong liệu có làm thủ tục sang tên đổi chủ được không?”
Chẳng ai dám chắc 100% là sẽ sang tên, đổi chủ dễ dàng, vì “xác suất tìm được chủ xe cũ là rất thấp, thêm vào đó, khách hàng phải làm rất nhiều thủ tục nếu muốn sang tên đổi chủ”, anh Hòa nói.
Trước đây mỗi ngày anh Hoà bán được 7-10 xe, có ngày lên đến 40 xe. Nhưng hiện tại lượng khách hàng đã sụt giảm tới 90%.
Anh Đỗ Quang Vũ, chủ cửa hàng bán xe cũ cùng dãy với anh Hòa cũng chỉ bán được từ 1-2 xe/ngày, trong khi thời gian trước là 10 xe/ngày.
Anh Vũ cho biết, với những chiếc xe lâu năm, việc tìm chủ cũ để làm thủ tục sang tên đổi chủ là rất khó. Thêm vào đó, nhiều chủ cũ cũng không có thiện chí hỗ trợ trong quá trình sang tên đổi chủ.
Do vậy, hiện tại anh Vũ cũng hạn chế nhập những loại xe có nhiều đời chủ. Anh thường ưu tiên nhập xe chỉ có 1 đời chủ.
Khi mua lại xe cũ, anh cũng yêu cầu người bán xe cam kết hỗ trợ chủ mới khi đi làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Nói chung, tình hình buôn bán xe máy cũ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn cùng cực. Rất nhiều chủ cửa hàng đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng cũng chỉ biết than thở với nhau và chửi đổng vài câu như “Chưa thấy nhà nước nào mà ra cái quy định ngu xuẩn như thế!”, rồi đóng cửa tiệm đi nhậu cho quên sự đời.